Thursday, March 27, 2014

Trừng phạt nhau vì Ukraine: Nga – Mỹ "kẻ tám lạng người nửa cân"



Thứ sáu, 2014-03-28 06:45:03 - Nguồn: InfoNet.vn
Mỹ hiện đang phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu các động cơ tên lửa của Nga để vận chuyển hàng hóa quân sự và dân sự vào không gian. Đây là điểm mấu chốt để Matxcova đáp trả việc Washington áp đặt các lệnh trừng phạt.
Kể từ năm 2011 – thời điểm Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) quyết định từ bỏ chương trình tàu con thoi, Washington đã phụ thuộc hoàn toàn vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa các phi hành gia tới và trở về từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).  
Thậm chí, các hệ thống GPS cài đặt trong ô tô, điện thoại di động và cả hệ thống ATM của Mỹ cũng đều lệ thuộc vào công nghệ của Nga. Việc phóng các vệ tinh thời tiết hay vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa của Mỹ cũng do các công ty của Nga đảm nhận.  
Tàu vũ trụ Soyuz của Nga
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine ngày càng trở nên sâu sắc và những lệnh trừng phạt "ăn miếng trả miếng" đã bắt đầu được thi hành, nhiều người cho rằng Mỹ đang chiếm thế thượng phong so với Nga. 
Với vị thế cường quốc kinh tế số 1 trên thế giới và khối lượng trao đổi thương mại giữa Matxcova - Washington hàng năm là khá thấp, Mỹ hoàn toàn tự tin để đưa ra những lệnh trừng phạt nhằm cô lập cả lĩnh vực ngoại giao và kinh tế với Nga. 
Tuy nhiên, Nga lại có lối đi riêng để đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ. Giáo sư chuyên ngành ngoại giao tại Harvard’s Kennedy School of Government từng nhận định: "Họ (Nga) có nhiều cách đáp trả lại lệnh cấm vận và những biện pháp này khiến chúng ta gặp bất lợi". 
Một trong những điểm bất lợi hiện nay đối với Mỹ là khả năng Nga sẽ buộc nhà sản xuất NPO Energomash ngừng bán các động cơ nhiên liệu lỏng RD-180 cho Mỹ. Trong khi đó, động cơ RD-180 hiện đang được Mỹ sử dụng để vận hành tên lửa đẩy Atlas V chuyên vận chuyển hàng hóa quân sự và dân sự vào không gian. 
"Các động cơ tên lửa của Nga đạt chất lượng tốt nhất trên thế giới. RD-180 là động cơ đạt hiệu quả hoạt động tốt nhất và giá thấp nhất để Mỹ đưa hàng hóa an toàn vào không gian", tờ Global Post dẫn lời Royce Dalby, chuyên gia hệ thống vũ trụ kiêm giám đốc quản lý công ty tư vấn quốc phòng và hàng không vũ trụ Avascent tại Washington. 
Mặc dù, giá bán của các động cơ RD-180 được "giữ bí mật" song giới chuyên gia Mỹ ước tính giá của nó vào khoảng 11 – 15 triệu USD/động cơ. Trung bình hàng năm, Mỹ phóng từ 8 – 9 vệ tinh bằng tên lửa Atlas V.
Không chỉ chương trình hàng không vũ trụ, các hệ thống an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ cùng sẽ không thể hoạt động nếu  Nga ngừng cung cấp động cơ tên lửa RD-180. 
Theo chuyên gia Dalby, trong vòng 24 tháng tới, Mỹ sẽ sử dụng tên lửa đẩy Atlas V để phóng 4 vệ tinh do thám cho Trung tâm Do thám quốc gia (NRO),  một vệ tinh hình ảnh, 2 vệ tinh thời tiết, 4 vệ tinh GPS, 3 vệ tinh truyền thông quân sự, 2 vụ vận chuyển hàng cho Không quân và một vệ tính khoa học của NASA. 
Mỗi năm, Mỹ chi hơn 400 triệu USD để Nga đưa các phi hành gia lên Trạm ISS
"Không có RD-180, đây là tai họa cho an ninh quốc gia của Mỹ. Tên lửa đẩy Atlas V là phương tiện thiết yếu để vận chuyển các mặt hàng dân sự và quân sự vào không gian", John Logsdon, nhà sáng lập kiêm giám đốc Viện chính sách vũ trụ tại Đại học George Washington cho biết. 
