Đó là câu chuyện “cười ra nước mắt” diễn ra tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM (ĐHCN TPHCM) cơ sở tại xã Quảng Tâm (TP Thanh Hóa)…
Tại đây, nhiều người có giấy báo trúng tuyển vào học bậc cao đẳng (CĐ) điều dưỡng khóa 13 của trường, nhưng khi tốt nghiệp, các sinh viên này lại được cấp bằng… trung cấp, gây bức xúc đối với sinh viên, phụ huynh và dư luận tại Thanh Hóa.
Sinh viên bức xúc, bất bình
Theo đơn khiếu nại của gia đình em Lê Thị L. (trú tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa)- là SV lớp CĐ điều dưỡng khóa 13, vào năm 2011 gia đình nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐHCN TPHCM cơ sở tại Thanh Hóa, bậc CĐ hệ chính quy tập trung, chuyên ngành điều dưỡng khóa 13, niên khóa 2011- 2014.
Khi có giấy báo nhập học, phía dưới có đóng dấu đỏ và chữ ký của ông Tạ Xuân Tề, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường ĐHCN TP HCM. Nội dung giấy báo nhập học yêu cầu người trúng tuyển phải có mặt tại cơ sở Thanh Hóa để làm thủ tục nhập học, có bản sao giấy khai sinh, học bạ, bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, giấy báo trúng tuyển.
Học phí kỳ I là 105.000 đồng/tín chỉ x 18 tín chỉ/học kỳ; lệ phí thư viện 100.000 đồng/năm, nội trú 150.000 đồng/tháng; lệ phí thẻ SV, sách giáo dục định hướng, sổ tay SV 100.000 đồng.
“Vui mừng, phấn khởi khi đỗ vào hệ CĐ của trường này, em mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục học liên thông lên ĐH để kiếm được việc làm, giúp đỡ bố mẹ.
Tuy nhiên, thật đáng buồn khi tốt nghiệp thì nhà trường lại cấp bằng trung cấp cho em, chứ không phải bằng CĐ như giấy báo trúng tuyển. Chẳng hiểu sao một trường ĐH như trường ĐHCN TPHCM sao lại hành xử như vậy”- em Lê Thị L. bức xúc.
Bên cạnh đó, nhiều SV khác của lớp CĐ điều dưỡng khóa 13 niên khóa 2011 – 2014 cũng bị cú sốc khi Trường ĐHCN TPHCM cấp bằng như trên.
Các SV rất bức xúc, bất bình, mất lòng tin vào nhà trường vì đã làm ảnh hưởng đến tương lai, sự nghiệp, kinh tế của gia đình các em. Nếu ngay từ đầu nhà trường thông báo nhập học hệ trung cấp thì các em không mất thời gian, công sức, tiền bạc để đi học như thế này.
Nhiều người có giấy báo trúng tuyển vào học bậc cao đẳng (CĐ) điều dưỡng khóa 13 của trường, nhưng khi tốt nghiệp, các sinh viên này lại được cấp bằng… trung cấp
Một SV cho biết: “Khi nhập học chúng em vẫn học theo chương trình của hệ CĐ. Đến ngày 22.8.2013 (gần 2 năm sau khi học), các em mới nhận được thông báo của nhà trường là không thể cấp bằng CĐ chính quy chuyên ngành điều dưỡng được, mà chỉ có thể cấp bằng trung cấp điều dưỡng. Như vậy có phải lừa SV không?”
Chưa có mã ngành vẫn đào tạo
Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, ông Lương Xuân Duyên, Trưởng cơ sở Trường ĐHCN TPHCM tại Thanh Hóa cho biết: “Năm 2011, việc trường thông báo tuyển sinh rồi có giấy nhập học hệ CĐ điều đưỡng đến các học sinh là có thật. Nhà trường cũng bỏ tiền tỷ ra đầu tư trang thiết bị để giảng dạy.
Tuy nhiên, khi chuyển giao giữa hiệu trưởng cũ (về nghỉ hưu) và hiệu trưởng mới, kiểm tra công tác đào tạo, mã ngành đào tạo CĐ điều dưỡng đang trình cấp trên, nhưng vẫn chưa có hồi âm”.
Các SV rất bức xúc, bất bình, mất lòng tin vào nhà trường vì đã làm ảnh hưởng đến tương lai, sự nghiệp, kinh tế của gia đình các em.
Ông Lương Xuân Duyên cho biết thêm: Để giải quyết những bức xúc của SV nêu trên, nhà trường đã gặp phụ huynh học sinh thông báo chưa có mã ngành đào tạo hệ CĐ điều dưỡng. Bên cạnh đó, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Thanh Hóa vào cuộc giải quyết vụ việc trên.
Cụ thể là các SV đủ điều kiện học tiếp hệ CĐ sẽ được nhà trường gửi sang Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa để đào tạo tiếp. Những SV không đủ điều kiện thì được cấp bằng trung cấp. Số SV học trung cấp, nhà trường sẽ bồi hoàn, hỗ trợ kinh phí học tập và một phần học phí đã học.
Số lượng được chuyển lên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa đào tạo tiếp là 15 em, số SV học trung cấp là 57 em, 7 em xin thôi học nhà trường bồi hoàn kinh phí toàn bộ.
Trường ĐHCN TP HCM cơ sở tại Thanh Hóa. Ảnh: An Bình.
Với cách đào tạo của Trường ĐHCN TPHCM như nêu trên, các em SV là nạn nhân mà chẳng biết kêu ai, vì quá tin vào những bài chiêu sinh của trường năm 2011.
No comments:
Post a Comment