Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ CNOOC 981 xuống Biển Đông cùng với những động thái trưng bày sức mạnh hải quân là hành động liên tiếp trong chiến lược xâm chiếm và bành trướng xuống Biển Đông nhằm khai thác dầu khí ở Biển Đông bất chấp UNCLOS 1982, luật pháp quốc tế và Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông 2002. sự kiện nóng
Trung Quốc cho tàu Hải Tuần 31 rời bến ngày 15/6 qua vùng Biển Ðông và ghé Hoàng Sa, Trường Sa đến Singapore. Truyền thông nước này cho biết đây là tàu hải tuần lớn nhất của họ ra Hoàng Sa và Trường Sa giữa lúc căng thẳng gia tăng tại vùng biển tranh chấp này. Ngoài ra Trung Quốc đang hoàn thành và sắp đưa giàn khoan kích thước lớn ra Biển Đông gây xôn xao dư luận trên thế giới. Sự kiện này nằm trong chiến lược ngoại giao pháo hạm, xâm lấn bằng tàu dân sự để bành trướng xuống Biển Đông, phục vụ việc sở hữu năng lượng của Trung Quốc. Bài viết này trình bày một số điểm liên quan đến giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc và những ảnh hưởng đến an ninh khu vực Biển Đông.
1. Giới thiệu
Với những tiến bộ về khoa học công nghệ hải dương và đóng tàu, Trung Quốc đang có những thành công trong lĩnh vực chế tạo và sản xuất hàng loạt tàu chiến hạng siêu nặng, giàn khoan dầu khí khổng lồ nhằm khai thác tài nguyên biển phục vụ phát triển quân sự và kinh tế của mình. Sẽ có ít bàn cãi, nếu các hoạt động của các kết cấu này diễn ra trong vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia sở hữu, nhưng ngược lại, nếu các thiết bị này được dùng như lá bài thăm dò và khai thác dầu khí mà thực chất đó lại là những cấu kiện nhằm tìm chiếm tài nguyên tại các vùng biển thuộc chủ quyền nước khác, việc này không khác gì hành động xâm lược. Những thách thức của các kết cấu này thật hiển nhiên, do đó việc chuẩn bị các giải pháp xử lý theo chủ quyền Việt Nam, theo đúng luật quốc tế là cần thiết. Theo UNCLOS và các bộ luật khác, hiện chưa có quy chế nào về việc lấn biển hay hình thành đảo nhân tạo cũng như chưa có quy chế vùng ngoại vi cho các thực thể này ngoài khơi hay gần bờ.[1]
Vậy thì thực thể này (giàn khoan dầu khí khổng lồ) có ý nghĩa gì? Được hưởng những quy chế nào? Và Trung Quốc sẽ tiến hành đặt giàn khoan khổng lồ này ở đâu và sẽ gây ảnh hưởng tới các nước vành đai Biển Đông như thế nào?
Do Trung Quốc có nhiều chiêu bài, nhiều cách thức và biện pháp để phục vụ mục đích cuối cùng của họ là độc chiếm Biển Đông, những ai quan tâm đến tình hình an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông và trên thế giới chắc chắn sẽ có những quan ngại nhất định.
Chú thích cho bản đồ trong Hình 1:
Đường mầu xanh nước biển là đường phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý cách đường cơ sở của các quốc gia chung Biển Đông. Theo cách phân chia giả định này dựa trên giả thiết các đảo trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi Scarborough không được hưởng quy chế 100% hiệu lực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà chỉ được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý.
Khu vực khép kín bởi đường mầu xanh nước biển nằm giữa đường phân định đặc quyền kinh tế là khu vực chung, được coi là vùng thềm lục địa chung của các quốc gia chung Biển Đông cần có thỏa thuận phù hợp trong việc khai thác tài nguyên và đánh bắt cá.
