(Dân trí) - Tượng đài “Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng” được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của dân quân đã bắn rơi máy bay Mỹ. Tuy nhiên, tượng đài này không ghi danh các cụ mà lại đề tên đơn vị tài trợ, thi công, hội đồng nghệ thuật…
Tưởng nhớ công lao các "cụ lão dân quân anh hùng"
Tượng đài “Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng” được xây dựng tại trung tâm xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa từ tháng 11/2011 và khánh thành ngày 25/1/2013 với tổng kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng. Đơn vị tài trợ chính là Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Khu tượng đài bao gồm các công trình: Tượng đài cao 17,1m, nặng 170 tấn được đặt trên khối bê tông cốt thép cọc chịu lực. Hình mẫu tượng đài "Lão dân quân anh hùng Hoằng Trường".
Tượng đài “Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng” tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa
Khuôn viên tượng đài rộng 12.131m2 bao gồm công viên, cây xanh và hai nhà lưu niệm. Đây là công trình để tri ân những đóng góp to lớn, sự hi sinh cao cả của 18 cụ lão dân quân xã Hoằng Trường. Chính các cụ là những người đã góp sức 2 lần liên tiếp bắn rơi máy bay Mỹ vào năm 1967. Chiến thắng vang dội của các cụ lão dân quân Hoằng Trường đã được cả nước biết đến và trở thành đơn vị “Lão quân” đầu tiên và duy nhất trên miền Bắc bắn rơi máy bay phản lực Mỹ bằng súng bộ binh. Chính vì thế, vào ngày 18/10/1967 Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi Trung đội lão dân quân Hoằng Trường.
Hai tấm bia dưới chân tượng đài đề tên trang trọng nhà tài trợ, thi công, thiết kế và hội đồng nghệ thuật
Trong thư Bác Hồ viết: “Tôi rất vui mừng được tin, vào ngày 14/10 (1967) vừa qua các cụ đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 bằng súng bộ binh. Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược… Chúc các cụ khỏe mạnh, tiếp tục sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, lập những chiến công mới”.
Vinh danh… những người xây tượng?
Tượng đài “Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng” được xây dựng xong và khánh thành hơn một năm nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có nhiều ý kiến trái triều liên quan đến tượng đài này. Tượng đài được xây dựng để tưởng niệm công lao to lớn của các cụ lão dân quân sao không đề tên các cụ?
Một bức phù điêu phản ánh cuộc sống sản xuất, chiến đấu của các cụ Lão dân quân Hoằng Trường dưới chân tượng đài chính
Theo đó, cả một công trình tượng đài to lớn và hoành tráng lại không hề ghi danh 18 lão dân quân anh hùng đã dũng cảm bắn rơi máy bay Mỹ. Đặc biệt là tại hai tấm biển được đặt ngay dưới chân tượng đài chỉ đề tên: Nhà tài trợ, nhà thiết kế, hội đồng nghệ thuật…
Tấm bia bên trái ghi rõ tên: Nhà tài chợ chính, tác giả tượng đài, đơn vị thiết kế... Còn tấm bia bên phải ghi danh 11 người trong Hội đồng nghệ thuật.
Xung quanh dưới bức tượng đài chính có 4 bức phù điêu rộng 84m2 làm bằng chất liệu đá được chạm khắc tinh xảo cũng thể hiện công lao của các bô lão cùng các chiến sĩ pháo binh và Trung đội nữ dân quân Hoằng Trường, Hoằng Hải, dân quân Nam Ngạn (Hàm Rồng).
Các bức phù điêu này cũng mang ý nghĩa phản ánh cảnh chiến đấu dũng cảm của các cụ lão quân, hình ảnh 2 máy bay của giặc Mỹ bị bắn rơi, cảnh nhân dân vui mừng hò reo chiến thắng... nhưng cũng không có tên dẫn giải.
Tấm bia ghi danh 18 cụ lão dân quân được đặt ngay giữa nghĩa trang liệt sỹ Hoằng Trường
Bức thư khen của Bác Hồ dành cho Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường được khắc đặt tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hoằng Trường
Anh Nguyễn Văn Dũng - du khách từ Hà Nội vào Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) nghỉ mát, đến tham quan tượng đài, chia sẻ: “Tôi từng nghe đến chiến công của các cụ lão dân quân ở đây, các cụ chỉ dùng súng 12ly7 mà bắn rơi được máy bay Mỹ. Nhân dịp vào đây du lịch nên tôi đến tham quan tượng đài này. Tôi thấy hầu hết các tượng đài đều đề tên tượng đài, bia đá khắc chiến tích… nhưng ở đây lại không có. Nhiều người đến đây tham quan cũng thắc mắc về điều này”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Thanh Cảnh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Sau khi khánh thành, tượng đài được huyện giao cho xã Hoằng Trường trực tiếp quản lý theo quy chế của UBND huyện ban hành. Sự việc PV phản ánh đúng là thực tế, là do chưa làm, hiện đang làm. Chúng tôi đang phối hợp với trung tâm triển lãm của tỉnh để làm những nội dung kèm theo. Việc này do kinh phí, có những cái đầu tư làm trước, có những cái làm sau…”.
Lý giải về việc tượng đài không có tên, ông Cảnh cho hay: “Tượng đài có tên từ lúc khánh thành nhưng mới bị rơi chữ nên chúng tôi đã cho người gỡ xuống tuần trước. Hiện đang khắc phục. Hai tấm bia dưới chân tượng đài là không nằm trong thiết kế, cái này do hội đồng nghệ thuật họ đặt”.
Thái Bá
No comments:
Post a Comment