Thursday, August 7, 2014

Đại gia mua tàu cũ ra Biển Đông: Dự án viển vông!

(Baodatviet) - Trong khi Biển Đông “dậy sóng”, nhiều độc giả hoan hô đại gia có đầu óc thuộc bậc vĩ nhân.
Ông Phạm Văn Hiền (Thuyền trưởng tàu cá ngừ đại dương) với 11 năm kinh nghiệm đã có bài viết về vấn đề này, xin được gửi đến độc giả:
Đầu tháng 7/2014, dư luận rất quan tâm với đề án của đại gia Sài Gòn,sắm 100 tàu cũ và ụ nổi, máy bay trực thăng ra Biển Đông đánh cá. Trong khi Biển Đông “dậy sóng”, nhiều độc giả hoan hô đại gia có đầu óc thuộc bậc vĩ nhân.
Đội tàu cá đại gia Phạm Ngọc Lâm tuyên bố sẽ mua
Đội tàu cá đại gia Phạm Ngọc Lâm tuyên bố sẽ mua
Bản thân tôi làm nghề cá từ năm 1982 – 2007, có 11 năm làm thuyền trưởng tàu cá ngừ đại dương loại hiện đại của Nhật Bản, hoạt động tại ngư trường Biển Đông, tôi khẳng định đề án trên hoàn toàn không khả thi vì 4 vấn đề cơ bản sau đây:
I. Nguồn lợi cá ngừ đại dương hiện nay ở Biển Đông giảm sút nghiêm trọng. Biển Đông chỉ có hai loại cá ngừ có giá trị kinh tế cao là cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to, không có cá ngừ vây xanh. Giai đoạn 1995 – 2003, các đoàn tàu ở Sài Gòn khai thác rất hiệu quả vì 3 lý do:
Một là, ngư trường lúc đó rất nhiều cá ngừ đại dương nên không mất công tìm kiếm và không phải đi xa (tốn dầu lắm!). Chỉ cần tàu chạy cách Cam Ranh, Nha Trang chừng 100 – 120 hải lý (1 hải lý = 1,852km) là thuyền trưởng có thể quyết định thả câu và cầm chắc đã đánh là thắng. Trích một trang nhật ký đánh bắt thời hoàng kim:
“Ngày 24/02/2002
Gió NE (Đông Bắc) cấp 4
Thả câu lúc 05 giờ 27 phút
Tại φ = … N (vĩ độ), λ = …E (kinh độ)
Hướng thả câu: 050o
Thả xong câu lúc 11 giờ 25 phút
Độ dài đường câu = 37,94 hải lý (khoảng 70km)
Thả 2000 lưỡi câu
Thu câu lúc 16 giờ 46 phút, ngày 24/02/2002
Thu xong lúc 05 giờ 30 phút, ngày 25/02/2002
Sản lượng: cá ngừ đạt giá trị xuất khẩu 20kg/con trở lên = 26 con = 1070 kg”
Đây là một trong những mẻ câu thuộc sản lượng cao nhưng chưa phải là kỉ lục thời kì hoàng kim tại ngư trường Đất Mẹ.
Nhưng một trang nhật ký khác của năm 2007:
“Ngày 27/02/2007
Gió NE (Đông Bắc) cấp 5
Thả câu lúc 05 giờ 17 phút
Tại φ = … N (vĩ độ), λ = …E (kinh độ)
Hướng thả câu: 350o
Thả xong câu lúc 10 giờ 42 phút
Độ dài đường câu = 37,52 hải lý (khoảng 69,5km)
Thả 2000 lưỡi câu
Thu câu lúc 17 giờ 16 phút, ngày 27/02/2007
Thu xong lúc 06 giờ 33 phút, ngày 28/02/2007
Sản lượng: 02 con cá ngừ mắt to = 95 kg“ (cũng còn may đấy, nhiều tàu còn không có con nào!)
(Nhật ký khai thác còn rắc rối hơn nhiều, tôi chỉ khái quát những dòng cơ bản và xin không nêu tọa độ thật đành để trong những dấu … )
Hai là, từ năm 2003 về trước, Nhà nước bù lỗ giá dầu; giá dầu thế giới năm 2002 chỉ khoảng 25USD/thùng.
Ba là: giá bán cá ngừ lúc đó so với giá dầu là rất cao, tùy theo từng tàu, nếu chất lượng cá tốt đạt tiêu chuẩn “ăn sống”, cá có thể bán từ 90.000VNĐ đến 110.000VNĐ/kg.