Các chấm tròn màu xanh lá cây thể hiện lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo được cho là có tranh chấp thuộc các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi Scarborough. Đường mầu xanh lá cây là đường trung tuyến cách đều bờ từ Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đường mầu đỏ đứt đoạn là đường chữ U (lưỡi bò) của Trung Quốc.
Chúng ta thử đưa ra các giả định để tìm kiếm câu trả lời cho vấn nạn này.
Trung Quốc sẽ mang giàn khoan khổng lồ CNOOC 981 tới vị trí nào trên Biển Đông? Từ bản đồ trong Hình 1, chúng ta có thể thấy có một trong những kịch bản sau:
Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng Đặc quyền kinh tế của
Trung Quốc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng khu vực chung
Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng EEZ của Việt Nam
Trung Quốc đưa giàn khoan vào một ví trị nằm vùng giới hạn bởi đường xanh lá cây Kịch bản khác…
2. Sự kiện
Sự cố tình chủ ý vi phạm chủ quyền Trường Sa củaViệt Nam của Trung Quốc từ năm 1984
Chủ nghĩa đế quốc và ngành hải dương học thường đi cùng nhau, đó là kinh nghiêm đúc kết từ các siêu cường biển trong lịch sử như Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan, Mỹ, Nga. Trung Quốc cũng đang đặt mục tiêu trở thành siêu cường biển mới trên thế giới nên họ đã đang dùng nhiều thủ đoạn nghiên cứu đáy biển, mặt biển thuộc chủ quyền của các quốc gia láng giềng tại Biển Đông, nhằmphục vụ các tham vọng kinh tế và chính trị của mình.
Theo những tài liệu mà chúng tôi tham khảo, từ năm 1984 đến năm 1986, Viện Hải dương học Nam Hải và từ 1987-1991 Viện Khoa học quốc gia Trung Quốc gồm nhiều cơ quan, đã vi phạm chủ quyền biển Việt Nam và thực hiện nhiều nghiên cứu địa chất hải dương chi tiết tại khu vực Trường Sa và lân cận. Họ đã xuất bản tập tổng kết năm 1992, 400 trang, với nhiều kết luận về khoáng sản đáy biển Trường Sa và cho rằng những kết quả này là bước đầu trong công cuộc khai thác và mở rộng biên giới biển phía Nam cho họ[1]. Thời gian này do vừa kết thúc chiến tranh và hạn chế điều kiện, Việt Nam chỉ có thể khởi động nghiên cứu về Trường Sa từ sau năm 1990. Chúng ta cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn, chất lượng hơn và đi vào thực tiễn hơn nữa để có đủ kiến thức và phản bác những hành vi lấn chiếm của Trung Quốc trên các diễn đàn, hội nghi khoa học quốc tế.
Năm 2010, Trung Quốc tuyên bố đã dùng tàu ngầm thực hiện cắm cờ của họ dưới đáy Biển Đông ở 17 điểm, trong đó điểm có độ sâu nhất là 3759 m. Tuy vậy do họ không công khai vùng biển nào trên Biển Đông, nên đã có quan ngại lớn cho các quốc gia lân cận và cả toàn thế giới.
Đầu năm 2011 Trung Quốc đã khởi động dự án South China Sea Deep (Vùng nước sâu Biển Đông) trước tiên là nghiên cứu các hướng phát triển của đáy đại dương, kế đó là trầm tích, khí hậu, sinh học đáy đại dương. Đó là việc hấp thu cacbon của các vi sinh vật, cuộc sống dưới đáy biển, sự trao đổi dưỡng chất và phiêu sinh vật… tại nhiều vùng ở Biển Đông cũng như giữa Biển Đông và Thái Bình Dương. Đề án trên do nhà khoa học Uông Phẩm Tiên, thuộc Đại Học Đồng Tế ở Thượng Hải chủ trì. Ông này có thể đã nhờ đến sự hỗ trợ của Giao Long, con tàu lặn hiện đại nhất của Trung Quốc, có khả năng lặn sâu đến 7km dưới đáy biển. Dự án được đưa ra một phần từ nghiên cứu của chiếc Đại Dương Nhất Hiệu năm 2007 về những dải kiến tạo ở giữa đại dương do các dịch chuyển của vỏ trái đất. Đồng thời, các nhà thám hiểm trên tàu này cũng phát hiện được vị trí nhiều mỏ đồng, chì, kẽm cũng như các nguồn thủy nhiệt tại đây.
