(GDVN) - Một nhóm sinh viên của Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình Trung ương I bị đưa đi làm công nhân, núp dưới danh nghĩa "trải nghiệm thực tế".
Kiếm cơm hay thực tập?
Năm 2012, Báo Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh việc nhiều sinh viên của Trường ĐH Công nghệ Việt Hung bị đưa tới Công ty Hồng Hải (Đài Loan) làm công nhân, núp bóng “trải nghiệm thực tế”. Kỳ “trải nghiệm” này mới chỉ diễn ra 6 ngày thì đã có tới 5 sinh viên bị ngất và phải nhập viện. Sau đó, nhà trường đã phải nhận trách nhiệm, đồng thời rút toàn bộ sinh viên “thực tập” tại Công ty Hồng Hải.
Những tưởng sự việc trên sẽ là bài học cảnh tỉnh cho nhiều trường khác khi đưa sinh viên đi thực tập thì vừa qua, Báo Giáo dục Việt Nam lại nhận được phản ánh của sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình Trung ương I (thuộc Đài tiếng nói Việt Nam) bị đưa đi làm công nhân, núp dưới danh nghĩa “trải nghiệm thực tế”.
Điều đáng nói là gần 50 sinh viên của lớp “Điện tử viễn thông” và lớp “Điện tử Phát thanh truyền hình” của Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình Trung ương I (thuộc Đài tiếng nói Việt nam) cũng được đưa tới một nhà máy của Foxconn thuộc hệ thống của Công ty Hồng Hải (Đài Loan).
Hơn 50 sinh viên của trương nay được đưa tới tỉnh Bắc Ninh kiểm tra sức khỏe. Việc kiểm tra sức khỏe do chính Công ty Hồng Hải thực hiện, sau đó một số sinh viên không đủ điều kiện sức khỏe được trả lại cho nhà trường, còn khoảng 50 sinh viên được đưa vào ở ký túc xá tại nhà máy của Foxconn (Hồng Hải) tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Đợt “trải nghiệm” này bắt đầu từ ngày 4/4/2014, tính tới nay đã được 1 tháng. Sinh viên tố cáo cho biết, mặc dù chưa học chuyên ngành nhưng trường đã đưa đi thực tập, nhà trường không tổ chức lấy ý kiến của sinh viên, mà tự quyết định. Hàng ngày, sinh viên phải làm việc 8 giờ đồng hồ trong xưởng sản xuất thiết bị thu phát wifi. Nhà máy cũng thường xuyên yêu cầu sinh viên phải làm tăng ca thêm 1,5 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Sinh viên tố cáo cho biết: “Đây là công việc không hề liên quan gì tới chuyên ngành chúng em học tại trường, không hiểu tại sao trường lại đưa bọn em tới nhà máy này? Sau khi lắp ráp thiết bị, bọn em phải kiêm luôn cả khuân vác. Có bộ phận test thiết bị thì phải đứng liên tục trong toàn bộ thời gian làm việc, không được phép ngồi. Công việc như vậy là quá sức với chúng em và không hề liên quan gì tới ngành học. Vào được ít ngày thì có bạn không đảm bảo sức khỏe đã phải nhập viện, còn em thì có ngày bị ốm vẫn bị bắt phải làm việc hết buổi sáng mới cho đi khám. Chúng em đã phản ánh tới giáo viên có trách nhiệm của trường nhưng không được tạo điều kiện, vì vậy em cũng mong cơ quan chủ quản của trường làm rõ để chúng em không bị ép đi làm công nhân nữa”.
Có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vụ việc này: Tại sao trường lại đưa sinh viên đi thực tập tại công ty Foxconn mà không tổ chức lấy ý kiến của sinh viên, không cho sinh viên quyền quyết định? Vì sao công việc không liên quan tới chuyên ngành học của sinh viên nhưng vẫn bị ép buộc phải làm? Vì sao sinh viên chưa học chuyên ngành đã bị đưa đi thực tập? Thông thường khi sinh viên đi thực tập, các em sẽ tự liên hệ với các đơn vị xin thực tập phù hợp với khả năng của mình, vì sao trường lại ép tất cả sinh viên đến một nhà máy, thực chất là làm công nhân? Phải chăng Trường CĐ Phát thanh truyền hình TƯ 1 đào tạo sinh viên sau này đi làm công nhân sản xuất thiết bị wifi? Với hàng loạt điều bất thường xảy ra, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Liệu 50 sinh viên của trường có bị lợi dụng sức lao động nhằm phục vụ ý đồ xấu của một số cá nhân?
