Monday, July 7, 2014

“Hốt bạc” nhờ… tắc đường!



Thứ hai, 2014-07-07 13:03:07 - Nguồn: GiaDinh.net.vn
Đó là nghịch cảnh đang diễn ra trên 2 tuyến đường huyết mạch Bắc Nam là QL 1A và đường Hồ Chí Minh. Khi tuyến QL1A đang thi công mở rộng, cảnh ách tắc diễn ra như cơm bữa, xe tải, xe khách ùn ùn đổ về đường Hồ Chí Minh thì các chủ hàng trên tuyến này lại vào mùa “hốt bạc”.
“Hốt bạc” nhờ… tắc đường! 1
Cảnh ùn tắc trên QL1A diễn ra như cơm bữa kể từ thời điểm tuyến này thi công mở rộng. Ảnh: M.A
 
Ác mộng đường tắc

Tuyến QL1A đang trong cao điểm thi công trên toàn tuyến. Tại khu vực Bắc miền Trung đi qua các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… mặt bằng đã được bàn giao, các đơn vị thi công đang vào nước rút ngăn đường, đổ đất. QL1A đang biến thành một đại công trường trải dài hàng trăm cây số. Đường hẹp, máy móc thi công nhiều đã khiến cho tuyến quốc lộ huyết mạch này rơi vào cảnh ùn tắc thường xuyên tại các điểm thi công. Dọc tuyến từ Quảng Bình ra tới Ninh Bình không khó để điểm danh các cung đường “rùa bò”. Đoạn tuyến đi qua địa phận huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vắt qua Đèo Ngang sang địa phận tỉnh Quảng Bình, phương tiện chỉ có thể “bò” với vận tốc 20-30km/h. Tại khu vực Bắc Miền Trung, đoạn từ TP Vinh (Nghệ An) - huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) được cánh lái xe khách, xe tải mệnh danh là “cung đường ác mộng”. Tại đây, cảnh xe cộ bị chôn chân 3-4 giờ đồng hồ do tắc đường diễn ra như cơm bữa.

Anh Thành, lái xe tuyến Hà Nội - Nghệ An cho biết, có nhiều hôm phải mất 12 giờ đồng hồ để di chuyển từ Hà Nội về Nghệ An, trong khi đó, ngày thường xe chỉ chạy tối đa là 7 tiếng. Chị Nguyễn Thị Liên, hành khách thường xuyên đi tuyến Hà Nội - Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, cách đây ít lâu, nhà chị có việc gấp nên chị phải bắt chuyến xe đêm về quê. Bình thường xe 22h xuất phát ở BX Nước Ngầm thì muộn nhất là 5h sáng hôm sau chị đã có mặt ở nhà. Vậy nhưng, chuyến xe gần đây nhất, phải đến gần 9h sáng chị mới có mặt ở quê.

Ngoài đoạn đường “ác mộng” nêu trên, tuyến QL1A qua tỉnh Thanh Hóa còn có nhiều “điểm đen” ùn tắc gồm đoạn qua cầu vượt Hàm Rồng, cầu Tào Xuyên. Tại các đoạn này, không khó để bắt gặp cảnh đoàn xe nhích từng mét một giống như cảnh tắc đường ở nội đô Hà Nội. Qua 2 “điểm đen” này thì tới đoạn thi công cầu vượt đường sắt phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình). Đây là cung đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Ninh Bình, đơn vị thi công đang bước vào giai đoạn cuối hoàn thành cầu vượt đường sắt. Phương tiện di chuyển theo hướng Bắc - Nam khi đi qua “nút” này buộc phải rẽ phải đi vòng qua nhà máy xi măng Vicem Tam Điệp sau đó rẽ ra QL1A. Đây từng là trọng điểm ùn tắc khi mở rộng QL1A, người xe luôn gặp cảnh khốn khổ khi di chuyển qua nút giao thông này.
 
