(Baodatviet) - Thật là khốn nạn, không có cầu cũng phải làm xiếc, mà có cầu cũng phải làm xiếc, đương nhiên những chuyện này chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam.
Dân “làm xiếc” qua suối Ea Rếch (ảnh báo Thanh Niên)
|
Sau phát hiện chấn động về việc dân Tây Bắc qua suối bằng túi nilon, giờ đến lượt dân Tây Nguyên trổ tài qua suối bằng sợi cáp mỏng manh như làm xiếc. Làm xiếc cho ai xem, ai dám đem tính mạng mình ra làm xiếc? Nhưng không làm xiếc thì dân biết làm gì?
Nếu tính hai vụ “làm xiếc” ấn tượng gần đây nhất của dân Việt Nam, tôi xin kể ra hai vụ này. Một vụ may mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, còn một vụ đã khiến 26 người bị thương, đọc tin tức mà thấy vừa buồn, vừa đau, vừa chua chát.
Vụ thứ nhất là của những người dân nghèo ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), báo Thanh niên cho biết con suối Ea Rếch chảy qua thôn 7 và thôn 8, xã Ea Huar, H.Buôn Đôn đổ ra sông Sêrêpốk vào mùa này nước chảy xiết, lòng suối rộng hơn 15 m, sâu từ 3 - 4 m nước.
Phần lớn nương rẫy canh tác của hai thôn đều bên kia suối, muốn qua rẫy đi đường vòng tránh suối thì mất 15 km, người dân không còn cách nào khác là phải đu mình trên dây cáp thép nối hai bên bờ suối. Ở thôn 7 có một dây cáp, còn thôn 8 có hai dây kéo qua suối. Mỗi dây một đầu buộc vào một gốc cây rừng, đầu kia buộc vào cọc gỗ, chiếc giỏ sắt tạm bợ treo vào dây cáp bằng hai ròng rọc để di chuyển qua lại.
Xe chui qua gầm cầu vượt bị gạt bay trần.
|
Bài báo “Vượt sông như làm xiếc” viết, trước đây ở suối Ea Rếch cũng có cầu, nhưng cầu đã bị lũ cuốn trôi, chưa có kinh phí làm cầu, trên huyện thì bảo phải chờ. Hỏi Sở thì ông Phó Giám đốc Sở GTVT bảo qua thống kê thì cả tỉnh có đến 300 cây cầu phải làm lại, kinh phí chưa đủ, cũng phải chờ.
Và trên cái nhạc nền bài ca “dài cổ chờ kinh phí”, dân chả còn cách nào khác là làm xiếc mỗi ngày, mỗi ngày trình độ làm xiếc của dân lại càng thành thục hơn, dù thỉnh thoảng cũng có vài ca té xuống suối, ai biết bơi thì không sao, ai không biết bơi thì đành chép miệng, âu cũng là cái số.
Chuyện thứ hai, một lái xe khách đã có một tiết mục làm xiếc bất đắc dĩ ở xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) khi lái xe đi chui xuống dưới cầu vượt giáp ranh hai xã Vĩnh Hưng A và Vĩnh Hưng. Toàn bộ 42 hành khách bị hất văng xuống đất, 26 người bị thương, trần xe bay hoàn toàn.
Chiếc cầu vượt kỳ lạ này chỉ có độ cao giao thông tĩnh là 2,1m thôi, may mà ông Robert Pershing Wadlow - người đàn ông cao nhất trong lịch sử khi đạt tới chiều cao 2,72 m đã qua đời, chứ ông sang Việt Nam mà gặp phải cái cầu vượt này, chắc ông cũng có phen vỡ đầu mẻ trán.
Ông Ngô Hữu Dũng- Giám đốc Sở GTVT Bạc Liêu nói trên báo Tuổi trẻ: “Đã phê bình tổ đi kiểm tra vì trước đó có biển báo cho xe rẽ theo đường vòng, không đi thẳng qua gầm cầu vượt nhưng khi xảy ra tai nạn thì... mất biển báo này”.
Cũng theo ông Dũng, đối với tỉnh lộ đã có quy định về độ tĩnh không (trên 4,5m) nhưng với đặc điểm của địa phương mà làm cầu cao quá thì suất đầu tư cao, vì vậy đã hạ thấp tĩnh không cầu vượt, làm đường vòng cho các phương tiện lưu thông tránh cầu.
Nghe cứ như chuyện đùa, cầu đáng lẽ phải có độ tĩnh trên không 4,5m, nhưng vì để tiết kiệm chi phí đầu tư, chủ đầu tư bèn hạ béng độ cao xuống còn 2,1m, lựa chọn giải pháp “gọn nhẹ” bằng cách lắp biển báo cho xe đi vòng. Nhưng biển báo mất, thế là xe lao vào “làm xiếc” dưới cầu, hành khách văng ra tứ tung, bị thương la liệt, phải đưa vào bệnh viện.
Thật là khốn khổ khốn nạn, không có cầu cũng phải làm xiếc, mà có cầu cũng phải làm xiếc, đương nhiên những chuyện này chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam.
Đọc những tin tức thế này, tôi lại nhớ ra chuyện cách đây vài năm, lãnh đạo Trường Xiếc Việt Nam- ngôi trường mới đây có vụ thầy giáo ném cốc vào đầu thầy hiệu trưởng trong cuộc họp khoa ấy, đã kêu ca rằng trường rất khó tuyển sinh, học sinh giờ đây không còn mặn mà với xiếc.
Quý bạn đọc nghĩ mà xem, vì sao dân không còn mặn mà với nghệ thuật xiếc nữa? Là bởi vì dân ta hàng ngày vừa sống vừa phải làm xiếc thường xuyên đó rồi. Chui vào túi nilon qua suối, trượt cả người cả xe máy trên một sợi cáp mong manh qua suối, chui gầm cầu vượt “hạ độ cao vì tiết kiệm chi phí” người bay tứ tung… Còn cái gì mạo hiểm hơn được nữa mà họ không phải trải qua, cơn cớ gì họ phải vào trường xiếc mà khổ công học thêm vài năm nữa mới được đi diễn xiếc?
Cả xã hội nháo nhào làm xiếc, những cái phi lý nhất lại thành hợp lý nhất cũng nhờ do tài “làm xiếc”. Các chú “cò mồi” không những biết làm xiếc mà còn kiêm thêm cả tài của ảo thuật gia, dắt cả đoàn xe voi to lù lù qua trước mũi CSGT, CSGT vẫn bảo khăng khăng bảo chúng tôi không trông thấy gì hết đâu nhé. Đấy chả phải do thành quả của “làm xiếc” thì còn cái gì nữa?
Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ những người dân nghèo là khốn khổ nhất. Họ sung sướng cái nỗi gì khi phải mang tính mạng mình ra mà làm xiếc với dòng nước lũ? Họ chẳng bao giờ biết được những công trình chục tỷ, trăm tỷ bị bỏ hoang phơi mưa phơi nắng. Họ chỉ được biết mình không có cầu đi vì trên đang phải chờ kinh phí, đơn giản thế thôi.
Dân cứ yên tâm mà trổ tài làm xiếc nữa đi, làm xiếc cho giỏi vào. Tương lai dù có ra sao thì vẫn còn có cánh cửa trường xiếc giang tay đón nhận. Chả đi đâu mà thiệt.
- Mi An
No comments:
Post a Comment