Đăng Bởi -
Ông Abe coi trọng quan hệ với Úc và các nước ở Thái Bình Dương
Khúc dạo đầu ở New Zealand
Ông Abe sẽ thăm New Zealand vào thứ Hai gặp gỡ thủ tướng John Key và tưởng niệm các nạn nhân bị động đất ở Christchurt. Ông của ngài Abe là thủ tướng Kishi cũng từng thăm New Zealand năm 1957 và bản thân ông Abe cũng từng đến New Zealand cách đây 17 năm khi còn là thành viên của chính phủ Nhật. Chuyến thăm của ông Abe sang New Zealand sau rất nhiều năm ngoài việc bàn về các hợp đồng kinh tế thì một việc không thể không nhắc là tình hình an ninh tại Thái Bình Dương và đặc biệt là ở biển Đông cũng như Hoa Đông.
New Zealand không có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, nhưng họ cũng tỏ ra khó chịu khi Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng của New Zealand ở Thái Bình Dương như ở Tonga, Samoa...
Trước đó, khi tới Washington hồi tháng 6, Thủ tướng John Key ủng hộ kế hoạch "xoay trục châu Á"- một chiến lược nhằm tăng cường kiểm soát của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Trung Quốc.
Điểm nhấn tại Úc
Sau khi thăm New Zealand, ông Abe sẽ bay thẳng sang Úc hội kiến với thủ tướng Tony Abott. Cuộc gặp gỡ của hai vị thủ tướng ngoài chuyện làm ăn kinh tế thì một chủ đề quan trọng là hợp tác quân sự.
Hai bên sẽ tiến hành ký kết một hợp đồng chuyển giao công nghệ tàu ngầm từ Nhật Bản cho Úc. Để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân đội, Úc cần phải thay thế hạm đội tàu ngầm của mình trong những năm tới. Cụ thể, Nhật Bản sẽ giúp Úc xây dựng một đội tàu ngầm 4.000 tấn với động cơ diesel-điện chạy rất êm và tầm hoạt động rộng. Với hạm đội mới, hải quân Úc có thể mở rộng phạm vi giám sát hàng hải tới tận Ấn Độ Dương.
Sự kiện này mang tính lịch sử vì lần đầu hai nước được coi là cường quốc hải quân trong khu vực Thái Bình Dương chia sẻ với nhau về công nghệ quân sự bí mật mang tính quy mô như vậy. Việc hợp tác quân sự này sẽ giúp thắt chặt quan hệ Nhật - Úc thêm thân thiết, tin cậy. Điều này khiến Úc phải ngả về Nhật trong các vấn đề nóng bỏng với Trung Quốc.
Người ta có thể thấy điều này tại hội nghị Shangri-La hồi đầu tháng 6. Khi đó, cả Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnton đều chi trích những hành động đơn phương gây căng thẳng trên biển Đông. Đây có thể coi là lần hiếm hoi Úc chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc đến mức Phó tham mưu trưởng Trung Quốc Vương Quán Trung phải tức giận nói rằng “ngạc nhiên khi Úc và Nhật sử dụng chung một số từ (chỉ trích Bắc Kinh)”.
Kết thúc ở Papua New Guinea
Điểm dừng chân cuối cùng của ông Abe là Papua New Guinea, một nước thuộc châu Đại dương nhưng có biên giới chung với Indonesia. Cuộc họp với Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill của ông Abe vào thứ Tư sẽ chủ yếu bàn về chuyện xuất khẩu dầu mỏ của nước này sang Nhật.
Nhật bắt đầu nhập khí đốt tự nhiên từ Papua New Guinea từ tháng trước. Trong hoàn cảnh biển Đông đang bất ổn về an ninh, Nhật rất coi trọng việc nhập khẩu khí đốt từ các quốc gia ở Thái Bình Dương và dự định sẽ nhập khoảng 36 triệu tấn khí đốt vào năm 2019 từ các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương.
Việc kéo Papua New Guinea trở thành một đối tác lớn cũng là con bài của Nhật nhằm phá ý đồ xây dựng chuỗi đảo thứ 2 của Trung Quốc trong hành lang mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương (chuỗi đảo thứ hai kết nối các quần đảo Izu, Saipan và Papua New Guinea).
Anh Tú (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment