Tuesday, August 5, 2014

Công chức ít cười: Hách dịch để tạo “uy”



Thứ Tư, ngày 06/08/2014 00:05 AM (GMT+7)
“Nhiều người tưởng rằng, lạnh lùng hách dịch một chút sẽ tạo ra cái uy, làm người khác sợ hãi”.
Theo quy chế văn hoá công sở, trong giao tiếp ứng xử, cán bộ, công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng. Ngôn ngữ giao tiếp rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt. Cán bộ, công chức, viên chức không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ.
Tuy vậy, lâu nay người dân luôn than phiền cán bộ, công chức “hành là chính”. Thực tế, năm 2013 báo chí nhắc nhiều câu chuyện về cán bộ Nguyễn Văn Mợi tại văn phòng một cửa quận Đống Đa, Hà Nội sách nhiễu khi làm thủ tục sang tên sổ đỏ cho người dân.
Cụ thể, trong sự việc này, cán bộ trả lại hồ sơ cho người dân mà không giải thích lý do, trong khi đó đã có thông báo thuế của cơ quan thuế. Sau sự việc, cán bộ này nghỉ việc, chuyển công tác khác.
Ít thân thiện, cáu gắt
Giáo sư Trần Ngọc Thêm - tác giả những công trình nghiên cứu có uy tín như “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”… có nhận xét rằng, công chức không thân thiện, thậm chí cáu gắt là hiện tượng phổ biến, đặc biệt là bộ phận tiếp xúc nhiều với dân, nhóm ngành có lương bổng thấp...
Bà Lê Thị Thu Hiền, chuyên gia tâm lý, nguyên giảng viên trường ĐHSP Hà Nội cũng phàn nàn “công chức không thân thiện” trong một vài lần bà đến UBND phường làm thủ tục hành chính.
“Đến nơi công quyền, có người dân nào mà lại không bắt gặp thái độ không vui vẻ của cán bộ”. Tôi cũng bị nhiều lần. Những lúc như vậy, tôi phải chọn cách “đi cửa sau” để mọi việc nhanh gọn”, chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền cho hay.
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia – ông Nguyễn Hữu Khiển cho rằng, không ai bắt cuộc công chức lúc nào cũng phải cười, nhưng người công chức phải thân thiện với người dân. Tiêu chuẩn của người công chức về tác phong phải lịch thiệp, lễ phép, thân thiện, không được phép cáu gắt.
Ông chỉ ra biểu hiện không thân thiện thường gặp ở công chức cấp xã, phường thể hiện khi khách hàng đến làm thủ tục hành chính nhưng cán bộ nói chuyện riêng. Hoặc gọi điện thoại, kể cả điện thoại công vụ trước mặt khách, hỏi một cách “trống không” với khách...
Công chức ít cười: Hách dịch để tạo “uy” - 1
Không ai bắt cuộc công chức lúc nào cũng phải cười, nhưng người công chức phải thân thiện với người dân. Ảnh minh họa
Có trường hợp cán bộ hướng dẫn thủ tục hành chính, không thông báo ngay với người dân thiếu những giấy tờ gì, thay vào đó cứ thấy thiếu gì là nói, nay thiếu cái này, mai thiếu cái khác. Vô hình chung, năng lực yếu kém của cán bộ thành tác phong cửa quyền.
Nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia cũng không loại trừ trường hợp, có cán bộ rất thông minh, nhưng khách hàng nào đến cũng phải đi lại năm lần bảy lượt. Riêng trường hợp này có thể cho rằng, cán bộ có vấn đề đạo đức.
Tạo “uy” để người khác sợ hãi
Bà Lê Thị Thu Hiền - chuyên gia tâm lý, nguyên giảng viên trường ĐHSP Hà Nội nói về nguyên nhân công chức ít mỉm cười: “Nhiều người tưởng rằng, phải lạnh lùng hách dịch một chút sẽ có uy, làm người khác sợ hãi. Từ đó, tạo thuận lợi cho những thứ khác ngoài công việc”.
