08/04/14 13:59
(GDVN) - Có hay không chuyện các cán bộ xã, thị trấn tại Nghệ An sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để học lên cao hơn chỉ vì mục đích được hưởng lương cao hơn?
Hơn 10.000 cán bộ, công chức cấp xã
Lực lượng cán bộ xã tại Nghệ An được phát triển theo nhiều thời kỳ. Từ trước những năm thập niên 80, 90 đến những năm đầu 2000 cán bộ xã tại Nghệ An hầu hết không có bằng cấp. Đến tận những năm 2003 trở về sau những cán bộ xã tại Nghệ An bắt đầu đi học. Nhưng chủ yếu số cán bộ này có bằng cấp là học theo kiểu “chắp vá”. Tức là đi học bổ túc văn hóa sau đó học lên các lớp trung cấp và đại học tại chức. Việc này vẫn kéo dài cho đến tận bây giờ, trong khi đó như chúng tôi đã nêu ở bài viết trước thì số lượng số người có trình độ đại học trở lên tại Nghệ An đang còn hơn 3.000 người vẫn chưa có việc làm.
Với bằng tốt nghiệp THPT mượn của người khác, bà Cao Thị Mai - Chủ tịch hội phụ nữ thị trấn Hưng Nguyên cũng đã nhanh chân đi học một bằng trung cấp trồng trọt. |
Theo số liệu ông Lê Đình Lý – PGĐ Sở Nội vụ Nghệ An cung cấp thì hiện tại toàn tỉnh Nghệ An có 480 xã, thị trấn với lượng cán bộ, công chức lên đến hơn 10.000 người. Mỗi xã loại 1 có 25 cán bộ, công chức; xã loại 2 có 23 cán bộ, công chức và xã loại 3 có 21 cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định.
Trong khi đó công chức cấp huyện và cấp tỉnh của Nghệ An chỉ có khoảng 3.700 người. Như vậy một tỉnh nghèo như tỉnh Nghệ An lượng cán bộ, công chức cấp xã vượt xa so với lượng công chức cấp huyện và cấp tỉnh gộp lại. Qua đây cho thấy khối lượng tiền phải chi ra cho lực lượng cán bộ, công chức xã là không nhỏ.
Cho đến nay tỉnh Nghệ An đã có khoảng 10.000 cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn |
Để có tiền chi trả cho cán bộ, công chức cấp xã, Nghệ An đã phải chi trả một số tiền lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng. Ngoài nguồn ngân sách của tỉnh thì Nghệ An cũng còn phải xin sự hỗ trợ của trung ương.
Khi nói đến vấn đề này ông Lý cũng đã phải thốt lên rằng: “Nhiều! Nhiều lắm chứ!”.
Cán bộ xã dùng bằng giả học lên cao có phải vì để nâng lương?
Từ năm 2003 trở lại đây trình độ học vấn của cán bộ, công chức xã tại Nghệ An đã được nâng cao rõ rệt. Cũng từ những năm này thì cán bộ, công chức xã được hưởng lương theo quy định. Còn thời điểm trước đó thì cán bộ xã chỉ được bầu lên theo kiểu “dân bầu, xã cử” các quyền lợi còn nhiều hạn chế. Nhưng cũng từ đây đội ngũ cán bộ, công chức xã tại Nghệ An bắt đầu có dấu hiệu gian dối trong việc sử dụng bằng cấp.
Với những bằng tốt nghiệp THPT giả này, một số cán bộ xã tại Thanh Chương cũng đang cố theo học hoặc đã học xong một lớp đại học khác. |
Điển hình như những cán bộ xã, thị trấn tại Thanh Chương và Hưng Nguyên vừa qua. Nhưng có một điều khiến ai cũng thắc mắc là vì sao những cán bộ ấy lại “liều lĩnh” gian lận trong việc sử dụng bằng tốt nghiệp THPT để tiếp tục học lên trung cấp, đại học?. Phải chăng các cán bộ này vẫn “chịu khó” học lên để phục vụ tốt hơn cho công việc?.
Về việc này, ông Lê Đình Lý cho biết, các công chức xã được hưởng lương như các công chức khác. Nếu như chỉ có bằng tốt nghiệp THPT sẽ hưởng lương thấp hơn khi có bằng trung cấp. Còn người có bằng trung cấp sẽ hưởng lương hệ số thấp hơn người có trình độ đại học. Công chức xã có bằng cấp nào thì được hưởng lương theo bằng cấp đó. Bằng càng cao hưởng lương càng cao. Còn đối với những cán bộ xã như cán bộ hội nông dân và cán bộ phụ nữ ngoài mức lương như các cán bộ khác thì còn được hưởng thêm lương chức vụ. Do vậy, hàng loạt cán bộ xã tại tỉnh có bằng đại học và số chưa có bằng đại học cũng đang đua nhau đi học đại học để "nâng cao trình độ".
Như vậy phải chăng các cán bộ xã dùng bằng tốt nghiệp THPT giả học lên cao hơn không phải để nâng cao nghiệp vụ, phục vụ tốt hơn cho công việc mà chỉ để được hưởng mức lương cao hơn?
Nghệ An không thể bàng quang trước hiện tượng này, nếu gian để lấy lương thì là tham ô trá hình; gian để thăng chức thì làm hỏng cán bộ, mất lòng tin của nhân dân.
No comments:
Post a Comment