Những nỗ lực khoa học của Trung Quốc thực đáng khâm phục, song nếu những thành quả khoa học này được sử dụng cho mục đích cuối cùng là khống chế những vùng biển chung của nhân loại vì lợi ích kỷ của một tập đoàn cầm quyền thì thế giới cần có biện pháp ngăn chận.
Cuối năm 2011 Trung Quốc cho triển khai loạt 6 tàu dầu khí, trong đó có giàn khoan khổng lồ CNOOC 981. Đây là giàn khoan chủ lực của Trung Quốc nhằm khai thác tài nguyên biển sâu. Giàn khoan 981 được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” trên biển[2] ,được trang bị các thiết bị hiện đại nhất thế giới.
Trung Quốc đã thực hiện thành công khá nhiều toan tính của họ tại Biển Đông, liên tục leo thang gây căng thẳng từ tháng ba năm 2011 tại vùng biển gần Philippines đến cắt cáp thăm dò hai tàu Bình Minh 2 và Viking 2 của Việt Nam ngày 26/05/2011 và ngày 09/06/2011. Trung Quốc liên tục gây hấn, liên tục xoa dịu thế giới và đẩy khu vực Đông Nam Á vào chính sách “bên miệng hố chiến tranh”. Tại sao?
Chưa nói xa thêm về chiến lược Chuỗi Ngọc Trai[3] vốn được họ hoạch định sẽ bao trùm Ấn Độ Dương, chúng ta hãy quan sát các động thái tiếp theo. Ngoài ý đồ đánh vẹt Việt Nam đang đơn độc và Philipines cả tin ra hai bên để lấn xuống trọn vẹn hai cánh của đường chữ U. Để sau này tiến xuống thanh toán ba nước Indonesia, Brunei, Malaysia mà hiện nay vẫn đang quan sát, Trung Quốc còn có 1 chủ ý khác.
Đó là ra vẻ giảm nhẹ căng thẳng về tinh thần, tức tạm ngưng quấy phá, để thực hiện một chiến dịch chiếm đóng thực tế bằng các khối sắt thép đồ sộ, những giàn khoan[4]-dưới dạng đảo nhân tạo. Từ đó tạo thế cho những con tàu quân sự ngụy trang dân sự, hoặc cả những con tàu quân sự có nơi giao lưu dễ dàng về tiếp vận, về thông tin và cả về tinh thần của đoàn quân viễn chinh tương lai. Chúng ta hãy theo dòng sự kiện gần đây mà Trung Quốc đã gây ra với Việt Nam để gây sức ép như sau .
Ngày 28/5/2011 Trung Quốc đề nghị hợp tác khai thác 19 lô dầu khí ở ngoài khơi Biển Đông (theo phương án gác tranh chấp cùng khai thác).
Ngày 10/6/2011 Trung Quốc đã liên tiếp đe dọa Idemitsu, BP và ExxonMobil nếu các Tập đoàn này không rút các dự án khỏi Việt Nam.
Trong dòng chảy sự kiện, chúng ta thấy ngày 26/05/2011 (sự cố Bình Minh 2) và ngày 09/06/2011 (sự kiện Viking 2) chẳng qua chỉ là những mắt xích nhỏ trong toàn bộ hệ thống của Trung quốc đang thực hiện để xâm chiếm tài nguyên trong vùng biển Việt nam .
