Tuesday, August 5, 2014

Xuất khẩu giá rẻ + nhập lậu: ép chăn nuôi vào khe kẹt

(Baodatviet) - Làm theo kiểu chia đều sự thiếu thốn, đầu tư dàn trải nên không làm được việc gì ra hồn thì nói gì đến đột phá?
Ông Phùng Đức Tiến, Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội, nguyên là Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi đã nói như vậy. Ông Tiến cũng có nhiều phân tích lý giải nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của ngành chăn nuôi trong nước suốt thời gian qua.
Những con đường dẫn đến...thua lỗ
PV: Thưa ông con số mới đây nhất Hiệp hội Chăn nuôi VN đã công bố chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi bị thua lỗ khoảng 27.000 tỉ đồng. Là một nước nông nghiệp nhưng liên tục có những thông tin về sự thua lỗ, nông dân bỏ ruộng, chăn nuôi bỏ chuồng, trại theo ông là vì sao?
Ông Phùng Đức Tiến: - Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ liên tục của người chăn nuôi trong thời gian qua.
Trước hết là do phương thức chăn nuôi của mình chủ yếu là nhỏ lẻ. Trong tổng số hơn 4 triệu tấn thịt, hơn 7 tỉ quả trứng, hơn 4 trăm tấn sữa thì sản phẩm của chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 60-65%, trước đây chiếm 70%.
Trong khi đó sản phẩm của chăn nuôi nhỏ lẻ trong xu thế cạnh tranh là rất khó, trong khi các nước đã bước vào sản xuất quy mô chuyên nghiệp từ lâu.Thêm nữa dịch bệnh của ta giải quyết chưa dứt điểm. Chất lượng giống chỉ ở mức trung bình khá so với thế giới.
Điều đặc biệt quan trọng nhất đóng góp 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi là thức ăn thì chúng ta lại chủ yếu đi nhập khẩu. Chỉ riêng năm 2013, Việt Nam nhập khẩu hơn 4 tỉ USD, tăng gần 30% so với năm 2012. Năm 2014 cũng vẫn theo chiều hướng tăng.
Như vậy gạo xuất đi không đủ để nhập thức ăn chăn nuôi. Mà đã đi nhập thì phải qua khâu vận chuyển, thủ tục kho bãi, giá vốn… khiến thức ăn của Việt Nam đắt hơn thế giới 10-15%.
Một trong những yếu tố khác tác động nữa đó là hệ thống trang thiết bị lạc hậu. Tất cả những điều này dẫn đến sản phẩm chăn nuôi chất lượng thấp. Tiêu chí về sản phẩm không đảm bảo an toàn, sức cạnh tranh yếu.
Ngay cả chính sách nhập khẩu của Việt Nam cũng có phần ‘ép’ ngành chăn nuôi vào thế khó. Trong Luật giá dù đã có quy định việc điều tiết nhập khẩu phải có bảo hộ trong nước, bởi thông lệ thị trường bất cứ sản phẩm gì cũng vậy, thừa 1 tí là giá giảm, thiếu tí lại tăng ghê gớm. Chính vì vậy các ngành chức năng điều tiết giá phải đảm bảo lợi ích của cả người sản xuất và người tiêu dùng chứ không vì lợi ích một nhóm người.
Tuy nhiên trên thực tế với những người chăn nuôi, trồng trọt bao nhiêu năm thua lỗ đến khi giá nhích lên một tí để kéo lại vốn thì người làm chính sách lại cho nhập sản phẩm từ nước ngoài vào. Nhu cầu thừa thì đương nhiên giá giảm, như vậy người chăn nuôi cũng như người làm nông nghiệp càng khó khăn, thua lỗ.
Thứ nữa là quản lý nhập lậu. Cá nhân tôi đã nhiều lần lên tiếng sản phẩm nhập lậu vào Việt Nam quá nhiều từ con giống đến sản phẩm thương phẩm. Đây cũng là nhân tố góp phần dẫn đến sự thua lỗ của người chăn nuôi trong nước.
Rồi chăn nuôi ở Việt Nam yếu tố mùa vụ cũng bị chi phối ghê gớm. Công tác phòng chống dịch bệnh cũng có nhiều vấn đề… Tất cả những điều này là tổng hòa những nguyên nhân dẫn đến ngành chăn nuôi Việt Nam không ngóc đầu lên được.
Có quá nhiều nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi trong nước gặp khó
Có quá nhiều nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi trong nước gặp khó
PV: - Thưa ông, tất cả những nhân ông vừa phân tích đang nói lên điều gì?Phải chăng việc các siêu thị lớn các mặt hàng thịt bò, lợn, gà tràn lan từ nhập từ nước ngoài đang chứng minh việc điều tiết chính sách xuất nhập khẩu đang làm khó người chăn nuôi trong nước? Thậm chí dự kiến trong năm nay Việt Nam sẽ phải nhập đến 150.000 con bò từ Úc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và khi đó chúng ta sẽ đứng thứ 2 trong số những nước nhập bò sống từ nước này. Ông bình luận gì về điều này?
Ông Phùng Đức Tiến: - Thực tế việc nhập khẩu hiện đáp ứng 3-4% nhu cầu, song có một thực tế khác chúng ta có thể thấy rõ đó là chuỗi liên kết trong chăn nuôi của ta rất yếu.
Việc liên kết 4 nhà vô cùng lỏng lẻo, doanh nghiệp vào cuộc rất ít. Trong khi đó với chăn nuôi thì doanh nghiệp đi tiên phong phải là công nghệ cao.
Để phát triển nông nghiệp cũng như chăn nuôi phải xây dựng được cơ chế chính sách. Chúng ta thì chiến lược có rồi, nhưng vấn đề còn lại là thực hiện ra sao.
Tất cả những gì đang tồn tại cho thấy chúng ta đầu tư cho nông nghiệp chưa xứng với những gì nông nghiệp đóng góp. Lịch sử chứng minh trong 30 năm đổi mới giai đoạn nào là bước ngoặt khó khăn của đất nước thì khi đó có sự đóng góp của nông nghiệp. Nông nghiệp tuy hiện nay chỉ đóng góp 20% GDP nhưng ở đó tập trung hơn 70% dân cư, thậm chí nông nghiệp còn góp phần giữ vững ổn định cả chính trị.
Thế nhưng nếu để nói công bằng trong tổng cầu của nền kinh tế thì đáng ra điều cần quan tâm đầu tiên phải là kích cầu trong nông nghiệp. Nhưng điều đó chúng ta chưa làm được.

Chết vì chia đều sự thiếu thốn?

No comments:

Post a Comment