BBC-Cập nhật: 07:50 GMT - thứ ba, 8 tháng 4, 2014
Một trang blog chỉ trích chính quyền ở Việt Nam có thể khiến chủ blog bị ở tù nhưng hình ảnh Cô bé Lọ lem mang tính hài hước để nhạo báng các quan chức lại có thể qua mặt được kiểm duyệt.
Khoảng 33 triệu người dùng Internet ở Việt Nam chỉ với máy tính cá nhân và khiếu khôi hài đang tạo ra những thay đổi xã hội còn lớn hơn những cây viết blog quyết liệt nhất đang bị cầm tù, các chuyên gia nhận định.
‘Chỉ muốn đùa giỡn’Từ những lời kêu gọi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức, vốn được đông đảo người dân ủng hộ, cho đến chỉ trích việc kiểm duyệt gắt gao, những công dân mạng ở Việt Nam đang cất lên tiếng nói của mình.
“Những bạn trẻ tạo nên và chia sẻ những hình ảnh này không nghĩ rằng họ đang hoạt động vì một cái gì đó. Họ không nhất thiết phải đấu tranh vì cái gì cả. Họ chỉ muốn đùa giỡn thôi,” ông Patrick Sharbaugh, một nhà nghiên cứu văn hóa kỹ thuật số làm việc ở Việt Nam, nói.
“Một xã hội dân sự khác đang hình thành,” ông nói.
Bị chỉ trích sau khi một loạt trẻ em chết vì tiêm vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trở thành mục tiêu chế giễu và hàng trăm tác phẩm sáng tạo, trong đó có một tấm ảnh bà Tiến với lời thuyết minh: “Không có đây thì làm sao hội mai táng làm ăn khấm khá được?”
Ở quốc gia độc đảng này, nơi mà tất cả báo chí bị Nhà nước kiểm soát và hệ thống loa phường vẫn phát tin đều đặn mỗi ngày hai lần, không gian mà mạng Internet đem lại trở nên rất có ý nghĩa.
“Điều này rất thú vị,” ông Ben Valentine, một cây bút người Mỹ viết cho mạng The Civil Beat, nói, “Mặc dù kiểm duyệt rất nguy hại về mặt xã hội, nó có thể khơi nguồn sáng tạo.”
Chính quyền Việt Nam rất khó mà kiểm soát được sự lan truyền của hình thức châm biếm trên mạng.
Mạng xã hội Facebook đang bị cấm không chính thức một phần nhưng nhiều người trong số 22 triệu người Việt Nam có tài khoản Facebook vẫn có thể dễ dàng vượt qua.
Do đó việc đóng cửa mạng xã hội hoàn toàn có thể gây bất mãn thậm chí khiến cho những người dân bình thường trở nên cực đoan.
Đây là ví dụ của Thuyết ‘Mèo Xinh’ trong lĩnh vực vận động trên mạng do học giả Ethan Zuckerman đưa ra hồi năm 2008.
Facebook, vốn được dùng rất nhiều để chia sẻ những hình ảnh ‘mèo xinh’, ảnh em bé hoặc ‘ảnh tự sướng’, có thể được dùng để chuyển tải thông điệp chính trị.
“Bất cứ công cụ nào cho phép lan truyền hình ảnh mèo xinh thì nó cũng có thể lan truyền các thông điệp vận động chính trị. Do đó đây là một thách thức đối với các chế độ toàn trị,” bà An Xiao Mina, một nghệ sỹ và nhà văn Mỹ, nói.
‘Giúp khán giả vui vẻ’
Bà Mina gọi các sáng tác châm biếm trên mạng là ‘nghệ thuật đường phố của Internet’.
Một trong những cái nôi của hình thức châm biếm kiểu này ở Việt Nam là trang HaiVL ra đời hai năm trước và nay đã có 1,5 triệu lượt truy cập mỗi ngày.
Trang này kiểm duyệt những thông điệp chính trị công khai và khóa những người vi phạm nhiều lần nhưng nhiều nội dung được đưa lên đã đụng đến những vấn đề nhạy cảm trong xã hội bằng thủ pháp hài hước.
“Ai cũng muốn vui vẻ cả. Tôi nghĩ HaiVL đã giúp nhiều người vui vẻ bằng cách làm cho họ cười,” ông Võ Thanh Quang, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của công ty điều hành trang HaiVL, nói.
Trang này chế các hình ảnh hoạt hình của Disney thành những bức tranh châm biếm. Chỉ trong vòng bảy tháng họ đã được 250.000 người thích trên Facebook.
Một tác nhân thay đổi khác ở Việt Nam là sự xuất hiện của video tự quay bằng điện thoại thông minh. Những đoạn phim tự quay này thậm chí khiến truyền thông phải vào cuộc và dẫn đấn án tù cho hai bảo mẫu hành hạ trẻ em.
“Đối với tôi đây là một trong những điều ý nghĩa nhất, hay nhất mà Internet mang lại ở Việt Nam: khiến cho những ai lạm quyền phải trả giá,” ông Đỗ Anh Minh, một biên tập của trang mạng Tech in Asia, nói.
Khi hai công an bị camera bắt gặp đang cãi lộn ngoài đường, đoạn băng này đã lan truyền chóng mặt sau khi nó được cài nhạc phim Star Wars và thêm vào hiệu ứng lưỡi gươm laser.
“Ai cũng cười những người công an này và cười chính quyền bởi vì ai cũng biết về tình trạng tham nhũng,” ông nói, “Những việc như thế này đã được đưa ra ánh sáng.”
No comments:
Post a Comment