Nguyên nhân khác, có thể do mức thu nhập không tương xứng. Bà Hiền cho rằng, đành rằng công chức phải đúng nhiệm vụ của mình, nhưng nếu chỉ một mức thu nhập như vậy họ sẽ nghĩ tại sao phải làm nhiều? Làm nhiều có được thêm gì đâu?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm lý giải nguyên nhân công chức ít cười bằng hình ảnh so sánh giữa nơi công quyền truyền thống như UBND xã với nơi tiếp khách hàng ở công sở hiện đại ngày nay như công ty nước ngoài, tập đoàn nhà nước đã cổ phần hóa, ngân hàng...
Những nơi này, cơ sở vật chất hiện đại, có chỗ ngồi cho khách rộng rãi, mát mẻ, có máy lạnh, có nhân viên đứng trực giúp khách lấy số thứ tự... rất văn minh. Trước mặt nhân viên tiếp khách hàng luôn chỉ có một người, tiếp hết người này rồi đến người khác vào chỗ ngồi.
Ông Đỗ Nhật Thanh – một công chức về hưu hiện đang công tác tại Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài kể lại, khi còn là công chức, không mấy khi ông nở nụ cười. Bởi áp lực công việc làm cho ông thường trầm ngâm.
Trong khi đó, ở nơi tiếp dân truyền thống, người đến làm thủ tục hành chính đến chen chúc, tranh nhau làm trước, làm sau... làm cán bộ tiếp dân khó tránh khỏi sự mệt mỏi. Ông nói: “Công việc hàng gày phải tiếp xúc với dân nhiều nên mệt mỏi, sinh ra cáu gắt, không thể cười được”.
Lý do khác, con người đến nơi có dịch vụ cao, văn minh hơn họ cũng sẽ ứng xử một cách văn minh. Ví dụ, con người đến siêu thị mua hàng sẽ có cách ứng xử khác với khi ở chợ truyền thống. Hoặc cũng là một người, nhưng khi họ đi phương tiện máy bay sẽ có cách ứng xử khác với đi xe ô tô giá rẻ.
Cũng như vậy, cơ quan công quyền là nơi tất cả mọi người có thể đến, có người ứng xử văn minh nhưng cũng có người có cách hành xử thiếu lịch sự, chen lấn xô đẩy, nói to.... Nếu công chức tiếp đón những người như vậy thường bị áp lực khó mà mỉm cười suốt ngày được.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh đến nguyên nhân quan trọng nhất, đó là nhiều người còn mang trong mình cách ứng xử hàng chính thời phong kiến, qua thời bao cấp đến hiện nay là ứng xử xin – cho.
Trong đó, cán bộ công chức là người cho; dân đến cơ quan công quyền là người xin. Bao giờ người cho cũng phải trịnh thượng. Đó là lối ứng xử từ trên xuống, không phải ngang hàng. Cho nên người ta không cảm thấy có trách nhiệm thân thiện, thậm chí còn cao đạo mắng chửi để tỏ ra quyền lực, khách hàng quỵ lụy và nhiều khi còn hàm ý “phải thế nào” mới được cho.
Ông Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, một phần nào đó công chức có thể giải thích biện minh cho thiếu vắng nụ cười, khó chịu, tìm cách gây khó khăn cho người được hưởng dịch vụ ở chỗ họ không được trả công một cách thích đáng, tương xứng.
Do vậy, phải tìm cách kiếm thêm, nhặt nhạnh ở đâu đó, hoặc vòi vĩnh đối tác hoặc gây khó khăn cho người hưởng dịch vụ, hoặc cài cắm lợi ích...
Ông Bình cũng cho rằng, khi người ta thiếu tự tin, không khẳng định được bị trí vai trò của mình thường cáu gắt, đẩy người đang cầu cạnh ra xa, đối tác tự tìm đến mình, coi việc gây khó khăn là lợi phí, sự tô điểm cho nghề nghiệp họ đang nắm giữ.
____________________________
Mời quý đọc giả đón đọc bài tiếp theo: "Công chức có nên nổi nóng với dân?vào lúc 0h5' ngày 6/8
Đã làm việc công, không được phép nổi nóng. Nhưng có ý kiến cho rằng, vì lý do công việc, có lúc công chức nên  giận dỗi, nổi nóng nói to hơn bình thường một chút.
Dương Tùng (Khampha.vn)

No comments:

Post a Comment