Thursday, March 27, 2014

Khoản "vênh" nghìn tỷ trong dự án cao tốc Cầu Giẽ sẽ về đâu?



Thứ sáu, 2014-03-28 07:44:03 - Nguồn: Docbao.vn
Kết quả kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố một lần nữa phơi bày rất nhiều sự bất cập của hệ thống đơn giá, định mức - cơ sở xây dựng nên dự toán tại các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.
 

 
Sau khi Kiểm toán Nhà nước phát đi thông báo về những khoản "vênh" tài chính trong dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) (thuộc bộ GTVT) ngay lập tức đưa ra phản hồi với báo ĐS&PL. Lạ thay, VEC không phủ nhận kết quả của kiểm toán mà chỉ cố "đá" trách nhiệm cho yếu tố... khách quan? Vì sao lại vậy? Số phận của hàng nghìn tỷ đồng bị "vênh" sẽ đi đâu, về đâu?
 
Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đội giá gấp 2,5 lần (???).
 
Lỗi tại... tự nhiên?!
 
Ngay sau khi phát đi bản thông cáo báo chí đến các cơ quan dư luận, đại diện VEC đã dành riêng cho PV buổi làm việc về nội dung bản thông cáo này.
 
Theo đại diện của VEC thì, đơn vị này đưa ra thông báo đến các cơ quan báo chí chỉ đưa ra quan điểm của mình chứ không phải để chứng minh mình đã làm đúng hay kiểm toán đã sai. Ngoài ra, phía VEC cũng thừa nhận những mặt còn sai sót trong việc xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
 
Ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng VEC cho biết, việc đội giá 5.200 tỷ đồng được VEC cho là do lãi suất huy động vốn và những thay đổi bất khả kháng như: Giải phóng mặt bằng chậm, tăng khối lượng công trình cầu vượt, biến động giá thất thường... (???)
 
Cũng theo ông Chung, tổng mức đầu tư đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được lập trước thời điểm năm 2005 bằng hình thức đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Sau đó, chuyển hình thức đầu tư sang vốn trái phiếu công trình nên phải chịu thêm phần lãi suất vay ngân hàng, cùng với biến động về giá vật liệu, giá nhân công. Việc tăng tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng được VEC cho là do lãi suất huy động vốn và những thay đổi bất khả kháng: Giải phóng mặt bằng chậm, tăng khối lượng công trình cầu vượt, biến động giá thất thường...
 
Trả lời cho câu hỏi của PVvề việc, có sự yếu kém trong thiết kế tổng thể khiến dự án mới phát sinh nhiều thiết kế bổ sung khác, vị đại diện VEC thừa nhận là có. Tuy nhiên, theo vị này đó là do yêu cầu thực tế đem lại, vì những thiết kế phát sinh là hoàn toàn cần thiết đối với đường cao tốc.
 
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện chênh lệch chi phí xây dựng hơn 345 tỷ đồng. Nguyên nhân, do áp dụng định mức không đúng quy định làm tăng chi phí 275,8 tỷ đồng; sai đơn giá hơn 42 tỷ đồng; sai khối lượng hơn 16 tỷ đồng.  Dự án bị đội vốn đầu tư từ 3.733 tỷ đồng (phê duyệt năm 2005) lên 8.974 tỷ đồng sau hai lần điều chỉnh.
 
KTNN chỉ ra việc áp dụng định mức hạng mục giếng cát đường kính D400mm không đúng quy định. Cụ thể, trong hệ thống định mức hiện hành của Nhà nước chưa có định mức thi công giếng cát nhưng chủ đầu tư đã không căn cứ vào yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công, điều kiện thi công và phương pháp xây dựng định mức dự toán theo hướng dẫn của bộ Xây dựng. Việc áp dụng định mức cọc cát cho giếng cát không phù hợp với thực tế thi công giếng cát của dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến giá dự toán và giá gói thầu. Tổng giá trị dự toán của các gói thầu được kiểm toán bị tăng lên 305,6 tỷ đồng.
 
Lệch pha... đánh giá
 
Kết quả kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do KTNN vừa công bố một lần nữa phơi bày rất nhiều sự bất cập của hệ thống đơn giá, định mức - cơ sở xây dựng nên dự toán tại các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.
 
Trong nhiều điểm vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa bộ GTVT. VEC với KTNN về kết quả kiểm toán dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I), câu chuyện nóng nhất hiện nay chính là việc, có hay không chủ dự án và nhà thầu áp dụng sai định mức hạng mục giếng cát D400mm tại các gói thầu xây lắp?
 
KTNN cho rằng, dù định mức thi công giếng cát chưa có trong hệ thống định mức đã được bộ Xây dựng công bố, nhưng đại diện chủ đầu tư, thay vì tiến hành xây dựng định mức lại áp dụng định mức thi công cọc cát đường kính D400mm (định mức AC.24000). Cũng theo KTNN, do áp dụng định mức cọc cát cho giếng cát không phù hợp với với thực tế thi công của Dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến giá dự toán và giá gói thầu.
 
