Friday, March 21, 2014

Tham nhũng làm hủy hoại sự tôn trọng pháp luật của doanh nghiệp

Thứ bảy, 22/3/2014 11:14 GMT+7
TN-Báo cáo CPI 2013 dành một phần lớn để truyền đi thông điệp: Tham nhũng làm doanh nghiệp thích lách luật. Tình trạng sẽ cải thiện nếu họ được lắng nghe trong quá trình xây dựng chính sách.

Quan ngại về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp


Theo cuộc điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2013 của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, 41% trong tổng số 8000 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam trả lời bảng lấy ý kiến đã đồng ý với mục “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp khá phổ biến”.

VCCI nhận định, tham nhũng làm hủy hoại sự tôn trọng của doanh nghiệp đối với pháp luật. Bởi người dân và doanh nghiệp thường liên tưởng việc phải tuân thủ pháp luật là bị đòi hối lộ, hơn là vì lợi ích chung của xã hội. (Điều này khá dễ hiểu, nếu chúng ta liên tưởng tới việc bị cảnh sát giao thông tuýt còi khi vi phạm luật giao thông).

Năm 2010 tại TP.HCM một bé gái bị điện giật từ cây ATM rò rỉ. Một tuần sau, cơ quan chức năng phát hiện ra 14% trong tổng số 866 cây ATM trên địa bàn này không được đóng dây tiếp đất đúng quy định và có nguy cơ rò điện.

Câu chuyện về rò rỉ điện ở cây ATM được báo cáo PCI 2013 của VCCI dẫn ra như là một dấu hiệu cho thấy một hiện tượng ở quy mô lớn hơn đang diễn ra: ngày càng khó giảm thiểu những tác động tiêu cực của doanh nghiệp đối với môi trường và cộng đồng. 

Báo cáo cho rằng, vấn đề không phải là thiếu quy định pháp luật, mà chính là khả năng thực thi yếu kém và năng lực hạn chế của cơ quan quản lý, khiến cho nhiều cá nhân và doanh nghiệp thường xuyên lách luật bởi họ biết khả năng bị phát hiện là rất ít.

Doanh nghiệp sẽ tôn trọng pháp luật hơn, nếu…

Báo cáo PCI 2013 đưa ra và kiểm nghiệm giả thiết rằng, việc đối thoại mang tính rộng rãi và được thể chế hóa hơn giữa doanh nghiệp và chính quyền sẽ góp phần nâng cao việc tuân thủ pháp luật. 

Các giải pháp bao gồm: Các diễn đàn đối thoại giữa DN và chính quyền; quy định về thời gian lấy ý kiến công khai đối với dự thảo và luật định; thành lập ban soạn thảo gồm DN và hiệp hội; thành lập văn phòng đoàn đại biểu QH của tỉnh để đại biểu tiếp xúc với cử tri của tỉnh; các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa quan chức địa phương.

Từ số liệu khảo sát PCI, nhóm nghiên cứu của VCCI chỉ ra rằng các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật khi họ tham gia xây dựng pháp luật. “Thái độ của doanh nghiệp đối với các cơ quan nhà nước  chỉ thực sự tích cực khi cơ quan nhà nước quan tâm và phản hồi ý kiến doanh nghiệp.”

Đây cũng chính là thông điệp chính sách của báo cáo PCI năm nay: “Các cơ quan nhà nước ở Việt Nam cần tăng cường tham vấn doanh nghiệp, công khai phản hồi những đề xuất góp ý của doanh nghiệp, điều này ảnh hưởng đến mức độ thực hiện pháp luật nghiêm chỉnh của doanh nghiệp.”

Uyên Lê
Theo ttvn.vn

No comments:

Post a Comment