Friday, August 15, 2014

Cuộc sống khốn khó của người tị nạn Ukraine


Sống vạ vật trong lều hoặc đi ở nhờ, không tiền, không việc làm là tình cảnh chung của những người dân Ukraine đang phải tị nạn khi cuộc chiến chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Anna Hulevych đứng trước căn lều dưới chân núi Koshka ngoại ô thị trấn Simeiz thuộc bán đảo Crimea. Cách đây 2 tháng, huấn luyện viên yoga này đã tới đây chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh ở Donetsk
Anna Hulevych đứng trước căn lều dưới chân núi Koshka ngoại ô thị trấn Simeiz thuộc bán đảo Crimea. Cách đây 2 tháng, huấn luyện viên yoga này đã tới đây chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh ở Donetsk
Cho dù có chuyển đến Nga, bán đảo Crimea hay nhiều vùng khác ở Ukraine, gần 300.000 người phải di tản vì chiến tranh nhận thấy họ phải tự lực cánh sinh.
Anna Hulevych, huấn luyện viên yoga 31 tuổi mang thai 6 tháng hiện phải sống trong một căn lều rách nát, tồi tàn dưới chân núi Koshka ngoại ô Simeiz, thị trấn với 3.000 dân nằm ven bờ biển phía nam bán đảo Crimea. Quanh lều cô ở, những mảnh nilon được căng trên cành cây che mưa, nắng; một chiếc võng móc vào cái cây gần đó còn chai nước và túi đồ đạc mang theo chất đầy bên ngoài.
Cách đây 2 tháng, cô chạy khỏi Donetsk. Hulevych không ủng hộ lực lượng ly khai đang làm chủ thành phố này, nhưng cũng không bao giờ nghĩ tới việc nhờ cậy sự giúp đỡ từ chính phủ Ukraine.
"Chính phủ thường chẳng giúp ích được gì. Chúng tôi đã quen với việc tự xoay sở", Hulevych nói.
Trước khi ra đi, Hulevych chỉ kịp vơ chút đồ đạc cá nhân và đến sống ở gần bờ biển nhiều đá thuộc bán đảo vừa sáp nhập về Nga. Vài tuần một lần, Hulevych lại vượt núi để ra tới đường cái và đi bộ vào thị trấn mua thực phẩm hay sạc điện thoại di động trong nhà vệ sinh công cộng.
Dù điều kiện sống có khó khăn thế nào chăng nữa thì với Hulevych, cuộc sống hiện tại còn an toàn hơn là ở Donetsk.
Theo Liên Hợp Quốc cùng nhiều tổ chức khác, có ít nhất 285.000 người phải thay đổi chỗ ở vì chiến tranh. Phần lớn trong số họ tới Nga hay Crimea trong khi có khoảng 117.000 người rời thành trì Donetsk và Luhansk đến nhiều vùng sâu trong lòng Ukraine.
Crimea là một trong những điểm đến của người tị nạn, nhất là các gia đình ủng hộ Nga. Tuy nhiên khó khăn về tài chính đang chờ họ phía trước. Với mức lương trung bình hàng tháng ở khu vực miền đông Donbas của Ukraine là 290 USD năm 2013, nhiều gia đình không có tiền tiết kiệm và phải sống nhờ vào bạn bè hay người thân.
Tháng 6 vừa rồi, lúc Hulevych đến Crimea, cô thuê một căn phòng trong vòng một tuần nhưng sau đó giá thuê tăng lên buộc huấn luyện viên yoga này phải chuyển ra sống ở lều. Cô quảng cáo mở lớp dạy yoga cá nhân nhưng chẳng có khách hàng nào đăng ký học.
Với nhiều người Ukraine, di chuyển từ vùng này tới vùng khác trong nước là một trải nghiệm mới. Năm 2012, cuộc thăm dò ý kiến do Viện Xã hội Quốc tế Kiev thực hiện cho thấy khoảng 36% người Ukraine chưa bao giờ đi đâu khỏi nơi họ sống.
Gia đình của bà Maryna Yakushev, 52 tuổi, đứng về phía nước cộng hòa tự xưng Donetsk nhưng cũng vừa phải bỏ xứ mà đi vì sợ quân đội Ukraine có thể sẽ sớm vào thành phố và trả thù.
Vì thế hôm 6/8, bà cùng con gái và con rể đến thành phố cảng Sevastopol phía tây nam bán đảo Crimea. Tại đây họ có nhiều bạn bè nhưng lúc đến đó, gia đình bà Yakushev không thể liên lạc được với ai vì nhà mạng MTS của Ukraine không hoạt động ở Crimea. Do đó, gia đình họ quyết định đến thành phố Tula, Nga vì sợ phải quay về.
"Chúng tôi sẽ đi bất cứ nơi đâu, chỉ cần không phải quay về Ukraine. Bạn bè ở Tula hứa cho ở nhờ và giúp chúng tôi tìm việc làm. Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả lau sàn nhà nếu cần", bà Yakushev tâm sự.
Ở Crimea, bà Yakushev đã tới cầu cứu cơ quan nhập cư nhưng nhận được câu trả lời là không giúp được gì cả. Nhiều người dân địa phương cũng cố gắng giúp họ. Một trong số này là ông Gleb Yakushin ở Tổ chức phi chính phủ cộng đồng người Nga có trụ sở tại thành phố Sevastopol. Kể từ tháng 4, tổ chức của ông đã quyên góp thực phẩm và tìm chỗ ở giúp 500 người tị nạn. Ông cho hay, điều kiện sống hiện tại khá khó khăn khi 18 người ở chung trong một căn hộ có hai phòng suốt 3 tuần.
"Chính quyền cho phép nhiều người tị nạn tới Nga và thu xếp chỗ ở cố định cho họ nhưng những người này lại muốn trở về nhà, vì thế họ từ chối", ông Yakushin nói.
Trở về nhà ở Donetsk cũng là kế hoạch của bà Albina Artiomenkova, 46 tuổi. Bà cùng con trai, con dâu đang có bầu và đứa cháu ngoại 5 tuổi đã chạy khỏi thành phố Donetsk. Hiện họ sống cùng bố mẹ bà Artiomenkova trong căn hộ hai phòng ở ngoại ô thành phố Sevastopol.
Trong khi mấy mẹ con, bà cháu di tản thì chồng bà Artiomenkova vẫn ở lại Donetsk để trông nom nhà cửa. Sợ bị cướp bóc của cải nên người thân của bà Yakushev và Hulevych quyết không đi đâu.
"Khi mọi chuyện bắt đầu, có một thực tế ở Donetsk là nhiều người ủng hộ Nga. Trong số những người tôi biết, có lẽ chỉ khoảng 10% đứng về phía chính phủ ở Kiev. Nhưng chiến tranh xảy ra làm thay đổi tất cả, mọi người nhận thấy rằng Nga cũng chẳng làm được gì cho họ", bà Artiomenkova chia sẻ.
Người phụ nữ trên cho biết hiện giờ ủng hộ Ukraine và mỗi lần xem tin tức trên kênh truyền hình của Nga, bà thường nói là "phía Nga". Bà Artiomenkova hy vọng sẽ được trở về nhà ở Donetsk càng sớm càng tốt.
Còn với Hulevych, cô không chắc chắn lắm khả năng được trở về sớm. Nhiều công ty ở Donetsk đã rút khỏi thành phố, chất lượng cuộc sống đang đi xuống khiến những bài tập yoga của cô trở thành nhu cầu xa xỉ với nhiều người trong khu vực thành phố từng có một triệu dân.


No comments:

Post a Comment