SÀI GÒN 4-5 (NV) - Dịp 30 tháng 4 và 1 tháng 5 (Ngày Lao động Quốc tế) vừa qua khiến các doanh nghiệp Việt Nam thêm tuyệt vọng vì mãi lực quá kém. Tất cả những nỗ lực khuyến mãi đều không thành công.
Đủ kiểu khuyến mãi nhưng vẫn kéo được dân chúng đến các điểm mua sắm. Dân chúng bi quan về tương lai, doanh nghiệp Việt Nam bế tắc. (Hình: cafef.vn)
Trước kia, do cuối tháng 4, đầu tháng 5 là một đợt nghỉ dài ngày, các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ xem thời điểm này là cơ hội tăng doanh thu. Gần đây, vì thị trường trì trệ, nhiều doanh nghiệp đề ra hàng loạt chương trình khuyến mãi được xem là chưa từng có nhưng do dân chúng thắt chặt chi tiêu, các nỗ lực này chỉ khiến doanh giới thêm tuyệt vọng.
Chẳng hạn ở Hà Nội, hệ thống Hapro mở một đợt khuyến mãi kéo dài từ 25 tháng 4 đến ngày 4 tháng 5, giảm giá 50% cho các mặt hàng thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng, đồ điện máy... Tại Sài Gòn, hệ thống Co.opmart giảm giá 49% cho vài ngàn mặt hàng, tặng thêm nhiều loại phiếu giảm giá (30.000 đồng, 50.000 đồng, 3 tháng mua hàng miễn phí… Hệ thống Big C trên toàn Việt Nam cũng quảng cáo rầm rộ về chương trình đại hạ giá,…
Nhưng tất cả những kế hoạch, chương trình khuyến mải đều thất bại. Các siêu thị, trung tâm mua sắm vẫn vắng như “chùa Bà Đanh”. Từ đầu năm đến nay có hai đợt mua sắm lớn là Tết và cuối tháng 4. Thị trường vẫn bất động, bất kể đủ loại nỗ lực kích thích. Báo chí nhận định, kinh tế suy thoái kéo dài khiến dân chúng càng ngày càng nghèo và niềm tin vào sự hồi phục càng lúc càng giảm nên họ càng thắt chặt thêm chi tiêu.
Theo thống kê của một số siêu thị, trong quý 1 năm nay, giá trị của mỗi hoá đơn mua hàng giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thắt chặt chi tiêu đẩy các doanh nghiệp vốn đã lao đao càng thêm bế tắc vì hàng hóa ứ đọng. Bộ Công Thương CSVN loan báo, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần và tăng rất nhanh. Ngày 1 tháng 1 năm nay tăng 9.7% so với cùng kỳ năm trước. Đến 1 tháng 2 tăng 12.7%. Đầu tháng 3 tăng 13.4% và đầu tháng 4 vừa qua tăng 13.9%.
Do mãi lực kém, hàng hóa ứ đọng, thua lỗ, hết vốn, nhiều doanh nghiệp tiếp tục ngưng hoạt động. Các chuyên gia kinh tế nhận định, những doanh nghiệp còn tồn tại chỉ hoạt động chừng 50% công suất. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố một khảo sát về kế hoạch của doanh nghiệp Việt Nam, theo đó, chỉ 6.3% có ý định tăng quy mô lao động, 6.4% có ý định tăng quy mô đầu tư.
Cũng vì vậy, hệ thống ngân hàng thừa tiền bởi thiếu khách vay. Nhiều ngân hàng than rằng, đã chào mời đủ cách, hã lãi suất cho vay xuống 7% hoặc 8%/năm (chỉ bằng một nửa so với trước nhưng các doanh nghiệp vẫn không thèm ngó ngàng. Tuần trước, một viên đại biểu Quốc hội tên là Trần Du Lịch cảnh báo, nếu tình trạng này kéo dài (nhận tiền của dân chúng nhưng không kiếm ra doanh nghiệp để cho vay), hệ thống ngân hàng sẽ chết.
Hồi đầu năm, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, nếu mãi lực tiếp tục suy giảm, hàng hóa ế ẩm thì sản xuất sẽ đình đốn, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phá sản, thêm nhiều người thất nghiệp và nền kinh tế tiếp tục lao xuống dốc. Nay, những dự báo đó đã thành sự thật.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn kinh tế Việt Nam có thêm sức để vượt qua những khó khăn như hiện nay, điều đầu tiên mà nhà cầm quyền trung ương phải làm là khôi phục niềm tin của cả dân chúng lẫn doanh nghiệp vào khả năng điều hành kinh tế của mình. Tuy nhiên hàng loạt chính sách, giải pháp được đề ra từ 2012 đến nay chỉ tạo thêm bất an.
Âu lo về tương lai vẫn là cảm nhận của đa số dân chúng Việt Nam. Hồi hạ tuần tháng 12 năm ngoái, kết quả khảo sát cảm nhận của dân chúng tại Hà Nội về kinh tế Việt Nam trong năm 2013, cho thấy, đa số hết sức bi quan về tương lai. Lý do khiến dân chúng Hà Nội bi quan về tương lai được lý giải là do thu nhập của đại đa số đã giảm đáng kể. Có đến 34.1% tự đánh giá thu nhập của họ quá thấp. Tỷ lệ hài lòng về thu nhập chỉ ở mức 6.3%. (G.Đ.)
05-04-2014 1:26:40 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=187469&zoneid=2#.U2cfI_ldXpY
No comments:
Post a Comment