Thursday, March 27, 2014

Doanh nghiệp: Không “bôi” thì không “trơn”


 Công khai, minh bạch và có cơ chế giám sát sẽ mất dần phí “bôi trơn” trong các dự án bất động sản. Ảnh: HTD
Công khai, minh bạch và có cơ chế giám sát sẽ mất dần phí “bôi trơn” trong các dự án bất động sản. Ảnh: HTD

Hai "cửa" mà doanh nghiệp bất động sản phải "bôi trơn" nhiều nhất: Quy hoạch và cấp phép xây dựng.

Phí “bôi trơn” dự án luôn được xếp vào phạm trù “chuyện nhạy cảm, tế nhị” ngại nói ra mặc dù hiếm ai phủ nhận là không có. Là một người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đã thẳng thắn chia sẻ về vấn đề này.
Hệ quả của sự thiếu minh bạch
- Qua nhiều sự vụ bị lộ vừa qua cho thấy phí “bôi trơn” có thể lên đến con số khủng khiếp, tính bằng triệu đô mà doanh nghiệp “biếu” cho người có chức vụ, quyền hạn. Nhưng có ý kiến cho rằng chưa chắc các doanh nghiệp phải cắn răng đưa trong tư thế bị ép buộc mà ngược lại họ còn thích khoản chi này?
Doanh nghiệp: Không “bôi” thì không “trơn” (1)
 
Ông Nguyễn Văn Đực: Ý kiến này cũng đúng. Sở dĩ các doanh nghiệp chấp nhận chi khoản “bôi trơn” lớn như thế là vì nhằm đạt được một lợi nhuận còn lớn hơn nhiều. Hoặc họ sẽ được những điều mà các chủ đầu tư khác không được nên họ chủ động và đề nghị gửi khoản phí này. Doanh nghiệp vì lòng tham nên cũng phải chấp nhận trả một cái giá để được việc. 
Trong khi người cầm cân nảy mực hoặc là đã quen làm khó hoặc bị mê hoặc bởi đồng tiền nên hai bên gặp bắt tay nhau. Thực tế mà nói khó ai từ chối khoản phí quá hấp dẫn. Chẳng hạn đề nghị lần một năm chục ngàn đô thì có thể lắc đầu được nhưng khi số tiền thành 200.000 đô thì người ta bị “rung rinh” ngay.
Ngoài ra, những khoản “bôi trơn” tuy không phải bằng tiền mà còn hiệu quả và đôi khi đắt hơn nhiều nhắm vào tâm lý, hoàn cảnh, niềm đam mê, sĩ diện và thỏa mãn quyền lực con người thì lại càng dễ bị lung lay. Trong phi vụ này thì hai bên là người có lợi, cùng được việc. Chỉ có quyền lợi của xã hội là bị xâm phạm.
Nhưng có ý kiến nói rằng phí “bôi trơn” chỉ toàn là những chuyện tin đồn, khó kiểm chứng, khó xác thực vì khi có yêu cầu địa chỉ cụ thể thì đố ai chỉ được?
Xã hội không minh bạch nên mới như vậy. Nếu không ai khai ra mà cả hai bên nhận và gửi hối lộ đều im lặng thì quả thật không ai biết hay giám sát được. Đồng tiền đi vào, đi ra như thế rất mù mờ. Trong khi đó ở những xã hội minh bạch, đồng tiền lưu chuyển sai địa chỉ là bị chụp ngay. Những vụ việc bị phanh phui về những khoản “bôi trơn” cho chính quyền Việt Nam trong thời gian qua đều xuất phát lời khai của phía Nhật, Úc là vậy.
Hai khâu phải “bôi trơn” ở dự án bất động sản
Đối với một dự án bất động sản, doanh nghiệp gặp khó khăn với cửa nào nhất nên phải “biết điều nhất”?
Trường hợp đấu thầu đấu giá thì tôi không rõ. Nhưng nếu doanh nghiệp trong nước tự đi thỏa thuận nhận chuyển nhượng để làm dự án kinh doanh như chúng tôi thì nằm ở hai khâu liên quan đến các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và cấp phép xây dựng. Các nơi còn lại thì cũng phải qua thủ tục nhưng đỡ hơn như TN&MT, GTVT…
- Ông có thể nói rõ hơn?
Đối với dự án bất động sản khi đã có đất rồi thì quan trọng nhất là các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Điển hình là mật độ xây dựng và quy mô dân số. Mật độ xây dựng dự án cho phép năm hay sáu, bảy sẽ dẫn đến chênh lệch rất lớn về hiệu quả kinh tế. Hoặc dân số, 1.000 người hay 1.500 người thì sẽ quy ra số căn hộ tại dự án, mà căn hộ là tiền. Đã có thời kỳ khi bất động sản đang sốt, tôi còn nghe chuyện doanh nghiệp xin tăng thêm một tầng là một, hai trăm ngàn đô.
 Xin phép được hỏi thẳng việc này cũng không loại trừ với doanh nghiệp ông?
Tôi nghĩ không có doanh nghiệp nào dám khẳng định mình không “dính chàm” nhưng mức độ như thế nào thôi. Nói thẳng, tỉ lệ cho cái gọi là khoản phí “bôi trơn” ở công ty tôi là không quá 1% tổng mức đầu tư dự án. Một phần vì chúng tôi không tìm ra tiền để gửi nhiều hơn. Một phần là công ty tôi cũng không có chủ trương đi xin xỏ chỉ tiêu nhiều hơn mức được phép, nếu thêm được chút đỉnh thì tốt, còn không cho thì thôi.
Với doanh nghiệp tôi, chi phí này có ý nghĩa là quà bồi dưỡng, mang tính tình nghĩa và nhờ đẩy nhanh thời gian giải quyết thôi. Nó giống thực phẩm chức năng, vitamin A, B gì đó chứ không phải là thuốc đặc trị như một số nơi khác. Tại các doanh nghiệp khác, tôi được biết khoản này có khi lên đến 20%-30%!
Không “bôi trơn” thì… không trơn
- Giả sử tình huống doanh nghiệp không chi một đồng nào cho cán bộ, công chức có thẩm quyền mà làm theo đúng quy định thì ông nghĩ rằng liệu có xong việc không?
Có lẽ hơi khó hoặc sẽ rất gian nan. Tôi vẫn nghĩ rằng nếu khoản bồi dưỡng nhiều hơn thì việc được giải quyết nhanh hơn và theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Ông nghĩ rằng có phải do tiền lương cho cán bộ, công chức nhà nước quá thấp nên phát sinh tham nhũng, nhận hối lộ không?
Nói vậy thì cũng không hẳn, điều đó chỉ diễn ra ở cấp thấp. Còn những vụ động trời triệu đô thì người nhận toàn là quan lớn và quá giàu. Tham nhũng, hối lộ từ đâu có? Một phần do cơ chế chính sách luật lệ chưa rõ, muốn được hay không, được nhiều hay ít thì tùy người có quyền. Một khi quyền lực tập trung không hạn chế mà không có cơ chế phản biện, giám sát hiệu quả thì tất yếu sẽ dẫn đến lợi dụng, lạm dụng nó thôi.
Xin cảm ơn ông.
                                                                                                                                  Theo Cẩm Tú
Phapluat 

No comments:

Post a Comment