Bán hàng không xuể
 
“Hốt bạc” nhờ… tắc đường! 2
Chủ hàng tại trạm dừng nghỉ huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) xoay không kịp với khách hỏi mua hàng đặc sản.  Ảnh: M.A

Trong khi các chủ quán ăn, tạp hóa, xăng dầu và các dịch vụ bám QL1A lâm cảnh thất thu, thì tuyến đường Hồ Chí Minh “heo hút” tận miền Tây lại đông xe cộ, nhiều chủ hàng tại đây đếm tiền… không xuể. Nguồn gốc của “sự lạ” này chính là việc xe cộ đổ dồn từ QL1A lên tuyến này để “né” những cung đường thường xuyên ùn tắc. Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, tuyến đường Hồ Chí Minh vốn thưa thớt người qua xe lại, nay lưu lượng, mật độ phương tiện đã tăng cao đột biến. Xe khách, xe tải từ các tỉnh phía Nam ra Bắc đã chọn con đường này để lưu thông. “Nếu như trước đây chỉ có mỗi xe khách Văn Minh khai thác tuyến này thì nay phần lớn các nhà xe Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế… chạy tuyến Hà Nội đều kéo nhau lên đường Hồ Chí Minh” - anh Nguyễn Đức Minh trú tại thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết.

Khi xe cộ tập trung đông thì các hàng quán nơi đây vốn lèo tèo, nay lại tấp nập bất thường. Các quán ăn có tiếng tại các thị trấn miền Tây Nghệ An, Hà Tĩnh, các trạm dừng nghỉ vốn chỉ dành cho xe tải nay xe khách chạy tuyến cố định, xe du lịch hợp đồng đỗ kín vỉa hè, khách khứa ra vào tấp nập. Chị Thủy, chủ nhà hàng Thủy Triều, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết, thời gian gần đây rất nhiều đoàn khách du lịch chọn quán ăn nhà chị để làm điểm dừng chân cho khách nghỉ ngơi, ăn trưa tối. Tại thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhà hàng Hải Huyền luôn tất bật bởi các đoàn khách du lịch cả trăm người. Số nhà hàng này có lợi thế gần đường Hồ Chí Minh, trước đây chỉ phục vụ khách địa phương, nay  xe cộ đổ về tuyến này khai thác thì cũng là lúc chủ hàng hưởng “lộc giời”. “Sáng vừa chạy hơn trăm mâm đám cưới, đầu giờ trưa vội về làm cơm cho đoàn khách từ Thái Nguyên đi qua, nay tới đầu giờ chiều lại tất bật sắp mâm cho đoàn khách du lịch gần trăm người từ Hà Nội về” - chị Huyền nói.

Vớ bở nhất trong số các nhà hàng trên tuyến đường Hồ Chí Minh phải kể đến hàng quán tại trạm dừng nghỉ huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Đây là điểm trung chuyển giữa Hà Nội với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Lượng lớn xe khách, xe du lịch thường chọn đây là điểm dừng nghỉ giữa chặng. Tại đây, từng dòng xe ùn ùn đổ về khiến toàn bộ hàng quán đều đầy ắp khách. Các đặc sản địa phương như nem chua, bánh gai, mít… luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Theo người dân địa phương, mỗi ngày có đến hàng trăm xe khách, xe du lịch dừng chân, mỗi xe mua hàng ngàn cái nem chua, hàng trăm bánh gai nên các chủ hàng thi nhau “hốt bạc”.
 
Từ đầu năm 2012, Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ Việt Nam có văn bản yêu cầu buộc xe khách chạy tuyến Bắc - Nam có cự ly trên 300km phải chạy theo đường Hồ Chí Minh. Sau đó, các doanh nghiệp vận tải đã đồng loạt kêu khó. Tại Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đã triệu tập cuộc họp với đại diện lãnh đạo các Sở GTVT Nghệ An, Hà Tĩnh… các doanh nghiệp vận tải và đại diện Tổng Cục đường bộ để thực thi chỉ đạo của Bộ GTVT. Tuy nhiên, chỉ đạo này sau đó đã bị “phá sản”, xe khách vẫn tập trung chạy trên QL1A cho đến khi tuyến này thi công mở rộng và thường xuyên ùn tắc.
 
Minh Anh - Nguyễn Thảo

No comments:

Post a Comment