Monday, July 7, 2014

Thân phận đàn bà



Published on July 7, 2014   ·   No Comments
laychonghanquoc

Cách đây ít lâu, tôi đọc trên tờ tạp chí một bài báo được giật tít khá sốc Nghèo đói + văn hóa vùng miền = Liều mạng lấy chồng Hàn quốc?.
Bài báo là một bài phỏng vấn một Giáo sư Tiến sĩ, nội dung có thể tóm tắt như sau: hiện tượng lấy chồng Hàn quốc ở miền Tây Nam bộ chủ yếu là do đặc điểm văn hóa vùng miền: người dân Nam bộ được thiên nhiên ưu đãi nên “làm chơi ăn thiệt”, không có chí tiến thủ, không cần học hành nhiều. Phụ nữ Nam bộ không biết vun vén cho gia đình như phụ nữ miền Trung và miền Bắc, không biết chăm lo và đòi hỏi chồng con có sự nghiệp, bằng lòng với cuộc sống “tạm bợ”, dễ dãi chịu đựng chồng say xỉn tối ngày… Vì vậy để/ hy vọng “thoát khỏi cảnh nghèo đói”, giúp đỡ gia đình, trả hiếu cho cha mẹ, thì việc lấy chồng nước ngoài đối với các cô gái miền Tây Nam bộ là cách làm dễ dàng nhất! Tóm lại, theo ông GSTS này thì nghèo đói, thất học, văn hóa thấp kém, dẫn đến chuyện “liều mạng lấy chồng Hàn quốc” nói cho cùng là do “văn hóa vùng miền” ở đây nó như vậy!
Khoan nói đển cách nghiên cứu văn hóa Nam bộ (và văn hóa nói chung) một cách đầy chủ quan, khô cứng và thiếu nhân văn như thế, chỉ nói đến một hiện tượng xã hội: “lấy chồng ngoại quốc” ở miền Tây Nam bộ theo kiểu “mai mối” mà thực chất là mua bán các cô gái trẻ qua tay những tú bà, tú ông là một thực trạng đang được báo động. Nhiều thảm cảnh đã xảy ra mang đến biết bao đau khổ cho các cô dâu và gia đình của họ. Nhưng nói cho cùng, các cô gái này có lỗi gì khi họ không có điều kiện học hành, không có người nào, không có phương tiện văn hóa nào khả dĩ giúp các cô có được sự hiểu biết tối thiểu về cuộc sống hôn nhân và gia đình ở nơi xa lạ ấy? Các cô có lỗi gì khi trên truyền hình tràn ngập những bộ phim Hàn Quốc, Đài Loan về cuộc sống đủ đầy vật chất, về những tình yêu lãng mạn toàn tuyết trắng biển xanh? Các cô gái có lỗi gì khi mà trong gia đình, những người đàn ông, những người cha người anh vẫn đành lòng để cho con em mình nhắm mắt đưa chân theo những người đàn ông coi “vợ” như một món hàng???
Phải chăng vì các cô gái này “lấy chồng nghèo” nên bị coi thường, còn các cô gái khác – hoa hậu á hậu người mẫu diễn viên…“may mắn” lấy chồng Tây “giàu có” hơn thì cái nhìn về họ cũng nề vì thiện cảm hơn chăng?
Hiện nay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Sài Gòn, Bình Dương… cũng tràn ngập các cô gái trẻ. Họ chấp nhận xa gia đình, đơn độc từ miền Bắc, miền Trung vào làm việc mong kiếm được đồng tiền nuôi sống bản thân và dành dụm gửi về giúp đỡ cha mẹ, anh em. Họ lao động cực nhọc thế nào, sống cực khổ thế nào, báo chí cũng đã nói đến rất nhiều! Rồi những người phụ nữ trong lực lượng “xuất khẩu lao động” của Việt Nam ra nước ngoài cũng vậy. Những tiếng kêu cứu của các chị em từ nơi này nơi khác vẫn làm nhức nhối chúng ta!
Sự hy sinh vốn là một thuộc tính của phụ nữ. Chúng ta vẫn giáo dục con gái / con cái chúng ta như thế! Nhìn chân dung phụ nữ Việt Nam mà con em ta được học trong nhà trường thì đâu thiếu những tấm gương hy sinh như vậy. Ngẫm ra sao mà đàn bà lại “được” gánh nhiều “trách nhiệm” đến thế?! Cả tin (dại khờ) trong tình yêu như Mỵ Châu thì phải chịu tội làm mất nước (à, ông “thủ trưởng” An Dương Vương có ngay một cấp phó để mà quy trách nhiệm. Tiện ghê!). Thời phong kiến cô Kiều phải hy sinh tình yêu để bán mình chuộc cha (mà nhà cô Kiều thuộc diện khá giả, gia giáo đấy nhé! Trải qua 15 năm đoạn trường nhưng dường như cô Kiều chẳng được gia đình nhớ đến!). Thời thực dân chị Dậu phải bán cái Tý (là con gái nhé!) lo tiền sưu thuế cho chồng, phải đi ở vú vắt cả từng giọt sữa để trả nợ cho chồng, rồi chỉ thấy tiền đồ của chị “tối đen như mực”… Vậy đấy!
Và ngày nay… Tại sao những người phụ nữ Việt Nam vẫn còn phải hy sinh nhọc nhằn như thế! Cái nghèo, cái dốt chính là thủ phạm!
Nghèo đói, dốt nát nên nếu không “bán thân” cho “chồng ngoại” thì cũng chịu phận hèn mọn khi làm Ô sin ở nước ngoài, cũng phải bán sức cho các công ty nhà máy trong khu công nghiệp, khu chế xuất… Thực chất có khác gì nhau?!
(đã in trong tập Quay qua quay lại, 2010).
Theo FB Hậu Khảo Cổ

No comments:

Post a Comment