Monday, July 7, 2014

Sự mặn nồng Nhật - Australia đe dọa ai?

(Baodatviet) - Chuyến công du 3 nước khu vực châu Đại Dương với trọng tâm là chuyến thăm Australia của Thủ tướng Nhật được xem là để răn đe Trung Quốc.
Nhật - Australia bắt tay mở rộng quan hệ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 6/7 đã lên đường công du 3 nước khu vực châu Đại Dương với trọng tâm là chuyến thăm Australia từ ngày 7-10/7.
Tại Canberra, Thủ tướng Nhật Bản và người đồng cấp nước chủ nhà sẽ thông qua một số quyết định nhằm củng cố hơn nữa quan hệ quốc phòng song phương, trong đó có việc Australia tìm mua vũ khí của Nhật.
Tầm quan trọng trong chuyến công du Australia của ông Shinzo Abe được phản ánh qua sự kiện ông là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên tiến hành một chuyến thăm chính thức tới Australia kể từ năm 2002.
Chuyến thăm lại diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Abe tuyên bố quân đội Nhật Bản phải có quyền tham chiến để bảo vệ đồng minh, một động thái đã được Canberra hoan nghênh nhưng bị Bắc Kinh lên án là mang nặng ý nghĩa bành trướng.
Thủ tướng Australia Tony Abbott tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Australia Tony Abbott tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Ông Abe cũng sẽ tham dự một cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia và sẽ là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đọc diễn văn tại Quốc hội Australia, một hành động mang ý nghĩa biểu tượng rất cao.
Trước đó, theo tờ báo Yomiuri Shimbun số ra ngày 5/07/2014 cho biết là Nhật Bản và Australia đang dự trù ký kết một hiệp định về việc hợp tác đối phó thiên tai và tập trận chung giữa quân đội hai nước.
Bên cạnh đó, trước những tham vọng trên biển của Trung Quốc, Nhật Bản và Australia đã quyết định tăng cường hợp tác quân sự để đối phó với nước này.
Trong cuộc đối thoại quốc phòng song phương ngày 11/6 giữa Nhật và Úc, hai bên đã ký một thỏa thuận trao đổi thiết bị quân sự và  một lần nữa lên án thái độ gây hấn nhằm “thay đổi nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Hai bên đặc biệt quan tâm đến khả năng chuyển giao công nghệ Nhật về tàu ngầm cho Canberra, vào thời điểm Australia định thay thế toàn bộ hạm đội tàu ngầm, với tổng ngân sách ước tích 37 tỷ USD trong những năm tới.
Trước đó, trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 4 năm nay, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời dự cuộc họp Hội đồng An ninh Nhật Bản (thành lập vào tháng 12/2013).
Tại đây, ông Abbott cho biết Australia “cam kết tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản, thúc đẩy phát triển chiều sâu sự hợp tác quốc phòng, an ninh”.
Hiệp định hợp tác nghiên cứu chế tạo vũ khí giữa hai nước đã trở thành hiện thực, nhờ việc chính phủ Nhật Bản điều chỉnh quy chế cấm xuất khẩu vũ khí từng tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Đối trọng của Nhật - Australia là Trung Quốc
Việc Nhật và Australia tăng cường quan hệ quốc phòng được nhận định có nguyên nhân là Trung Quốc.
Một chuyên gia kinh tế Mỹ đã dự đoán, mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Australia trong tương lai chính là sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế đáng sợ của Trung Quốc và khả năng một nước Mỹ suy yếu rút khỏi khu vực.
Trong một báo cáo mang tựa đề “Giấc mơ mới của Trung Quốc” do Viện chính sách chiến thuật Australia (ASPI) công bố hồi tuần rồi, ông David H Hale, một chuyên gia phân tích kinh tế toàn cầu người Mỹ từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá, đã đưa ra nhận định trên, theo trang tin News.com.au (Australia).
Chuyên gia này cũng nhận định rằng, sự kết hợp nói trên sẽ khiến Australia trở nên dễ tổn thương "trước sự tấn công đến từ bên ngoài", hơn bất kỳ lúc nào kể từ năm 1942.
Mặc dù không so sánh Trung Quốc như một hiểm họa tấn công, nhưng báo cáo của ông Hale vẽ ra một viễn cảnh đáng lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Bắc Kinh và việc nước này sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để đạt được mục tiêu.
“Sự trỗi dậy thành một thế lực lớn của Trung Quốc sẽ trở thành thách thức lớn nhất về chính sách ngoại giao của Australia trong suốt thế kỷ thứ 21”, theo đánh giá của ông Hale.
“Canberra sẽ phải thận trọng cân bằng giữa quan hệ kinh tế ngày càng lớn mạnh với Trung Quốc với mối quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ”, chuyên gia Mỹ nhận định trong báo cáo.
Bên cạnh những tranh chấp vấn đề biển đảo, quan hệ Nhật - Trung lại vướng vào những căng thẳng mới xung quanh vấn đề lịch sử.
Theo Kyodo, Trung Quốc hôm 10/6 cho biết đã kiến nghị UNESCO đưa các tài liệu liên quan đến những hành động của quân đội Nhật Bản trước và trong Thế chiến 2 vào "Sổ lưu giữ ký ức thế giới" của UNESCO.
Hãng tin Yonhap dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đệ trình các tài liệu này để đưa vào "Sổ lưu giữ ký ức thế giới" của UNESCO nhằm "ngăn chặn tái diễn các tội ác chống loài người".
Phản ứng trước động thái này, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố, Nhật Bản sẽ "trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút đơn, nếu chúng tôi phát hiện có ý đồ chính trị sau vụ này".
Mối quan hệ giữa hai quốc gia hàng đầu ở châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản vốn dĩ đã trở nên căng thẳng, xuất phát từ tranh chấp liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trước đó, Australia đã lên tiếng ủng hộ động thái quảng bá hình ảnh Nhật Bản như một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực của Thủ tướng Shinzo Abe tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Theo nội dung bản phát biểu, ông Johnston sẽ tuyên bố Australia  “hoan nghênh nỗ lực tái thẩm định các chính sách về an ninh và quốc phòng của Nhật vì điều này có thể giúp tạo ra một sự đóng góp lớn hơn cho hòa bình và an ninh khu vực”.
Thùy Ly (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment