Friday, August 15, 2014

Vỡ mộng khi qua Trung Quốc lao động “chui”


(Dân trí) - Những tưởng sang xứ người sẽ kiếm được một công việc tốt với thu nhập kha khá để cải thiện cuộc sống, nhưng hầu hết những lao động sang Trung Quốc "chui" đều vỡ mộng khi đặt chân trên đất khách.

Ác mộng nơi xứ người
Những năm gần đây, con đường đi lao động “chui” sang nước ngoài không còn quá khó khăn. Đối với lao động trái phép sang Trung Quốc cũng vậy. Chỉ cần bỏ ra một số tiền cho đối tượng môi giới là có thể tìm đường dây để đi. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây, số người lao động trái phép sang Trung Quốc tăng đáng kể.
Đa số những lao động này thường không có việc làm ổn định tại địa phương. Sau khi được “mồi chài” của đối tượng môi giới về một tương lai tươi sáng như công việc không quá vất và mà mức lương lại hấp dẫn khiến cho rất nhiều người tin rồi bỏ quê để đến xứ người mưu sinh. Nhưng hầu hết những người trở về đều vỡ mộng, có người mỗi lần nhớ lại những ngày tháng bôn ba ở đất khách mà không khỏi hãi hùng.
Anh Nguyễn Văn Đoàn mỗi lần nhớ về chuyến đi lao động chui vẫn cảm thấy hãi hùng
Anh Nguyễn Văn Đoàn mỗi lần nhớ về chuyến đi lao động "chui" vẫn cảm thấy hãi hùng
Sau nhiều năm lặn lội mưu sinh khắp trong Nam ngoài Bắc, công việc vẫn không đâu vào đâu, đang trong lúc thất nghiệp, được một người quen ở dưới quê giới thiệu qua Trung Quốc đi thu hoạch hoa quả, lương cao lại nhàn hạ, anh Đới Sỹ Tiến (SN 1985, ngụ xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) đồng ý đi ngay.
Để được sang xứ người làm thuê như lời giới thiệu, anh Tiến đã phải bỏ ra 5 triệu đồng để lo tiền tàu xe qua cửa khẩu. Nhưng chỉ hơn 1 tháng làm việc khổ nhục, bị bắt bớ, đánh đập, cuối cùng anh bị cảnh sát bắt rồi trở về với hai bàn tay trắng.
Nhớ lại ngày đó, anh Tiến kể: “Sang tới Trung Quốc, tôi cùng với 5 người nữa được đưa lên một con tàu rồi đưa ra biển đi đánh cá chứ không phải đi thu hoạch hoa quả. Họ hứa sẽ trả cho chúng tôi 8 triệu đồng/tháng (bao ăn uống, ngủ nghỉ). Nhưng do ở miền núi, không quen với việc đi biển nên tôi thường xuyên say sóng, không làm được công việc của người đi biển và bị chủ tàu đánh đập thường xuyên. Họ còn dọa nếu không chui làm họ sẽ ném xuống biển. Làm được gần 1 tháng, chúng tôi vào bờ đổ hàng và tiếp nhiên liệu chuẩn bị đi chuyến khác thì cảnh sát ập đến bắt. Bị nhốt hơn 1 tháng tại trại tị nạn, tôi mới được thả tự do về nước với 2 bàn tay trắng”.
Cũng theo anh Tiến thì qua Trung Quốc “làm chui” rất dễ, chỉ cần một cuốn hộ chiếu, sau đó xuất cảnh qua Trung Quốc như đi du lịch, mọi lứa tuổi đều có thể đi. Sang đó sẽ có “cò” đợi sẵn và đưa người lao động đến những nơi họ đã nhắm trước. “Hầu hết người lao động đều bị lừa khi qua Trung Quốc bởi công việc rất nặng nhọc mà có thể bị đuổi, đánh đập. Thậm chí có thể bị giết” – anh Tiến nói.
Cũng ôm mộng qua xứ người, sau gần 7 tháng “làm chui” ở bên kia biên giới, anh Nguyễn Văn Đoàn (ngụ thôn Minh Hải, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc) trở về với những ám ảnh ghê gớm.
Đầu năm 2013, sau khi ăn Tết xong anh được một số bạn bè cho biết qua Trung Quốc làm thuê được trả lương cao, công việc cũng không cực lắm. Trong lúc không có việc, nhà lại có tới 6 khẩu ăn, nên anh Đoàn đồng ý đưa 7 triệu đồng cho một người môi giới rồi sang Trung Quốc làm thuê cho một xưởng sản xuất dao. Ông chủ nói sẽ trả cho 6 triệu đồng, ăn ở đi lại người lao động phải tự lo.
