Tuesday, April 8, 2014

Hàng giả khắp nơi: Chật vật chống đỡ

Thứ Ba, 08/04/2014 21:54

Quy trình xử lý hàng giả phức tạp, tốn thời gian, tiền bạc khiến nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng nản lòng

Sản xuất, buôn bán hàng giả lợi nhuận khổng lồ do trốn thuế, ăn cắp thương hiệu nên các đối tượng làm ăn phi pháp sẽ không từ bỏ nếu không có các biện pháp mạnh tay.
Gian nan
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM, một DN khi phát hiện trên thị trường có hàng giả, hàng nhái của mình nhưng muốn ngăn chặn rất khó. “DN phải tốn công sức điều tra, xác minh, gửi mẫu hàng nhái đi giám định để có xác nhận bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng sau đó nơi vi phạm chỉ bị xử lý về mặt quản lý nhà nước. Còn DN muốn bồi thường thiệt hại phải khởi kiện ra tòa trong khi chứng minh bị thiệt hại về thương hiệu rất khó. DN tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc nhưng thiếu sự nhiệt tình của các cơ quan quản lý nhà nước khiến họ nản lòng” - ông Hưng giải thích.
Một buổi triển lãm hàng của các doanh nghiệp ở TP HCM để giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật - giả Ảnh: Ngọc Ánh
Một buổi triển lãm hàng của các doanh nghiệp ở TP HCM để giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật - giả Ảnh: Ngọc Ánh
Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai phát đi thông báo truy tìm người bị hại trong một vụ sang chiết gas trái phép tại Công ty TNHH Gas Thái Lan (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Theo thông tin ban đầu, công ty này bị phát hiện chiết gas sang nhiều bình mang thương hiệu DN khác mà công ty này không được phép chiết nạp. Tuy nhiên, để xử lý được phải mời đến 8 bị hại chủ sở hữu gas đến để hỗ trợ điều tra, trong đó, có thương hiệu gas tang vật thu giữ chỉ có 1 bình!
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Dương, hàng giả theo định nghĩa có rất nhiều và cơ quan quản lý nhà nước phải ưu tiên xử lý các mặt hàng có tác hại nguy hiểm. Hiện nay, về sở hữu trí tuệ, nhóm hàng QLTT có thể chủ động bắt trước sau đó phối hợp với chủ sở hữu xử lý là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu... Còn lại, thông thường phải có đơn thưa của chủ sở hữu mới thực hiện kiểm tra. Tại Bình Dương đã có trường hợp một đội QLTT bắt hàng (thuộc nhóm thời trang) trước, sau chủ sở hữu không chịu phối hợp để xác định thật - giả đành phải năn nỉ trả lại hàng.
Tự cứu mình
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, đối với DN, quan trọng nhất là thiết kế, nếu chậm đổi mới, các cơ sở có thể sản xuất nhái theo bất cứ lúc nào, nhất là từ Trung Quốc. Vì thế, có DN sản xuất giày, mỗi lần ra sản phẩm mới công ty chỉ sản xuất khoảng vài ngàn đôi rồi bỏ luôn mẫu để hàng giả không chạy theo kịp. Đồng thời, DN phải tự bảo vệ mình trước bằng cách chăm sóc kỹ khâu phân phối, các đại lý bán lẻ để khi có hàng giả, hàng nhái xuất hiện, họ sẽ thông báo. “Ngoài ra, DN nên khởi kiện đơn vị làm hàng giả bởi dù được đền bù thiệt hại là rất khó nhưng kiện để khẳng định thương hiệu và để các đối tượng làm hàng giả biết mình không hề “dễ chơi” là điều cần thiết” - ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG (một DN cung cấp các giải pháp chống giả), nhận xét nhiều DN Việt hiện nay đã bắt đầu chủ động thực hiện chống hàng giả. “Họ thực hiện khi bắt đầu sản xuất đến lúc đưa sản phẩm ra lưu hành trên thị trường thông qua việc tích hợp các đặc điểm chống giả trên bao bì, nhãn mác sản phẩm, đặc biệt là sử dụng các giải pháp tem chống giả ứng dụng các công nghệ cao và hiện đại trên tem để bảo vệ sản phẩm và thương hiệu” - ông Hồng nói.
Tuy nhiên, việc sử dụng tem chống giả công nghệ cao chỉ có ý nghĩa giúp người tiêu dùng và cơ quan nhà nước nhận biết hàng thật, hàng giả chứ chưa thể chặn triệt để hàng giả. DN cũng phải kiểm soát chặt những con tem này để tránh tình trạng tem thật mà hàng giả. Như tại gas Saigon Petro, tỉ lệ hư hao của tem cho phép chỉ 0,5% và đối với tem báo hư, các trạm chiết phải giữ lại trả về công ty để hủy.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Danh, các DN khi ra làm ăn, dù lớn hay nhỏ cũng phải có ý thức bảo vệ thương hiệu ngay từ đầu bằng việc đăng ký bảo hộ để tránh trường hợp khi làm ăn được thì đã có người khác đăng ký mất thương hiệu. 
Người tiêu dùng cần được thông tin
Thực tế hiện nay, nhiều DN rất ngại công bố thông tin về hàng giả vì sợ người tiêu dùng tẩy chay luôn hàng thật. Các dấu hiệu nhận biết hàng thật - hàng giả cũng bị nhiều DN “ém” vì sợ bị đối tượng làm hàng giả khắc phục. Do đó, theo chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Công Thương phối hợp với Chi cục QLTT đang xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giới thiệu hàng giả đến người tiêu dùng, giúp họ nhận biết để tránh mua lầm. Đây cũng là giải pháp góp phần giảm tiêu thụ hàng giả, bảo vệ các thương hiệu và bảo vệ người tiêu dùng.
Một ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban cũng vừa được Chính phủ thành lập. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng chiến lược, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong từng thời kỳ; chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành địa phương thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

NGỌC ÁNH - THÁI PHƯƠNG

No comments:

Post a Comment