Chúng ta có thể quan sát sự ra đời và phô diễn hàng loạt sản phẩm khổng lồ trong năm 2011 của Trung Quốc:
2.1 Tàu sân bay Thi Lang[5]
Tầu sân bay Thi Lang có chiều dài 302 mét, chiều rộng 70,5 mét, vận tốc đạt 29-31 hải lý/giờ (khoảng 53 đến 57 km/h), có thể chuyên chở được 50 máy bay chiến đấu và chứa thêm nhiều máy bay trực thăng[6].
Tên chính thức cho con tàu này vẫn còn đang bàn cãi. Có thể tên tàu sẽ là “Trung Sơn” hoặc “Mao Trạch Đông” hoặc ‘Tát Chấn Băng”,đề đốc thủy sư thời Bắc Dương, đại thần thời Viên Thế Khải, ủy viên Quân ủy Trung ương sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập[7].
“Thi Lang vốn là hình mẫu của Varyag được Nga bán laị cho Trung Quốc làm sắt vụn vào giữa những năm 1990. Cũng trên cơ sở mẫu của thiết bị quân sự thanh lý này, Trung Quốc sẽ còn chế tạo 2 tàu khác vào năm 2020. Chiếc đầu, sẽ giống tàu “Varyag” (mua trực tiếp của Ukraine với giá 20 triệu đôla), còn chiếc thứ hai, như các chuyên gia quân sự Nga khẳng định, sẽ hao hao với chiếc tàu sân bay nguyên tử của Liên Xô cũ chưa kịp hoàn thành mang tên “Ulianovsk”, mà dường như Ukraine bí mật chuyển giao cho Trung Quốc.
Máy bay tiêm kích trên boong tàu sẽ là chiếc J-15 “hàng nhái” của Su-27 của Nga. Nhờ bộ hồ sơ kỹ thuật của Su-27 và nguyên mẫu của Ukraine, Trung Quốc đã tự chế tạo máy bay tiêm kích trên boong tàu sân bay của họ gọi là J-15.
Hệ thống radar trên chiếc hàng không mẫu hạm này, theo chuyên gia Nga, cũng sao chép nguyên mẫu trạm radar “Chuỗi ngọc” loại hiện đại nhất của Nga, sản phẩm của Liên hiệp sản xuất “Fazotron”. Trạm này chính là một phiên bản của Trạm “Zuk”, vừa được đề xuất cho máy bay tiêm kích Mig-35, loại máy bay mới nhất của Nga (mà không hiểu sao Trung Quốc có được). Các trang thiết bị của máy bay cũng sao chép những bản thiết kế máy bay tiêm kích của Nga.
Các trang thiết bị huấn luyện trên bờ hoàn toàn là phiên bản boong tàu sân bay, cho phép huấn luyện các phi công, mô phỏng hoạt động của tàu sân bay khi đang ở giữa biển, các thao tác hạ cánh và cất cánh của máy bay tiêm kích. Tất cả giáo án tập luyện đó các chuyên gia Trung Quốc đã được làm quen tại Ukraine (khi mua lại tàu sân bay của Ukraine).
Giới chuyên gia Nga cho rằng, bằng việc sao chép công nghệ, Trung Quốc đã tiết kiệm được 1 tỷ đô la và 20 – 25 năm trong việc chế tạo tàu sân bay Thi Lang.”[8]
2.2 Giàn khoan CNOOC 981
Giàn khoan CNOOC 981 dài 114 m, rộng 90 m, gồm năm tầng cao 136 m (tương đương tòa nhà 45 tầng). Trọng tải tịnh hơn 30.000 tấn. Diện tích boong tương đương sân vận động bóng đá đúng tiêu chuẩn. Giàn khoan có đầy đủ hệ thống phục vụ cho 160 công nhân làm việc và nghỉ ngơi. Đây là giàn khoan kiểu nửa chìm hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 m, thuộc thế hệ thứ sáu trên thế giới và là Giàn khoan cấp siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc sản xuất[9]. Hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 20 giàn khoan hoạt động ở độ sâu 3.000m.”