Trong cuộc họp giải trình ngân sách vào giữa tháng Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng nhấn mạnh rằng Lầu Năm Góc đang đặc biệt quan tâm tới những vấn đề liên quan tới động cơ RD-180. 
Khi được hỏi liệu Bộ Quốc phòng có nên tăng khoản chi tiêu ngân sách để phát triển các động cơ tên lửa nội địa trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ - Nga ngày càng nóng xung quanh cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, ông Hagel cho rằng quá trình phát triển và sản xuất động cơ mới sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.  
Tuy nhiên, United Launch Alliance (ULA) – công ty liên doanh giữa Tập đoàn Lockheed Martin – Boeing khẳng định Mỹ không cần lo lắng về việc nguồn cung bị gián đoạn bởi ULA vẫn có khả năng cung cấp các động cơ RD-180 trong hơn 2 năm tới. Song, phát ngôn viên của ULA, bà Jessica Rye nhấn mạnh hiện nay, công ty này vẫn chưa có loại động cơ thay thế nếu  RD-180 bị ngừng nhập khẩu. Trong khi, quá trình chế tạo loại động cơ mới sẽ mất từ 4 – 5 năm.  
Từ bằng hữu thành kẻ thù
Sau khi Liên Xô cũ sụp đổ vào thập niên 90, các công ty và tổ chức của Mỹ đã đổ hàng tỷ USD để giúp Nga duy trì ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, Washington đã khuyến khích các nhà khoa học Nga không nên bán chất xám cho những quốc gia khác. 
Các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS
Tuy nhiên theo thời gian, mối quan hệ Nga – Mỹ đã dần chuyển từ hợp tác sang đối đầu nhất là sau khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền vào năm 2000. Điển hình, Nga từng đe dọa ngừng cung cấp động cơ tên lửa RD-180. 
Hồi tháng 8/2013, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đe dọa đưa quân tiến vào Syria sau cáo buộc quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường, truyền thông Nga đưa tin  Matxcova đang cân nhắc khả năng ngừng chương trình cung cấp RD-180 cho Washington. 
Hiện nay, giới chuyên gia Mỹ đang đưa ra nhiều phương án thay thế cho động cơ RD-180 của Nga bao gồm tên lửa đẩy Falcon của Tập đoàn SpaceX. Tuy nhiên, kích thước của Falcon lại quá nhỏ và không thể chuyên chở phần lớn hàng hóa quân sự như tên lửa đẩy Atlas. 
Ngoài ra, theo giám đốc Logsdon, động cơ Delta IV vốn được sản xuất hoàn toàn tại Mỹ có thể là giải pháp thay thế cho RD-180. Song, Delta IV vẫn cần trải qua thời gian nghiên cứu để điều chỉnh kỹ thuật trước khi làm nhiệm vụ. 
Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là Mỹ đang dựa hoàn toàn vào Nga để đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ. Theo đó, mỗi năm, Washington phải trả cho Matxcova hơn 400 triệu USD để đưa các phi hành gia lên và trở về từ trạm vũ trụ ISS. 
Đây cũng chính là bài toán khó với giới chức Mỹ trong việc cân bằng giữa những lời chỉ trích mạnh mẽ về lối hành xử của điện Kremlin vừa giữ mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hàng không với Nga. 
"Việc duy trì quan hệ với Nga là một ý tưởng tốt đẹp. Chương trình Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) là nền tảng xây dựng lòng tin và hiểu biết giữa hai nước. Song không may, nó đang bị chính những vấn đề ở dưới Trái đất phủ bóng đen", ông Dalby nói. 
MINH THU (lược dịch)

No comments:

Post a Comment