Sunday, May 4, 2014

Công nhân Việt Nam: Từ “xé rào” đến kiến tạo đổi mới



Published on May 4, 2014   ·   No Comments
cong nhanvn

Trao đổi với Đầu tư, PGS.TS Nguyễn An Ninh, giai cấp công nhân không chỉ là nhân tố hiến kế “xé rào” cho những bước đi đầu tiên của lộ trình đổi mới, mà còn góp phần quan trọng làm nên diện mạo, vị thế của Việt Nam trong thời kỳ mới.
Là người đã có rất nhiều nghiên cứu về giai cấp công nhân, công đoàn, ông đánh giá như thế nào về đóng góp của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, nhất là khi Việt Nam đang hướng tới mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020?
Lịch sử xác nhận tỷ lệ thuận giữa sự phát triển giai cấp công nhân và sự giàu có của một đất nước. Tất cả các quốc gia G7 hôm nay đều có một nền công nghiệp hùng hậu và tỷ lệ lao động công nghiệp chiếm đại đa số trong lượng lao động xã hội.
Ở Việt Nam hiện nay, “giai cấp công nhân đã đóng góp trực tiếp, to lớn vào quá trình phát triển của đất nước thời kỳ đổi mới” (Nghị quyết lần thứ 6 Ban chấp hành TW ĐCS Việt Nam, Khóa X). Dù quá trình công nghiệp hóa của nước ta vẫn đang còn phải tiếp tục đẩy mạnh để hoàn thành cơ bản vào năm 2020, nhưng rõ ràng vị thế và tầm vóc của đất nước hôm nay đã thể hiện tập trung ở tầm vóc của giai cấp công nhân.
Tuy chỉ chiếm khoảng 1/4 lực lượng lao động, nhưng công nhân và công nghiệp Việt Nam vẫn là lực lượng sản xuất hàng đầu khi đang đóng góp khoảng 3/4 GDP, hơn 60% ngân sách quốc gia và làm ra trên 60% sản phẩm công nghiệp cho xã hội.
Nói như vậy nghĩa là giai cấp công nhân chính là nhân tố khởi động và làm nên đổi mới?
Đúng vậy. Chính những người công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước thuở đầu những năm 80 đã hiến kế “xé rào” và đi những bước đầu tiên của lộ trình đổi mới: Đổi mới cách làm từ cấp cơ sở kết hợp với đổi mới tư duy ở cấp trung ương về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Việc hiến kế “xé rào” của giai cấp công nhân như ông nói, đã tạo ra sự thay đổi như thế nào cho tiến trình đổi mới?
Những vấn đề lớn đặt ra từ cơ chế kinh tế thị trường như tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội cũng dần tìm được lời giải từ thực tế của những người lao động. 2 triệu công nhân trong thành phần kinh tế nhà nước, 7,6 triệu công nhân trong thành phần kinh tế tư nhân và 1,7 triệu công nhân trong thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần làm rõ những nhận thức cơ bản về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Về sở hữu, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Về quản lý, phân định rõ quyền của người sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý của Nhà nước trong việc định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất.
Về phân phối, thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội…
Cùng với vị thế là cơ sở chính trị xã hội vững chắc cho sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, giai cấp công nhân Việt Nam cũng góp phần quan trọng trong việc định hình những lối sống, hệ giá trị mới trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lao động sáng tạo với trình độ công nghệ cao, biết tổ chức quản lý theo phương thức hiện đại đáp ứng được những tiêu chuẩn của hội nhập quốc tế, những phẩm chất này đang xuất hiện trong một bộ phận công nhân nước ta. Họ là những chuyên gia – thợ giỏi, nhà quản lý (CEO) trên các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Họ đang có mặt trong nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và hợp tác lao động quốc tế với nhiều quốc gia trên thế giới.
Tôi được biết, những người lao động ấy hàng năm đóng góp xây dựng đất nước gần 4 tỷ USD. Có thể nói, giai cấp công nhân đang góp phần quan trọng để làm nên diện mạo và vị thế của Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Là nhân tố quan trọng trong tiến trình đối mới của đất nước, nhưng nếu nhìn một cách thẳng thắn vào thực tế, có thể thấy số đông giai cấp công nhân hiện nay lại chưa được hưởng tương xứng với thành quả của đổi mới và giá trị lao động?
Đúng là công nhân và nông dân hiện đang là những giai cấp còn chịu nhiều thiệt thòi. Đời sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, với một bộ phận lớn người lao động phổ thông, thu nhập họ có được chưa đủ trang trải cho các chi tiêu thiết yếu.
Thậm chí, có cả bộ phận mà thu nhập không đủ để tái sản xuất sức lao động. Các hiện tượng công nhân ngất xỉu trong ca làm việc, người lao động “nhảy việc” chỉ vì một khoản thu nhập thêm nho nhỏ… xác nhận rằng, vấn đề thu nhập chưa đúng và chưa đủ là có thật. Cũng về nhu cầu vật chất của công nhân hiện nay, khá nhiều vấn đề đang xuất hiện. Nổi cộm là sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng xã hội cho các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Mốc phấn đấu căn bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đã đến rất gần. Theo ông, phải làm gì để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ mới?
Cái mốc năm 2020 còn rất gần, đến thời điểm đó cả Dân tộc phải hoàn thành về cơ bản sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để từ đó có một xã hội dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…
Cùng với giai cấp công nhân đẩy mạnh quá trình phát triển của đất nước là tâm nguyện chung của cả xã hội. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân cũng là nhân tố quyết định nhất đối với sự nghiệp ấy. Vì vậy, phải tăng cường hơn nữa sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và cả xã hội để cùng giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân về cuộc sống, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần, tạo động lực quan trọng để giai cấp công nhân Việt Nam hoàn thành sứ mệnh của mình với sự phát triển của cả dân tộc.
Bên cạnh đó, do điều kiện làm việc ngày càng hiện đại với nhiều máy móc công nghệ cao, bản thân giai cấp công nhân cũng phải tự vươn lên, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề để đáp ứng nhu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những nỗ lực tự thân để nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề và giác ngộ chính trị của giai cấp lãnh đạo sự nghiệp xây dựng CNXH, đẩy mạnh CNH, HĐH lên một tầm cao mới hiển nhiên là những yêu cầu hàng đầu, phù hợp với xu hướng chủ đạo trong lịch sử phát triển của giai cấp công nhân thế giới.
THEO ĐẦU TƯ


No comments:

Post a Comment