Sunday, May 4, 2014

Ngày quốc tế lao động và những lao động nữ

Nhóm phóng viên tường trình từ VN-2014-05-04
071_809-3689-600.jpg Đôi mắt một lao động nữ Việt Nam-AFP photo
Nói đến lao động nữ, có lẽ khái niệm này quá rộng, bài tường trình chỉ xin giới hạn trong chừng mực những nữ lao động chân tay và có công việc tương đối khác thường như chạy xe ôm, phụ hồ, khuân vác hoặc lái taxi. Bởi theo lẽ thường, những công việc này ít phù hợp với nữ giới vì những đòi hỏi khắt khe về sức khỏe, sức chịu đựng và áp lực công việc. Thế nhưng, có những cuộc đời mà không chỉ trong ngày bình thường họ phải bươn bả kiếm cơm, ngay trong ngày Quốc Tế Lao Động hay là ngày Quốc Tế Phụ Nữ, họ cũng phải mày tắt mặt tối với công việc.

Vật vã với nghèo khó

Chị Phương, một tài xế xe ôm có thâm niên trên mười năm ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, chia sẻ: “Mở mắt ra là ở sân bay cho tới tối về luôn, không có nghỉ ngày nào luôn a! Mấy ngày lễ thì càng cày dữ hơn nữa, không có bảo hiểm gì hết. Tại hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, cũng khổ. Có khi ban ngày ế quá đó, thì chạy tới khuya luôn, chạy tới 2 – 3 giờ khuya luôn.”
Hoàn cảnh của chị Phương cũng khá đặc biệt, một người mẹ già bị tai biến đã nhiều năm, một đứa con không cha bởi vì người chồng đã không chịu nổi cảnh nghèo nên bỏ đi theo một tiếng gọi khác sung túc và dễ thở hơn. Nói về chuyện buồn này, chị Phương luôn bày tỏ sự thông cảm đối với người chồng vì chị cho rằng nếu đặt chị vào hoàn cảnh của ông chồng kia, cũng thật là khó xử.
Và chị Phương cho rằng sống là cần phải biết thông cảm, cần đặt mình vào bối cảnh người khác mới dễ sống, dễ tồn tại. Có lẽ vì biết thông cảm cho những bạc bẽo của cuộc đời mà chị Phương đã vượt qua mọi khó khăn để nuôi đứa con học đến hết trung học phổ thông, sau đó cháu thi rớt đại học và xin vào làm công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình. Mặc dù không nuôi được con học đến nơi đến chốn nhưng dẫu sao, chị Phương vẫn thấy mãn nguyện bởi vì mình đã sống và làm việc hết mình để cống hiến cho gia đình tuy nhỏ nhoi mà luôn ấm áp.
Một ngày làm việc của chị Phương thường bắt đầu vào lúc 9h sáng, sau khi dọn dẹp căn phòng chật chội của người mẹ già bệnh tật, bón cháo cho mẹ ăn, rửa mặt, làm vệ sinh cho mẹ và ăn qua loa một gói mì ăn liền cho ấm bụng, nếu là ngày cuối tuần thì tự ưu tiên cho mình có thêm một cái trứng gà trong bát mì và một ngày bon chen với cơm áo bắt đầu.
Cũng theo chị kể, lẽ ra chị có thêm người con trai phụ giúp, đỡ đần bà ngoại nhưng người con trai lại vừa mới lập gia đình, phải ra thuê phòng riêng để ở vì căn phòng quá chật chội, không đủ chỗ cho hai gia đình nhỏ. Chị Phương chỉ xót xa là cả một cuộc đời dành dụm, chắt chiu với nghề xe ôm của mình chẳng giúp được chút vốn nào cho ra hồn để con mình lập gia thất, tuổi đời đã bước sang sáu mươi mà mọi chuyện vẫn còn đang dang dở, chưa đâu vào đâu…
Một người phụ nữ khác quê Quảng Ngãi, làm nghề phụ hồ ở Sài Gòn, tên Lý, chia sẻ với chúng tôi thêm:”2 giờ sáng dậy rồi mới kịp công việc được. Dậy nấu cơm, nấu nước, bắt nồi cơm, miếng canh gì đó trưa về mới có ăn. Trưa về ăn cơm nguội vậy đó. Xong rồi thì đi làm, mình phải vô trước thợ, đổ cát, trộn hai ba lần cho đều rồi vô nước, trộn lại cho đều rồi mang ra cho thợ làm. Trộn bê tông nặng lắm, cực lắm, sắt, xi măng mình rinh hết chứ ai làm, chứ thợ hồi kêu không có, họ nhăn, chịu chi được. Ngày 1/5, ngày Quốc tế lao động à, chu choa, hồi vất vả chị không nghỉ được, vấn đề lao động của chị, phải có làm mới có ăn, đi làm miết vậy đó, nói thiệt vậy đó, cực lắm!”
Theo chị Lý, cả hai mươi năm nay, chị quên mất ngày Quốc Tế Lao Động là gì, vì ngày đó, nếu như chủ thầu cho công nhân nghỉ thì cũng tìm một công việc gì đó để làm vì cũng giống như chị Phương, làm nhiều nhưng không có bảo hiểm tai nạn lao động cũng như bảo hiểm xã hội để khi về già còn có đồng lương hưu. Chính vì thế, còn làm được ngày nào, các chị phải cày ngày đó để dành dụm từng đồng, từng cắc mà phòng khi trái gió trở trời, phòng khi làm việc bị tai nạn và phòng khi không còn làm nổi công việc mỗi ngày.
Cả chị Lý và chị Phương đều ví von nghề của mình còn kén chọn hơn cả nghề người mẫu chân dài, vì người mẫu chân dài nếu hết thời xuân sắc thì đành bó gối chịu thua thì nghề của chị cũng thế thôi, hết sức khỏe thì úp nồi, đến cái ăn cũng không có chứ đừng nói gì khác! Nghiệt ngã hơn là nghề người mẫu thì có cái để mà dưỡng già còn nghề của các chị thì còn hoạt động thì còn ăn, hết hoạt động thì lo nhín nhịn từng bữa cũng không xong.
Nói đến đây, cả hai chị cười phá lên nhưng bên trong tiếng cười lại chất chứa nỗi uất nghẹn, buồn não.

