Sunday, May 4, 2014

NHỮNG CÂU HỎI NHỨC NHỐI




Trong những ngày cuối tháng tư năm 2014, nhà nước chi rất nhiều tiền để tuyên truyền cho kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và ngày 30 tháng 4, cố gây nên không khí từng bừng, nhưng tiếng hát không át được tiếng kêu ai oán của bà con nông dân Dương Nội, của bao nhiêu dân oan khắp nước và hàng trăm cha mẹ trẻ mất con trong dịch sởi… Xin các đảng viên của đảng hay xem video cảnh bà con Dương Nội bị hàng ngàn công an và bọn xã hội đen bao vây, truy đuổi,  dùng hung khí, đánh đập dã man trong tiếng kêu gào thảm thiết “ở Đảng ơi, Bác ơi!”; hãy xem những người dân bị giẫm đạp, dập vùi ngay trên ruộng vườn của họ, phải chắp tay vái lạy bọn xã hội đen xin tha chết; hãy nhìn hàng trăm khuôn mặt cảc các mẹ, các chị, đau đớn, tuyệt vọng ngồi bệt trên vỉa hè ngóng nhìn vào Bộ Công An, vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xin được gặp những người ruột thịt bị công an bắt đi biệt tăm; xin hãy xem di chúc của những người dân để lại cho người thân và xóm làng trước khi bị công an bắt đi… Những người có chút lương tri không thể cầm lòng trước bao nghịch cảnh diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Vậy mà Đảng vẫn im lìm, khiến không thể không bức xúc nêu lên mấy câu hỏi.
1. Tại sao với Trung cộng thì Đảng chủ trương “Biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự” mà với dân ta thì lại biến dân sự thành hình sự, biến tiểu sự thành đại sự? Chuyện các doanh nghiệp lấy đất của dân thì phải thuận mua vừa bán; có bất đồng, kiện tụng thì phải xem xét dân sự; các quan chức nhận hối lộ về hùa với doanh nghiệp để làm hại dân, bị dân tố cáo thì phải xử các quan chức đó, chứ sao lại cưỡng chế dân, để dân nổi giận phản đối rồi bắt dân tra tấn, ghép vào tội chống nhà nước? Từ tiên Lãng, Văn  Giang, Vụ Bản đến Dương Nội và khắp mọi miền đất nước, bao nhiêu năm rồi, biết bao người dân lành bị đánh đập, bắt bớ, tù đầy chỉ vì chuyện đòi đền bù đất đai cho công bằng. Tại sao với gã hàng xóm đểu cáng thì luôn nhịn nhục, nhượng bộ; còn đối với anh em, con cháu trong nhà thì luôn hống hách đàn áp bằng bạo lực, để dân phải thốt lên: “Chính quyền hèn với giặc, ác với dân”?
2. Đảng chọn dân hay chọn bọn xã hội đen? Có thể nói hầu hết những vụ cưỡng chế chiếm đất của nông dân là có tính chất xã hội đen. Đó là sự câu kết giữa những doanh nhân có tiền, có thế lực với các quan chức thối nát nhưng nắm quyền hành  (“bầy sâu”, “bộ phận không nhỏ”), tạo thành nhóm lợi ích - một thế lực kiểu xã hội đen rất ghê gớm; họ dùng mọi mưu kế thâm hiểm không được thì ra tay cưỡng chế, đàn áp dân để đạt mục đích bằng được; mục đích ấy là những lợi ích họ đã mua bán, đổi chác, thỏa thuận với nhau, nếu không đạt được, hết nhiệm kỳ là hỏng ăn… Vì những món lợi quá lớn mà đám xã hội đen này mới bày ra trăm mưu nghìn kế và quyết liệt, tàn bạo đến như vậy với dân. Nhìn lại những vụ tranh chấp, xung đột giữa những người dân lành và bọn xã hội đen, người dân luôn luôn thua thiệt, dẫu họ có gào thét “Ới Đảng ơi, ới Bác ơi!”, có mòn mỏi đi kiện tụng hết năm này qua năm khác… Người dân biết rõ hết, chỉ mặt từng tên trùm xã hội đen trong từng vụ cưỡng chế nhưng không làm gì được. Đảng có nhìn thấy, nghe thấy, có biết không? Biết! Nhưng đảng cấp dưới thì không dám làm gì; đảng cấp trên thì biết là “bộ phận không nhỏ”, “bầy sâu lúc nhúc”, “sâu chúa” ở đâu… nhưng giằng co, giữ miếng nhau … sợ rút dây động rừng, sợ “hết người làm việc”! Dân bức xúc lắm rồi, phẫn uất lắm rồi, muốn hỏi: Đảng chọn bọn xã hội đen hay chọn dân?
3. Đảng chọn con đường độc tài hay chọn xã hội dân sự? Nếu Đảng tiếp tục để các cấp chính quyền biến chuyện dân sự thành hình sự, khiến bao dân oan bị bắt bớ, tra tấn, tù đầy; nếu Đảng chọn bọn xã hội đen thay vì chọn dân; nếu Đảng coi những người phê phán đường lối chính sách, vạch ra các lỗi lầm của các quan chức và đưa ra những góp ý cần thay đổi … là thế lực thù địch, thì Đảng đang chọn con đường đi đến độc tài!  Con đường báo trước sự đổ vỡ của Đảng và thảm họa với dân, với nước.
Ông Trương Đình Tuyển, một con người có tâm, có trí, từng trải qua bao nhiêu trọng trách trong đảng, chính phủ đã dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật: “Tôi nghĩ đã đến lúc phải thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự”.” (ngày 29/4 tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân năm 2014, TP Hạ Long). Ông Tuyển chỉ là người lắng nghe, thấu hiểu lòng dân và dám nói thẳng lên sự thật đang nung nấu trong xã hội. Xã hội dân sự cũng như thị trường, là thành tựu tiến bộ của nhân loại. Các lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta hội đàm với lãnh đạo các quốc gia đều khẩn khoản xin “công nhận Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường”, nhưng tại sao lại chối bỏ xã hội dân sự!? Như ông Tuyển đã phân tích: Nhà nước – Thị trường – Xã hội dân sự như kiềng ba chân của xã hội, của nền kinh tế. Chẳng nhẽ Đảng chỉ muốn Việt nam như kiềng một chân rưỡi? Vì thị trường định hướng XHCN tức là mới thị trường một nửa, nên nhiều nước chưa công nhận. Xã hội dân sự, thị trường và nhà nước đều có những mặt tích cực và tiêu cực của nó, nhưng chính nhờ cả ba cùng tồn tại mà nó thúc đẩy lẫn nhau, kiểm soát lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau hạn chế bớt tiêu cực, thúc đẩy mặt tích cực, làm cho xã hội minh bạch hơn, công bằng hơn, văn minh hơn do đó quyền con người, chế độ dân chủ mới có điều kiện được thực thi.
Chắc chắn mỗi đảng viên của Đảng đều thực lòng mong muốn phấn đấu theo mục đích của Đảng là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thế thì phải hưởng ứng đề xuất của đảng viên Trương Đình Tuyển: Chọn thể chế xã hội dân sự, nói “không” với thể chế độc tài! Đó là bước đầu để xã hội ta đứng vững trên “kiềng ba chân” rồi hy vọng có những bước phát triển tốt đẹp hơn.
G.S Mạc Văn Trang
Ngày 02/5/2014
M.V.T
http://xuandienhannom.blogspot.ca/2014/05/gs-mac-van-trang-nhung-cau-hoi-nhuc-nhoi.html

No comments:

Post a Comment