Tuesday, August 5, 2014

PICS : Hàng cây cổ thụ ven hồ Thủ Lệ trước ngày bị đốn hạ


Hà Nội chặt hàng loạt cây cổ thụ để làm đường sắt nội đô
  /  Thiết kế ga ngầm của tuyến metro hơn một tỷ USD ở thủ đô

Hàng chục cây xà cừ gốc to gần hai người ôm, tán phủ rộng hàng chục mét trên đường Kim Mã, dọc hồ Thủ Lệ (Ba Đình) sắp bị đốn hạ để phục vụ dự án tàu điện Metro đầu tiên ở thủ đô.
Theo kế hoạch, để thi công thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 (tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội) và hai nhà ga số 8 (khu vực trước cổng Đại học Giao thông Vận tải) và ga trên cao đoạn qua khách sạn Deawoo, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị sẽ phải đốn hạ hơn 30 cây xà cừ cổ thụ được trồng từ dốc Voi Phục đến khách sạn Daewoo (đường Kim Mã, quận Ba Đình). 
 
Khu vực này từng được coi là lá phổi xanh của thành phố với nhiều cây cổ thụ nằm ven hồ và Công viên Thủ Lệ. Ông Lê Huy Hoàng, phó Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định với VnExpress"thành phố đã xem xét, cân nhắc rất kỹ các phương án, nhưng vẫn phải đốn hạ những cây này".
 
Hàng xà cừ với hàng chục năm tuổi, vừa tay hai người ôm, tán rợp bóng mát xuống đường Kim Mã sẽ không còn nữa khi dự án đường sắt đô thị đi qua đây trong thời gian tới.
 
Một cây đa cổ thụ tỏa bóng mát phủ cả hai làn đường Kim Mã (gần dốc Voi Phục).
 
"Làm đường sắt trên cao là hợp lý, tuy nhiên Hà Nội cần tính chi ly các phương án, để ít ảnh hưởng nhất tới hệ thống cây xanh ở đây", ông Đào Đình Tùng (ở tập thể Đại học Giao thông Vận tải) có 30 năm bán vé số ở khu vực này nói. Cũng theo ông Tùng, từ những ngày đầu tiên bán vé số, cách đây vài chục năm, những cây xà cừ này đã to lớn tỏa bóng mát và là nơi "nhiều người dân ra đây nghỉ trưa, tập thể dục, còn trẻ con thì vui chơi nhảy múa, giờ đốn hạ thì không biết bao nhiêu năm nữa mới trồng lại được những cây to bóng mát như thế này", ông Tùng trăn trở.
 
Trước cổng dẫn vào một trong số "Long Thành tứ trấn" - đền Voi Phục, những gốc xà cừ tỏa bóng mát. Tuy Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã thông báo kế hoạch, nhưng ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó giám đốc Công ty công viên cây xanh Hà Nội cho biết chưa nhận được thông báo về việc đốn hạ cây xanh này. Theo ông Hưng, hàng xà cừ ven công viên Thủ Lệ có đường kính trung bình khoảng 60 cm, tuổi đời trên dưới 40 năm. "Đốn hạ những cây xanh này là một sự lãng phí lớn vì sau này khi tuyến đường sắt hình thành sẽ không được trồng bất kỳ cây nào ở đây nữa", ông Hưng nhấn mạnh.
 
Theo Công ty công viên cây xanh, Hà Nội có trên 200.000 cây xanh, thuộc 150 loài, trong đó, riêng xà cừ có khoảng 56.000 cây và đa số được trồng 30 - 40 năm trước.
 
Để làm nhà ga trên cao đoạn trước cổng Đại học Giao thông Vận tải, trạm trung chuyển xe buýt sẽ được di chuyển sang hai phía sát Đại học Giao thông Vận tải và vườn thú Hà Nội để duy trì việc đón trả 50.000 khách cho 15 tuyến xe mỗi ngày.
 
Dự kiến, cây cầu đi bộ trước cổng Đại học Giao thông Vận tải cũng bị phá bỏ để nhường chỗ cho nhà ga trên cao. Cầu vượt bộ hành này được đưa vào hoạt động tháng 10/2007, với giá trị là 4,4 tỷ đồng.
 
Trước đó, để xây dựng dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội cũng chặt 23 cây xà cừ có đường kính rộng hơn một mét trên đường Láng, đoạn gần cây xăng Ngã Tư Sở.
 
Đoạn đường Láng trống trải trong lúc chờ công trình mới mọc lên. Theo Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội, việc chặt hạ hàng loạt cổ thụ để xây đường sắt đô thị, xét về mặt kỹ thuật là đúng, vì nó sẽ tránh ảnh hưởng tới tầm nhìn của tàu điện, ngoài ra cây xà cừ có rễ nông, mưa gió rất dễ bị đổ, ảnh hưởng tới công trình. Tuy nhiên, các kiến trúc sư cũng cho rằng, cây xanh là di sản, cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, lựa chọn những phương án tốt nhất để tránh ảnh hưởng không gian xanh.
 
Bá Đô

No comments:

Post a Comment