“Tại xưởng làm dao này chỉ có mình tôi là người Việt nên ngôn ngữ bất đồng, thành thử không biết chỗ mình đang làm là ở đâu, không liên lạc được với người thân. Tuy nhiên làm được hơn 1 tháng thì cơ sở của chúng tôi bị cảnh sát kiểm tra, tôi bị bắt vì không có giấy tờ lao động hợp pháp và bị nhốt khoảng 1 tháng rưỡi thì được thả về Việt Nam. Khi về đến nhà, gặp được người thân, tôi mới biết mình đang còn sống, giờ có chết tôi cũng không bao giờ qua bên đó nữa” – anh Đoàn nói.
Lao động chui vẫn tăng đáng kể
Nắm được tâm lý của người lao động đang không có việc làm, nhiều người môi giới đã đưa ra những lời mời hấp dẫn rồi lừa người dân qua Trung Quốc đi lao động phi pháp, thậm chí có người còn bị lừa bán qua Trung Quốc làm vợ, đẻ thuê.
Điển hình như vụ Tiểu đội Cảnh sát cơ động (Công an Thanh Hóa) giải cứu 2 chị em N.T.P (SN 1990) và N.T.H (SN 1983, ngụ xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương) bị lừa bán sáng Trung Quốc ép lấy chồng, đẻ thuê vào tháng 11/2013. Cũng trong năm 2013, Công an huyện Quảng Xương cũng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 2 vụ đưa người đi lao động trái phép đối với Nguyễn Thị Tuyết (SN 1970, trú xã Quảng Thạch) và Đỗ Văn Sáu (SN 1969, trú xã Quảng Chính) về hành vi tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép.
Theo ông Vũ Huy Đăng, Chủ tịch UBND xã Minh Lộc thì việc người dân qua Trung Quốc làm chui ở địa phương ngày một tăng cũng là điều dễ hiểu bởi mấy năm nay, nghề đi biển bấp bênh nên công việc không có, nhu cầu lao động trong nước ít nên người dân phải tìm việc ra nước ngoài.
Anh Nguyễn Văn Đoàn mỗi lần nhớ về chuyến đi lao động chui vẫn cảm thấy hãi hùng
Cuộc mưu sinh của người dân quê biển gặp nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân khiến những nơi này có người đi lao động "chui" càng nhiều
Báo cáo mới nhất của Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội huyện Hậu Lộc, tính đến ngày 31/5, huyện này đã có tới 824 người đi lao động trái phép ở Trung Quốc, tập trung hầu hết ở các xã ven biển như Ngư Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc… Đến thời điểm thống kê, đã có gần 500 người đã về nước.
Ông Nguyễn Văn Luệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết hiện huyện đang tích cực phối hợp với các xã ngăn chặn không cho lao động qua Trung Quốc lao động trái phép, tuyên truyền vận động người dân hiểu được những nguy hiểm khi đi lao động “chui”.
“Đây là bài toán rất nan giải, bởi nếu ở địa phương không tạo được nhu cầu việc làm cho người lao động thì không có việc ắt họ sẽ phải đi, nên huyện đang cố gắng tạo việc làm tại địa phương và có biện pháp xử lý những đối tượng “cò”, “môi giới” lao động trái phép” – ông Luệ nói.
Trong báo cáo mới đây nhất của UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện tỉnh này đang có khoảng 5.000 lao động đang làm "chui” bên Trung Quốc. Con số này cao hơn rất nhiều so với thống kê của UBND tỉnh này. Trước đây, số người qua Trung Quốc “chui” chỉ tập trung ở các huyện ven biển, nhưng hiện nay 27 huyện thị, thành phố ở Thanh Hóa đều có người sang Trung Quốc lao động trái phép.
Nguyễn Thùy

No comments:

Post a Comment