Giàn khoan này có giá trị cao, tiêu tốn hơn chín trăm hai mươi triệu USD và có ích lợi đối với Trung Quốc như là một pháo đài quân sự ngụy trang, một cơ sở nghiên cứu khoa học đại dương, một nhà máy khoan dầu khổng lồ… Bản thân giàn khoan này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường, phá hoại môi sinh. Và đây cũng chính là mối nguy rất lớn đối với các quốc gia láng riềng về mặt quốc phòng an ninh, về nguy cơ chiếm dụng khai thác tài nguyên khoáng sản biển sâu.
2.3 Một số tàu dầu khí phục vụ các mục đích khác
Tàu thăm dò địa chấn 12 cáp quang Dầu mỏ hải dương 720
Tàu thăm dò Dầu mỏ hải dương 708
Tàu đặt ống nước sâu Dầu mỏ hải dương 201.
Tàu công trình đa năng Dầu mỏ hải dương 681
Tàu công trình tự chạy kiểu nửa chìm Dầu mỏ hải dương 278.
Các nước ASEAN có thể sẽ mất cảnh giác vì đã qua nhiều năm tháng chịu đựng sóng gió với những cuộc cắt cáp, đe dọa, dọa trừng phạt kinh tế, xua đuổi nước thứ ba can dự. Các nước ASEAN có thể chưa biết rằng các giàn khoan khổng lồ này chính là các pháo đài ngoài khơi quan trọng trong bước lấn chiếm Biển Đông từ ngôn từ đi ra hiện thực.
Đây là chiêu thức đẩy sự việc đến căng thẳng tột cùng sau đó giảm nhẹ và thực hành chiếm cứ thật sự.
3. Các kịch bản cho các Giàn khoan, tiền đồn quân sự của Trung Quốc
Nếu giàn khoan này mang đến đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, hay Indonesia (xem Hình 1) như một thách thức chủ quyền của một trong năm nước này, Trung Quốc coi như đã phớt lờ luật pháp quốc tế bằng một hành động ngang ngược và từng nước sẽ có cách xử lý riêng của mình.
Khi giả thiết rơi vào một trong năm nước đã nêu, có nghĩa là Trung Quốc đã khẳng định sẽ sẵn sàng va chạm để xác định đường chữ U là có giá trị thực tế. Nếu giàn khoan này mang đến vùng nước đang được tranh chấp bởi Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei tại khu vực Trường Sa nhưng ngoài khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của từng nước, Trung Quốc đang dựa vào thói quen “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, thiếu đoàn kết của ASEAN, để các nước tự nhìn nhau và bản thân mình tránh va chạm.
Nếu Trung Quốc mang giàn khoan lớn này đến đóng ngoài các vùng tranh chấp và ngoài các vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của các nước thì điều đó có phải họ có thiện chí xuống thang các đòi hỏi của họ dạng đường chữ U hay không?
Trong trường hợp này, giàn khoan lớn này như một căn cứ quân sự (gỉa dạng) xa bờ tại vùng biển Ðông, Trung Quốc sẽ thách thức câu nói của Ngoại Trưởng Mỹ tại ARF một cách trực diện. Lợi ích quốc gia của Mỹ là thông thương và hải hành tại Biển Đông. Vậy đối tượng chính bị thách thức sẽ ứng xử ra sao nếu Trung Quốc lại dùng cách thức cũ y như cách ngụy trang tàu dân sự của các tàu Hải Giám, Hải Tuần, Ngư Chính? Liệu pháo đài trên biển giả dạng dân sự sẽ tác động như thế nào đến lợi ích của Mỹ, Nhật, Ấn Độ và các nước khác.