Trăn trở về tuổi già bóng xế

052_01201390-250.jpg
Hai phụ nữ đang đẩy một xe gỗ nặng ở Hội An. AFP photo
Một người làm nghề giúp việc và dọn dẹp các căn phòng ở nhà trọ, năm nay đã 60 tuổi, tên Nguyệt, chia sẻ với chúng tôi rằng bà rất lo lắng về tuổi già bóng xế, vì hiện tại, sau mấy mươi năm làm thuê, cái bà dành dụm được chỉ còn vỏn vẹn sáu chỉ vàng vì phải lo nuôi con, đến khi con lớn thì bà phải lo xin việc cho chúng và khi các con đã nên vợ nên chồng thì người chồng nát rượu của bà cũng vừa qua đời. Mọi khoản ma chay cho chồng cũng ngốn của bà không ít tiền. Bà rất lo về tương lai tuổi già khi các con bà vẫn luôn khó khăn.
Bà ao ước có được một cái giấy bảo hiểm xã hội nhưng với bà, bây giờ mọi sự quá muộn màng. Nhưng trước đây, giả sử có dịch vụ bảo hiểm xã hội, bà được mua chăng nữa thì bà cũng không lấy đâu ra tiền để mà mua. Vả lại, bà làm thuê cho nhiều chủ, làm theo ca, hết lau nhà, rửa chén, giặt đồ nhà này lại chạy sang nhà khác để chùi phòng rồi lại chạy sang nhà trọ để dọn dẹp, giặt giũ. Một ngày làm việc của bà kéo dài từ 5h sáng cho đến 6h chiều nhưng thu nhập lại chưa bao giờ vượt quá 150 ngàn đồng. Trong khi đó, số tiền ít ỏi này gánh không biết bao nhiêu thứ chi phí trong đó.
Cùng làm nghề lau chùi, dọn dẹp như bà Nguyệt, cô Hải, 28 tuổi, từ Hải Dương vào Sài Gòn để làm thuê đã hơn mười năm nay, chia sẻ với chúng tôi rằng đôi lúc cô cũng thấy bế tắc vì công việc chẳng mấy vui vẻ và thơm tho này. Nhưng cô cũng chẳng còn lựa chọn nào khác nơi đất khách quê người một khi không có nghề nghiệp, không có bằng cấp vì nhà quá nghèo, học hành không tới nơi tới chốn. Cô chỉ biết tự an ủi mình rằng cô cũng không đến nỗi xấu gái, nếu như cô chọn một công việc dễ dãi khác thì rất có thể cô có nhiều tiền lắm lắm so với công việc hiện tại. Nhưng cô đã chọn nghề lao động khó khăn này và cô tự hào về lựa chọn của mình.
Ngày Quốc Tế Lao Động này, Hải cũng không được nghỉ và đây là ngày mà các phòng nhà trọ chật cứng, đòi hỏi người bồi phòng phải làm việc cật lực. Cô chỉ hy vọng chủ nhà trọ bồi dưỡng thêm ít đồng để tối về mua nửa con vịt quay đãi các bạn cùng phòng.
Vẫn còn rất nhiều người phải buồn trong ngày Quốc Tế Lao động ở Việt Nam!

No comments:

Post a Comment