Monday, July 7, 2014

Dù căng thẳng Biển Đông, Việt Nam tiếp tục xuất siêu

NGUYỄN NHUNG-17:06 07/07/2014
BizLIVE - Bộ Công thương Việt Nam cho biết, cho dù căng thẳng trên biển Đông, Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong hai tháng 5 và tháng 6 vừa qua.

Dù căng thẳng Biển Đông, Việt Nam tiếp tục xuất siêu
Hình minh họa
Thông tin Bộ Công thương đưa ra tại cuộc họp báo chiều 7/7/2014 cho biết: Việt Nam vẫn duy trì hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc. 
Trong đó, chủ yếu nhập khẩu các nguyên phụ liệu sản xuất. Riêng hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản như: cao su, gạo, rau quả… giảm nhẹ.  
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 70,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2013, trong khi mục tiêu đặt ra tăng trưởng 10%. 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải  cho rằng, đây là một kết quả ghi nhận nhiều nỗ lực từ các đơn vị. Vì 2 tháng 5 và 6 mặc dù tình hình căng thẳng trên Biển Đông nhưng xuất khẩu vẫn đạt được tăng trưởng tốt. 
Trong cơ cấu xuất khẩu, sự đóng góp doanh nghiệp FDI chiếm tỉ trọng lớn hơn doanh nghiệp trong nước. Xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 5 và 6 giảm nhẹ, chủ yếu giảm ở mặt hàng nông sản như rau quả, gạo, cao su.
Xuất khẩu tăng trưởng khá ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, 6 tháng đầu năm, cả nước có 13 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt 69,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2013. 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thắng Hải, việc Việt Nam nhập khẩu chủ nguyên phụ liệu đã cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất. Nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng trưởng, tháng 5 tăng 30,1% và tháng 6 tăng 11,4%.
Với những tiềm lực sẵn có, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại các thị trường nên tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu đều ở mức cao.
Bộ Công thương khuyến cáo các Hiệp hội Dệt may, Da giày, Điện tử chủ động tìm kiếm thị trường tiềm năng, tránh phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Trong đó, ngành dệt may cần đặc biệt chú ý vì phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Cũng theo Bộ Công thương, Việt Nam vẫn chưa làm tốt công tác tìm kiếm thị trường mới, thay thế việc nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. 
Tiếp đó cần đẩy mạnh việc tìm kiếm giải pháp để mặt hàng nông sản không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị tốt việc ký kết các hiệp định thương mại, các điều khoản trong các các hiệp định thương mại với Hoa Kì, EU, Nhật Bản tránh các  kiện cáo về chống bán phá giá. 
Việt Nam cần tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại với các thị trường mới như Đông Âu; cùng với đó là tăng cường sản xuất trong nước để thay thế nguồn hàng nhập khẩu.

No comments:

Post a Comment