Theo các nhà kinh tế Trung Quốc cũng như nước ngoài cho biết tăng trưởng GDP Quí 1/2014 mặc dù chưa được công bố nhưng chắc chắn khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% như đã đề ra. Tờ “Kinh tế Trung Quốc” vừa qua đăng ý kiến của nhà kinh tế Trung Quốc Đường Kiến Vĩ cho rằng số liệu trong “Thông báo tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm” của Cục thống kê nhà nước Trung Quốc công bố ngày 13/3/2014 chứng minh điều đó. Sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm nay chỉ tăng 8,6%, mức thấp nhất trong 4 tháng qua, doanh số bán lẻ chỉ tăng 11,8%, thấp hơn nhiều so với mức chỉ tiêu 13,5% và là mức thấp nhất kể từ năm 2006 tới nay. Nó phản ánh tình hình tiêu thụ trên thị trường hiện đang ế ẩm ảm đạm, nên Trung Quốc phải cắt giảm sản lượng của nhiều ngành như sản lượng thép tới 27 triệu tấn, sản lượng xi măng tới 42 triệu tấn.
Trung Quốc đang cáo biệt thời vàng son kinh tế tăng trưởng cao |
Đầu tư tài sản cố định hai tháng đầu năm đạt 17,9% thấp hơn mức chỉ tiêu 19,4%. Trong khi đó, xuất khẩu, một trong 3 động lực chủ yếu thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, đã sụt giảm tới 18,8% trong tháng 2/2014 so với cùng kỳ, kim ngạch ngoại thương trong 2 tháng đầu năm sụt giảm 1,6%. Đây là lần thứ hai xuất khẩu sụt giảm mức kỉ lục lớn nhất trong những năm qua. Với sự suy giảm này, thì mục tiêu tăng trưởng GDP khó có thể đạt mức 7,5% trong Quí 1/2014 như đã định ra.
Tờ “Thời báo kinh tài quốc tế” ngày 4/4/2014 dẫn phát biểu của hài nhà phân tích kinh tế là Mark William thuộc Tập Đoàn Capital Economics và Stephen Green thuộc Ngân hàng Chartered dự báo tăng trưởng GDP Quí 1/2014 của Trung Quốc sẽ đạt mức thấp hơn 7,5%, dự kiến cả năm 2014 tăng trưởng GDP thấp hơn mức 7%, tới năm 2020 GDP chỉ tăng được 5% - 6%.
Vừa qua, Cục quản lý ngoại tệ Trung Quốc cho biết nợ nước ngoài của Trung Quốc (không kể Hồng Công, Ma Cao và Đài Loan) tới cuối năm 2013 tới trên 863 tỉ USD, so với năm 2012 tăng 17%, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 78%. So với năm 2001, nợ ngắn hạn đã từ 41% tăng lên tới 78%. Người thống kê Cục quản lý ngoại tệ cho biết nợ nước ngoài của Trung Quốc vẫn ở mức an toàn, chưa tới mức báo động cho dù nợ ngắn hạn có tăng lên.
Các chuyên gia kinh tế nước ngoài cho biết nợ nước ngoài của Trung Quốc tuy chưa tới mức báo động, nhưng nợ công của Trung Quốc hiện nay tăng lên khá lớn và đang đứng trước rủi ro khó lường. Công ty Standard & Poor cho biết nợ công của Trung Quốc năm 2013 đang ở mức báo động, lên tới 12.000 tỉ USD, chiếm 120% GDP. Nợ công năm 2013 tăng lên đã dẫn tới tình trạng “đói tiền” trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc mà đỉnh cao vào tháng 6/2013. Giữa tháng 6/2013, dân chúng hầu như không rút được tiền, nhiều trạm rút tiền tự động thông báo “máy ngừng hoạt động để bảo dưỡng”, nhưng thực ra đã hết tiền mặt. Rất nhiều ngân hàng thông báo tăng mức lãi suất tới 11,7%, thậm chí có ngân hàng thông báo mức lãi suất từ 25% tới 30% thay vì mức bình thường từ 3% - 4% để huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân chúng. Tờ “Kinh tế thế kỷ 21” của Trung Quốc mô tả tình trạng dân chúng hoang mang nhao nhao gọi điện hỏi Chính phủ, Bộ Công An, Ngân hàng Trung Quốc, Ban tuyên giáo trung ương về tình hình này, nhưng đều không có câu trả lời.
Tình trạng nợ công dẫn tới một số Công ty quốc doanh của Trung Quốc vỡ nợ, điển hình là Công ty đầu tư năng lượng mặt trời Siêu Nhật của Thượng Hải bị vỡ nợ ngày 7/3/2014. Công ty này đã mắc nợ trên 14,5 triệu USD mà không có năng lực trả nợ nên đã tuyên bố phá sản. Tiếp đó là Công ty điện khí Thiên Uy thành phố Bảo Định cũng tuyên bố phá sản.
Các nhà kinh tế dự đoán trước tình hình này rất có thể trong tháng 5 hoặc tháng 6 năm 2014, chính phủ phải tung ra gói kích cầu để ngăn chặn tình hình thị trường ế ẩm. Tạp chí “Market Watch” ngày 14/3/2014 đăng đánh giá của Nhà kinh tế học Satvajit Das cho rằng trong con mắt của các nước hiện nay đều bày tỏ bi quan về kinh tế Trung Quốc, thực thể kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tình hình kinh tế Trung Quốc bị suy giảm sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu, nếu như Trung Quốc cũng dẫm vào vết xe đổ nợ công như Phương Tây thì bóng đen sẽ trùm lên cả nền kinh tế thế giới./.
Kiều Tỉnh
No comments:
Post a Comment