Một chú cá ngừ 60kg * 100.000VNĐ = 6.000.000VNĐ = 1,2 lượng vàng SJC (đây là giá cá ngừ của đoàn tàu chúng tôi đạt tiêu chuẩn “ăn sống”, bà con ngư dân Bình Định - Phú Yên do bảo quản cá bằng đá xay nên giá bán thấp hơn khoảng 30 đến 40.000VNĐ/kg).
(Nếu có được ngư trường, giá dầu, giá cá như giai đoạn này thì tàu cũ hay tàu mới không có nghĩa lý gì. Nguồn nhân lực “đi biển lành nghề” cũng không trở ngại gì.)
II. Hiện nay, giá dầu tăng cao, khoảng hơn 4 lần so với thời điểm năm 2002 và không bao giờ hi vọng giá dầu trở lại thời kì năm 2002.
III. Giá bán cá ngừ tuân thủ theo nguyên tắc đấu giá tại mỗi phiên chợ bên Nhật Bản. Giá cả phụ thuộc vào chất lượng thịt cá và mức cung cầu lúc đấu giá, nó hoàn toàn không phụ thuộc vào lời hứa bao tiêu sản phẩm hay tình cảm giữa hai dân tộc Nhật – Việt.
Tôi khẳng định không người Nhật nào nhắm mắt ăn cá chất lượng kém mà trả 12 USD/kg. Chất lượng thịt cá do mùa vụ, kỹ thuật đánh bắt, phương tiện, trình độ bảo quản và yếu tố may mắn quyết định.
(Tôi giải thích yếu tố may mắn: 5 giờ sáng hôm nay thả câu, giả sử có con cá ăn ngay, nó sẽ vùng vẫy, điều may mắn là nó vùng vẫy nhiều giờ mà không bị quấn vào đường câu. Sáng ngày hôm sau, khi ta bắt được thì nó vẫn còn sống thì con cá này sẽ đạt tiêu chuẩn sashimi và sẽ được lên máy bay qua Nhật. Nếu con cá này đã chết trước đó nhiều giờ, thì không cần chuyên gia thử thịt, bằng mắt thường, người tuyển chọn ở cầu cảng đã gạt nó ra rồi.)
IV. Mùa vụ cá ngừ đại dương ở Biển Đông rất ngắn, cao điểm vụ Bắc cho sản lượng cao, chất lượng thịt tốt là tháng 01 đến giữa tháng 04 Dương lịch hằng năm. Vụ Nam từ tháng 09 đến tháng 11 Dương lịch hằng năm. Các tháng khác sản lượng thấp, các tàu nằm bờ sửa chữa. Vậy một năm có 5 tháng nằm bờ.
Nếu theo lời hứa của đại gia khi tàu nằm bờ, trả lương không dưới 5 triệu/người, một tàu có 14 người (đi ít người, thả ít câu, ít cá); trả lương cho thuyền viên 70 tàu cá ngừ trong 5 tháng nằm bờ hết 24.500 triệu đồng. (Ôi chao! Thôi đành chờ cụ Tiệp đào được kho vàng ở núi Tàu thì mới có tiền để trả lương! Xin thưa mấy tháng cao điểm mùa vụ đánh bắt đã lỗ rồi).
Cuối năm 2007, 4 đoàn tàu cá ngừ đại dương hiện đại ở Sài Gòn và Vũng Tàu phải ngưng hoạt động kể cả đoàn Hải Âu là đoàn tàu có số lượng tàu hùng hậu và quy trình tổ chức quản lý tài giỏi nhất (ưu đãi cho thuyền viên và gia đình tuyệt vời nhất; mô hình tàu mẹ-tàu con để con cá bắt được chỉ 1 tuần là vào bờ chuẩn bị lên máy bay…). Tàu sắt thì bán rẻ như cho hoặc bán sắt vụn, tàu vỏ nhựa composite thì tìm chỗ vứt bỏ. (Tàu cháy cảng Hòn Rớ - Nha Trang năm 2012). Thương thay những con tàu siêu hiện đại có giá đầu tư từ 3 đến 4 tỉ (thời điểm 2002, 5 triệu đồng/ lượng vàng SJC) giờ đây gọi cho không ai lấy!
Chỉ 4 vấn đề cơ bản trên đây, tôi khẳng định dự án “Hạm đội cá ngừ đại dương” hoạt động ở Biển Đông là hoàn toàn không thể thực hiện được. Có một bạn đọc rất tài tình nói rằng đoàn tàu này thích hợp đánh bắt ở Nam cực, tôi bổ sung thêm nó thích hợp cho ngư trường Nam Phi để đánh bắt cá ngừ vây xanh!

Phạm Văn Hiền
 (Thuyền trưởng tàu cá ngừ đại dương
)

No comments:

Post a Comment