Monday, July 7, 2014

Biển Đông: Ðề tài hàng đầu trong cuộc đàm phán Mỹ-Trung

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry.
VOA-Scott Stearns-07.07.2014
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel sẽ lên đường đi Bắc Kinh trong tuần này để tham gia các buổi họp với các vị tương nhiệm Trung Quốc về vấn đề thương mại và an ninh. Như lời tường thuật của Thông tín viên Scott Stearns của VOA từ Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bao gồm các giàn khoan dầu mới của Trung Quốc trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở ngoài khơi Việt Nam, một vấn đề đã làm tăng căng thẳng tại Biển Đông.
Việt Nam nói các giàn khoan của Trung Quốc nằm trong phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, và công bố một băng video chiếu cảnh một chiếc tàu của Trung Quốc đang đâm vào một tàu kiểm ngư Việt Nam gần địa điểm này.
Việt Nam đang làm việc với Philippines về việc đưa Trung Quốc ra tòa để thách thức những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, nơi mà Malaysia, Brunei, và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền. Nhưng Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị thiệt hại nhất, theo Giáo sư Hillary Mann Leverett của Đại học American University. Bà nhận định:
“Cả Nhật Bản lẫn Philippines đều có hiệp định quốc phòng với Hoa Kỳ, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các nước này, ngay cả trong cuộc tranh chấp về một hòn đảo hiểm trở. Chúng ta không có hiệp định với Việt Nam. Thế cho nên Trung Quốc có thể lấn ép Việt Nam nhiều hơn so với Nhật Bản hay Philippines.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng những nước đang đẩy mạnh việc đưa cuộc tranh chấp Biển Đông ra trước tòa án trọng tài quốc tế, vi phạm những lối hành sử thông thường về mặt pháp lý.
Ông Tần Cương nói: “Một số quốc gia đang trương lên những bảng hiệu luật pháp để vi phạm các quyền hợp pháp và các lợi ích của những nước khác, khoác ra ngoài một cái áo “hợp pháp” để che đậy các hành động vi phạm luật pháp của họ.”
Tuy Hoa Kỳ đang giúp nâng cấp hải quân Philippine, Washington không có lập trường về bất kỳ vụ tranh chấp đối kháng nào ở vùng Biển Đông. Sau đây là nhận định của ông Michael Auslin, thuộc Viện Kinh doanh Mỹ:
“Nhưng điều đó không có nghĩa là chính sách của chúng ta phải đình chỉ hay tê liệt khi nhìn thấy Trung Quốc hành động một cách hung hăng. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm được. Nhưng chính quyền của ông Obama, ít nhất trong nhiệm kỳ này, đã quyết định sẽ sử dụng sự mơ hồ về pháp lý để không can dự vào.”
Và sự kiện đó, theo ông, đã làm giảm giá trị của cuộc Đối thoại Kinh tế và Sách lược S&ED trong tuần này.
"Nói một cách nghiêm túc, chúng ta phải đặt câu hỏi S&D có còn tác dụng gì nữa hay không? Nó đã không đạt được điều gì có thực chất.”
Các cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng ở Bắc Kinh diễn ra tiếp theo việc hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tham gia các cuộc thao diễn hải quân ngoài khơi Hawaii. Các giới chức Hoa Kỳ cho rằng điều đó có thể góp phần giải quyết các khó khăn đa phương. Các giới chức Trung Quốc nói nó chứng tỏ điều họ gọi là “các thái độ tích cực của quân lực Trung Quốc trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực.

No comments:

Post a Comment