Trong khi đó, ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC khẳng định, quá trình áp dụng định mức AC.24000 để lập, thẩm định và phê duyệt dự toán hạng mục thi công giếng cát làm cơ sở xác định giá gói thầu nhằm tổ chức đấu thầu, như một số dự án tương tự đã được phê duyệt là phù hợp với quy định tại Thông tư số 04/2005/TT- BXD ngày 1/4/2005 của bộ Xây dựng về hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Đồng thời, tại thời điểm trình kết quả chấm thầu các gói thầu tại Dự án, phía cục Quản lý chất lượng công trình giao thông (bộ GTVT) cũng đã có quan điểm tương tự.
 
VEC cũng cho rằng, trong quá trình thi công, các nhà thầu đã áp dụng nhiều biện pháp tổ chức thi công mới, nhằm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, nên việc kiểm toán viên chỉ dựa vào số liệu ghi chép tại công trường để tự tính toán và xác định chi phí, xác định chi phí chênh lệch là mang tính chủ quan. Tuy nhiên trả lời cho câu hỏi của PV, sao không chờ xin ý kiến của bộ Xây dựng trước khi thực hiện, ông Chung cho biết, vì tiến độ dự án quá cấp thiết, không thể chờ đợi thêm (?).
 
Không chấp nhận những lý lẽ thanh minh không thuyết phục, bên cạnh việc giữ nguyên yêu cầu giảm trừ, KTNN đã quy trách nhiệm thuộc về bộ Xây dựng (đã chậm xây dựng và công bố định mức giếng cát); bộ GTVT (đã sai sót trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự toán); VEC (đã quản lý vốn không chặt chẽ) và tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI (đã vận dụng định mức trong việc lập dự toán không đúng quy định).
 
Theo thông tin mới nhất được VEC phát đi về dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, hồ sơ nghiên cứu khả thi của dự án đã được hoàn thành năm 2004 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Ngày 20/4/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc đầu tư dự án với tổng mức đầu tư là 3.733,3 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
 
Tuy nhiên, do nguồn ngân sách Nhà nước gặp khó khăn, nên dự án đã chuyển sang hình thức đầu tư bằng vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành. Do có nhiều biến động khác nhau, đến năm 2007 dự án điều chỉnh được phê duyệt có tổng mức đầu tư là 7.723 tỷ đồng và năm 2010 là 8.974 tỷ đồng.
 
Ông Đỗ Chí Chung cho biết, đến nay, dự án vẫn chưa quyết toán nên chưa đưa ra được con số chi phí cụ thể đối với dự án, song ông Chung cũng bật mí, có thể nằm dưới con số đã phê duyệt của năm 2010 là 8.974 tỷ đồng. Nhưng khi PV đặt câu hỏi, có phải khi KTNN vào làm rõ, công bố con số thì VEC mới nói rằng chi phí cụ thể thấp hơn không? Ông Chung cười, xin không bình luận về câu hỏi của PV. Song, ông Chung giải thích cái sự xin phê duyệt tổng mức đầu tư cao là vì dự án nào cũng thế, xin chênh lên để nếu phát sinh nhiều thì không phải chỉnh sửa, xin phép, mất thời gian. Vấn đề đặt ra là, nếu KTNN không vào cuộc, không đưa những con số ra, liệu chi phí cụ thể của dự án này có thấp hơn 8.974 tỷ đồng như ông Chung bật mí hay không, hay lại vừa bằng số tiền đã phê duyệt?
 
Được biết, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có sáu làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100 - 120km/h. Dự án thực hiện theo hình thức BOT với mức phí mà VEC đang thu trên đầu phương tiện là 70.000 đồng/lượt, riêng xe tải - container từ 100.000 đồng đến 280.000 đồng/lượt. Tiền phí thu cao là vậy, nhưng chất lượng đang khiến nhiều người thường xuyên tham gia giao thông trên cung đường này phải đặt câu hỏi, nó có xứng đáng cho việc đội giá 5.200 tỷ đồng?
 
Ông Đỗ Chí Chung - Chánh văn phòng VEC thừa nhận, trong quá trình khai thác, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, một số vị trí có hiện tượng lún cục bộ ở vị trí đầu cầu, đầu cống. VEC đã thực hiện bù lún bằng bê tông nhựa từ tháng 12/2013. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, bộ GTVT cũng cho biết, các vị trí đầu cầu, đầu cống và hai đoạn tuyến đã được bù lún bằng bê tông nhựa. Đồng thời, VEC vẫn đang tiếp tục theo dõi độ lún và tình trạng mặt đường để sửa chữa kịp thời (nếu có).   
 
Theo Vương Trần (Đời sống & Pháp luật)

No comments:

Post a Comment