Không biết ông Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt nam có biết điều này không?
Ông Đoàn (giữa) - cán bộ của Trường CĐ Phát thanh truyền hình TƯ 1 đã đến tận ký túc xá tại nhà máy Foxconn, nêu ra một số yêu cầu khiến sinh viên bất bình. |
Không phải lần đầu
Cũng cần phải nhắc lại rằng đây không phải vụ bê bối đầu tiên xảy ra tại Trường CĐ Phát thanh truyền hình TƯ 1. Vào năm 2006, trường này đã dính một vụ bê bối khủng khiếp làm ô uế ngành giáo dục, đó là sự việc ông Đỗ Tư Đông - Phó trưởng Khoa Báo chí khi đó bị nữ sinh tố gạm gẫm “đổi tình lấy điểm”. Sau nhiều lần rủ cô nữ sinh về nhà ngủ qua đêm không được, trước kỳ thi Tốt nghiệp, ông Đông đã đe dọa sẽ đánh trượt trong kỳ thi sắp tới.
Bất bình trước việc làm trên, tối 25/7/2006, nữ sinh này đã mang theo máy ghi âm đến nhà riêng của ông Đông và ghi lại toàn bộ lời của ông này ra điều kiện, nếu chấp nhận vào khách sạn đánh đổi "cái ngàn vàng" thì sẽ được cho 8,5 điểm thi tốt nghiệp. Sau cuộc mặc cả tại nhà riêng, ông Đông đã dùng xe máy chở cô đến khách sạn Lá Cọ ở huyện Kim Bảng. Tuy nhiên, sau đó nữ sinh này đã tìm cách thoát thân.
Ba ngày sau, trong chuyến công tác đột xuất về Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình Trung ương I, Bộ trưởng Bộ GD& ĐT khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã trực tiếp nghe nội dung cuốn băng và thấy rằng nội dung tố cáo là có cơ sở, đồng thời đề nghị lãnh đạo nhà trường nhanh chóng làm rõ vụ việc trên. Trong trường hợp ông Đỗ Tư Đông cố tình không thừa nhận, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ mời công an vào cuộc, điều tra, làm rõ. Sau đó, ông Đỗ Tư Đông đã thừa nhận những nội dung trong đơn tố cáo của nữ sinh, bị kỷ luật cách chức.
Sau sự việc này, thêm một giáo viên khác là ông Phạm Hồng Duy - giáo viên chủ nhiệm lớp K8B Biên tập tiếp tục bị kỷ luật do đã “bôi đen lý lịch” của hai sinh viên dũng cảm tố cáo hành vi của ông Đỗ Tư Đông.
Cũng trong năm 2006, một giáo viên khác của trường là ông Đỗ Đức Trọng, Phó trưởng khoa Báo chí trường CĐ Phát thanh Truyền hình Trung ương I bị tố dạy học sinh cách đánh dấu bài để gian lận điểm thi. Ông Trọng sau đó cũng bị cách chức và thôi công tác giảng dạy.
Sau hàng loạt bê bối xảy ra tại trường này, vào tháng 8/2006, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam đã quyết định ông Đinh Văn Mạnh thôi chức hiệu trưởng. Kể từ đó ông Dương Văn Tuẫn – Phó Hiệu trưởng phụ trách thay ông Mạnh.
NGỌC QUANG -04/05/14 16:08
http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Sinh-vien-bi-ep-di-lam-cong-nhan-post143971.gd
http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Sinh-vien-bi-ep-di-lam-cong-nhan-post143971.gd
No comments:
Post a Comment