Monday, July 7, 2014

Tàu biển Việt Nam bị tạm giữ có thể tăng

HÀ NỘI 7-7 (NV) - Tuy số lượt tàu vận tải biển bị tạm giữ ở ngoại quốc trong sáu tháng vừa qua giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Cục Đăng kiểm Việt Nam lo ngại con số này sẽ tăng.


Tàu vận tải biển của Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu vì bị tạm giữ ở ngoại quốc. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Trong sáu tháng đầu năm ngoái, có 33 lượt tàu vận tải biển của Việt Nam bị tạm giữ ở ngoại quốc. Con số này trong sáu tháng đầu năm nay là 19 (giảm 14) nhưng Cục Đăng kiểm cảnh báo, số lượng tàu biển bị tạm giữ ở ngoại quốc trong nửa cuối năm nay có thể sẽ tăng vì mức độ căng thẳng ở biển Đông gia tăng.

Trước nay, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là hai quốc gia dẫn đầu trong việc tạm giữ các tàu vận tải biển của Việt Nam. Ngoài những lý do liên quan đến tương quan giữa chất lượng con tàu và an toàn hàng hải, năm ngoái, các tàu vận tải biển của Việt Nam bị tạm giữ ở ngoại quốc còn vì vi phạm Công ước Lao động hàng hải (MLC), không thực hiện đúng qui định về số giờ làm việc và số giờ nghỉ ngơi của thuyền viên trên tàu.

Trong vài năm qua, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia dẫn đầu về số lượt tàu vận tải biển bị tạm giữ do vi phạm đủ thứ qui định.

Loại vi phạm thứ nhất là vi phạm về chất lượng con tàu và an toàn hàng hải. Những con tàu cũ được đóng ở ngoại quốc từ thập niên 1980 bị tạm giữ vì không được bảo dưỡng tốt. Những con tàu mới được các nhà máy ở Việt Nam đóng hồi thập niên 2000 cũng bị tạm giữ vì cả chất lượng vỏ lẫn chất lượng máy qúa tồi. Các vết hàn, cắt trên mặt boong nham nhở, hầu hết vòi nước trong các phòng vệ sinh bi hư sau sáu tháng sử dụng, các vách ngăn xộc xệch vì khi lắp ráp không khớp nhau… Hoặc theo thiết kế, máy tàu dùng dầu FO nhưng trên thực tế, máy chỉ có thể chạy bằng dầu DO…

Loại vi phạm thứ hai là do con người thiếu khả năng, thiếu kiến thức, bất cẩn. Theo nhận định của báo giới Việt Nam, từ thuyền trưởng, thuyền viên, chủ tàu, đến những cá nhân làm việc trong hệ thống quản lý cảng biển, đăng kiểm… đã cùng phạm những sai sót hết sức ngớ ngẩn khiến tàu vận tải biển của Việt Nam bị tạm giữ ở ngoại quốc.

Đầu tiên là những cá nhân làm việc trong hệ thống quản lý cảng biển, đăng kiểm làm việc qua loa, chiếu lệ, sai nguyên tắc nên gần như tàu vận tải biển nào của Việt Nam cũng được phép rời cảng rồi bị tạm giữ ở ngoại quốc vì mắc hàng loạt sai phạm về chất lượng con tàu và an toàn hàng hải: Hệ thống báo cháy và chữa cháy không đầy đủ, không hoạt động. Xuồng cứu sinh, phao cứu sinh bị lỗi kỹ thuật nên không thể hạ xuống biển hay sử dụng trong trường hợp khẩn cấp…

Kế đó là khi bị kiểm tra ở ngoại quốc, thuyền trưởng, thuyền viên, phạm những lỗi không giống ai. Chẳng hạn có thuyền trưởng không biết ai là đại diện của công ty nơi mình làm việc và trách nhiệm của người đại diện là gì. Có tàu thì thuyền trưởng và các sĩ quan trên tàu không biết tường tận về quy trình vận hành bảng báo động cháy. Có tàu thì thuyền viên không biết cách thả xuồng cứu sinh…

Đáng lưu ý là dù việc tạm giữ ở ngoại quốc vừa phát sinh thêm vô số chi phí, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải nhưng sau đó, các sai phạm vẫn còn nguyên, các con tàu này vẫn tiếp tục rời bến và tiếp tục bị tạm giữ ở ngoại quốc. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2011, có năm tàu vận tải biển của Việt Nam bị tạm giữ ở ngoại quốc hai, ba, thậm chí bốn lần như tàu Xitona của thuộc Công ty Hàng hải Thuận Nghĩa. (G.Đ)

07-07-2014 5:01:16 PM

No comments:

Post a Comment