VOA-27.03.2014
MASINLOC — Cách đây gần hai năm, tàu thuyền của Trung Quốc và Philippines đối đầu với nhau trong một tháng trời tại một bãi cạn ở Biển Đông. Trong tuần này, một số ngư dân Philippines vẫn còn tránh xa bãi cạn giữa lúc gần tới hạn chót để Philippines trình bày bằng chứng cho một tòa án trọng tài quốc tế trong vụ kiện Trung Quốc. Thông tín viên Simone Orendain đã đi thăm Masinloc, một thị trấn ven biển Đông, và ghi nhận các chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Ông Macario Sepulveda đánh cá ở Biển Đông đã hơn 30 năm nay. Ông nói thuyền của ông đến đánh bắt thường xuyên ở bãi cạn Scarborough, mãi cho đến cách đây hai năm.
Ông Sepulveda nói những chiếc thuyền thăm dò nhỏ hơn thông báo cho tàu mẹ về những khu vực nhiều cá gần bãi cạn bị những tàu hải giám của Trung Quốc xua đuổi.
“Khi nào chúng tôi đưa cá vào bờ, tàu nhỏ sẽ được để lại giữa biển. Và nếu có sóng lớn, những tàu này có thể vào bãi cạn để trú ẩn. Hiện nay những tàu này không thể vào bãi cạn được.”
Ông Sepulveda nói khu vực chung quanh bãi cạn, người dân địa phương gọi là Bajo de Masinloc, có nhiều sóng và làm cho những chiếc thuyền nhỏ dễ bị lật. Ông nói hiện nay các con tàu không vượt quá 55 kilômét bên ngoài bãi cạn. Điều này làm giảm đáng kể lượng cá đánh bắt được tại khu vực này.
Viên chức lo về đánh cá tại thị trấn Masinloc, ông Jerry Escape, nói thường có 10 đội tàu đánh cá đến bãi cạn Scarborough, cách thị trấn 225 kilômét về phía tây. Hiện nay chỉ có ba tàu có thể đến được.
“Vấn đề là chi phí đến đó quá lớn. Vì phải chi phí nhiều như thế nên họ cảm thấy không có lợi khi trở về đây mà không có gì để bán cả.”
Ông Escape nói một chuyến đánh bắt như vậy, kéo dài khoảng một tuần lễ, có thể tốn khoảng 2.000 đô la. Bình thường thu hoạch được khoảng một tấn cá và bán được từ 2,20 đô la cho đến 3,30 đô la một kilô.
Người Philippines xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Manila.
Ông Escape nói đánh cá là một trong 3 ngành chính của thị trấn. Và chính quyền địa phương đang cố gắng điều chỉnh việc này bằng cách tạo môi trường sống của cá gần bờ hơn để thu hút cá.
Chính phủ Philippines vẫn cho rằng bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 370 kilômét của Philippines, phù hợp với luật quốc tế. Tuy nhiên Trung Quốc, là nước gọi bãi cạn là đảo Hoàng Nham, nói rằng họ “có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Biển Ðông và vùng biển kế cận, trong đó có đảo Hoàng Nham.”
Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền một phần hay toàn bộ vùng biển này, nơi có trữ lượng cá dồi dào, là con đường hàng hải chính và được biết có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ. Trong những năm gần đây Trung Quốc đã tăng cường việc tuần tra vùng biển này.
Vào cuối tháng 1 năm nay, ngư dân thị trấn Masinloc báo cáo với quân đội Philippines là một tàu hải giám Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi họ. Manila đã phản đối Bắc Kinh về vụ này.
Một tháng sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tàu tuần tra của họ đã đuổi một số tàu Philippines chở theo những vật liệu xây dựng đến Bãi cạn Second Thomas, một nơi tranh chấp khác trên biển nằm về phía tây tỉnh Palawan. Philippines đã trao một kháng thư khác và nói rằng nước này có quyền tiếp tế lương thực cho các binh sĩ trú đóng tại bãi cạn.
Vào tháng 1 năm ngoái, Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài vì cho rằng rằng yếu cách chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Ðông của Trung Quốc là “yêu sách thái quá”. Trung Quốc bác bỏ đơn kiện của Philippines và không tham gia vụ kiện. Chính phủ Philippines đang đệ trình thêm những tài liệu ủng hộ luận cứ của họ lên tòa án trong tuần này.
Trong lập luận trình cho tòa án, Philippines nêu lên câu hỏi là những mõm đá và những vật chìm dưới nước mà Philippines cho rằng thuộc thềm lục địa của nước này có thể bị các nước khác đòi chủ quyền hay không.
Vào tháng 5 năm ngoái, Tuần duyên Philippines lập một văn phòng tại Masinloc, một vùng đất dài 50 kilômét từ bắc đến nam và có nhiều làng đánh cá. Ông Rojelio Casupang, người đứng đầu văn phòng này cho biết nhiệm vụ của ông là cố vấn cho các ngư dân.
Ông Casupang nói thêm rằng vì tình hình vẫn còn căng thẳng nên ông khuyên ngư dân không nên tới Scarborough để tránh những vụ đối đầu.
Thị trưởng Masinloc, bà Desiree Edora, nói sự hiện diện của lực lượng tuần duyên giúp cho ngư dân cảm thấy an tâm. Bà cũng nói bà hy vọng tranh chấp giữa hai nước sẽ được giải quyết một cách hòa bình và hai nước sẽ tôn trọng lẫn nhau.
No comments:
Post a Comment