4. Việt Nam sẽ chuẩn bị gì?
Trước câu hỏi Trung Quốc sẽ mang giàn khoan khổng lồ này đi đâu, có nhiều giả thiết đặt ra. Sẽ không có tranh cãi nếu chúng nằm tại vùng EEZ Trung Quốc. Nhưng nếu chúng đi vào các vùng tiềm năng dầu khí cao như địa điểm tương tự điểm xảy ra sự cố Bình Minh 2. Việt Nam cần có một thái độ kiên quyết để xua đuổi chúng đi.
Những giàn khoan này có thể sẽ là những căn cứ quân sự với các thiết bị hiện đại ngoài các vùng biển sâu tới 3,000 m (như miền trung bộ Việt Nam). Khi ấy, tàu thuyền đánh cả Việt Nam ra vào vùng này sẽ gặp những trở ngại chờ đón thường trực, và tạo ra sức ép quân sự lên quốc phòng của Việt nam..
Việc quan trọng nhất là Việt nam tiếp tục kiên quyết trong vấn đề áp dụng UNCLOS 1982 cho Biển Đông, phản đối đường chữ U của Trung Quốc bằng việc đưa ra đường phân chia (giả định) của Việt Nam và thông báo cho thế giới biết chủ trương của Việt Nam.
Về mặt luật pháp quốc tế, các quy định trong UNCLOS 82 thì đảo nhân tạo chỉ được đặt trong vùng nội thủy và đảo nhân tạo không được dùng tính đường cơ sở. Nhưng với các cách thức lấn dần của Trung Quốc xưa nay. Việc giành trước, dọa kèm và lấn sau đã thành một chiến thuật thông thường của họ. Có lẽ chính phủ và nhân dân các nước Đông Nam Á cần hội đủ ý chí chính trị để khẳng định với Trung Quốc rằng các giàn khoan này chỉ được khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của nước sở hữu.
Những giàn khoan này chịu được sóng bão cấp 10, do vậy chúng còn là điểm cư trú cho các tàu thuyền quân sự và dân sự của Trung Quốc.
Đây có thể là cách thức của Trung Quốc đẩy sự việc đến căng thẳng tột cùng sau đó giảm nhẹ rồi thực hành chiếm cứ biển và từ đó khẳng định sự chiếm hữu thật sự Biển Đông qua hình lưỡi bò.
Những giàn khoan loại này hoàn toàn có thể phục vụ nhiều mục tiêu như khai thác, thăm dò dầu khí, băng cháy biển sâu mà các quốc gia Đông Nam Á chưa có cũng như phục vụ các mục tiêu quân sự, dân sự khác.
Ngoài ra, chúng sẽ tạo ra những vị thế mới cho Hải Quân Trung Quốc, và làm suy giảm không gian biển-lãnh thổ biển và không trung của các nước xung quanh như Việt Nam, Philippines.
Giàn khoan 981 còn đặt ra một tiền lệ mới “ai đến trước, được hưởng trước” đối với các tài nguyên không tái tạo tại Biển Đông như dầu, khí, băng cháy…. Tiền lệ này sẽ làm cho các quốc gia như Việt Nam, Philippines rất khó đối phó, nếu Trung Quốc không tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 82, DOC 2002. Đây là cơ hội để Trung Quốc độc chiếm tài nguyên đáy Biển Đông.
Nếu không có sự minh bạch về DK 981, Trung Quốc sẽ dần dần ép buộc các quốc gia Biển Đông phải tuân theo chiến lược “gác tranh chấp, cùng khai thác” theo kiểu Trung Quốc.
Đây có thể là tiền đồ cho một “Đồng thuận Biển Đông” kiểu Bắc Kinh, Pax Sino, là “làm trước, nói sau”, đưa tất cả Việt Nam, Philippines và cả các nước khác trong thế bị thiệt hại bởi đường chữ U vào thế đã rồi.
Thiết nghĩ, tiếp theo các phản ứng kiên quyết, trong tương lai cộng đồng quốc tế cũng phải có những cơ chế pháp lý cho việc sử dụng biển khơi (biển quốc tế) của những nước khác có khả năng đưa giàn khoan cố định ra biển quốc tế.
Và hành trình hàng hải qua khu vực này sẽ cần những chuẩn bị tương ứng.
Hiểu biết vấn đề để từng bước có biện pháp tháo gỡ sự lấn chiếm ngày càng sâu, càng chặt và càng quy mô hơn -vốn sẽ tạo nên những thế gọng kìm để án ngữ các yết hầu kinh tế và quân sự của Việt Nam- đó chính là một phần nhiệm vụ của mỗi con dân Việt Nam trước lịch sử.
Nếu không có sự phản kháng sớm từ cấp cao nhất của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và cả từ nhiều nước khác về việc giàn khoan 981 được triển khai khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc chữ U thì rất có thể Trung Quốc sẽ sớm triển khai hàng loạt các giàn khoan khổng lồ khác từ năm 2012 tới Biển Đông. Khi ấy sự việc sẽ vượt tầm kiểm soát của thế giới, và nguy cơ Biển Đông là “ao nhà Trung Quốc” là rõ ràng Các quốc gia khu vực làm gì trên biển Đông cũng phải cúi đầu xin phép, và quyền tự do hàng hải qua khu vực này sẽ bị hạn chế. Lúc đó ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ bị Trung Quốc khống chế về mọi mặt như một ông “Vua Đông Á”!
5. Kết luận
Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ CNOOC 981 xuống Biển Đông cùng với những động thái trưng bày sức mạnh hải quân là hành động liên tiếp trong chiến lược xâm chiếm và bành trướng xuống Biển Đông nhằm khai thác dầu khí ở Biển Đông bất chấp UNCLOS 1982, luật pháp quốc tế và Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông 2002. Trước khi biết chính xác Trung Quốc đưa dàn khoan CNOOC 981 tới vị trí nào ở Biển Đông, Việt Nam và các nước chung Biển Đông cần tiếp tục có những biện pháp cứng rắn về việc áp dụng UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế để giải quyết những tranh chấp, phân chia quyền lợi công bằng và giữ gìn hòa bình ổn định trong khu vực.
Tài liệu tham khảo
http://petroleumequipments.com/news/today-news-Deepwater-Semi-submersible-Drilling-Platform-quot-Hai-Yang-Shi-You-981-quot-Undocks-in-Shanghai-50/
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/06/110608_china_aircraft_carrier.shtml
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/O-Cua-Chau-A/Trung-Quoc-Se-Ha-Thuy-Tau-San-Bay-Shi-Lang-Vao-1-7.html
http://giaoduc.net.vn/quoc-te/43-tu-lieu/4072-trung-quc-s-keo-dan-khoan-3000m-ra-bin-ong-trc-mua-thu-2011.html
http://www.petrotimes.vn/the-gioi-phang/2011/06/gian-khoan-981-mong-banh-truong-bien-dong
[1] Quarternary Geology in the Nansa, 1992. 400 pp.
[2] http://www.petrotimes.vn/the-gioi-phang/2011/06/gian-khoan-981-mong-banh-truong-bien-dong
[3] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-04-chien-luoc-chuoi-ngoc-trai-va-viec-bao-ve-chu-quyen-vn-tren-bien-dong
[4] http://dantri.com.vn/c36/s36-490005/trung-quoc-chuan-bi-trien-khai-gian-khoan-dau-khong-lo-den-bien-dong.htm
[5] http://www.petrotimes.vn/the-gioi-phang/ky-thuat-quan-su/2011/06/trung-quoc-lap-dat-vu-khi-cho-tau-san-bay
[6] http://www.bbc.co.uk/news/world-asia-pacific-13692558
[7] http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/O-Cua-Chau-A/Trung-Quoc-Se-Ha-Thuy-Tau-San-Bay-Shi-Lang-Vao-1-7.html
[8] http://www.toquoc.gov.vn/
THEO VIETNAMNET
No comments:
Post a Comment