Tuesday, August 5, 2014

80% hoa quả tại sân bay Nội Bài là hàng Trung Quốc

(GDVN) - Phòng chờ ra máy bay của sân bay Nội Bài có nhiều cửa hàng bán đặc sản miền Bắc. Nhưng ai cũng biết, thời điểm này không phải là mùa đào hay mận Việt Nam.
Mận, đào, ổi, hồng và nhiều loại hoa quả tươi khác đang bán tại sân bay Nội Bài, Hà Nội đang được bán với giá cao hơn trên thị trường.
Khách hàng là những hành khách đi máy bay, họ sẵn sàng trả giá cao vì các loại hoa quả được ghi nhãn đặc sản miền Bắc. Khách hàng mua để đem tặng bạn bè, người thân và cả các mối quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những loại quả này có thực sự là hàng đặc sản miền Bắc hay không?

Theo tìm hiểu của PV, phòng chờ ra máy bay của sân bay Nội Bài (Hà Nội) có nhiều cửa hàng bán đặc sản miền Bắc. Theo đó, cách giới thiệu xuất xứ các loại sản phẩm như: Đào mỏ quạ Sa Pa, mận giòn Hà Giang, sấu Hà Nội... thường lôi kéo được nhiều người mua. Nhãn hàng thì ghi như thế, nhưng thực tế ai cũng biết, thời điểm này không phải là mùa đào hay mận Việt Nam. Vậy những túi trái cây này có xuất xứ từ đâu?   
Hoa quả Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam tại sân bay Nội Bài.
Để có câu trả lời, nhóm phóng viên đã tìm đến cơ sở đóng gói ghi trên nhãn hàng, địa chỉ ở Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội. Một người xưng tên là Nguyễn Văn Dũng, chủ cơ sở cho biết, đã đưa hàng vào sân bay nhiều năm nay. Mùa nào quả nấy, hiện có một số loại quả như: đào, mận, sấu, nhãn... tất cả đều có nguồn gốc từ chợ Long Biên, Hà Nội.

Khi được hỏi về sản phẩm đào có phải đào Sapa không? Ông Dũng trản lời: "Nói là đào Sapa nhưng thực tế không có".

Như vậy, đều đặn đêm nào cũng như đêm nào, cơ sở đóng gói Nguyễn Văn Dũng - nhà cung cấp hoa quả tươi cho các cửa hàng ở sân bay Nội Bài đều có mặt ở tại chợ Long Biên để lấy hàng. Sau đó, hàng được chuyển về cơ sở ở Sóc Sơn, Hà Nội ghi nhãn, đóng gói rồi mang tiêu thụ.

Theo các tiểu thương ở chợ Long Biên, thì toàn bộ đào trơn, đào mỏ quạ, mận cơm, mận đường, mận hậu... đều là hàng nhập khẩu thường về qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang.
Ghi nhận của PV tại cơ sở đóng gói của ông Dũng, những thùng hàng chứa hoa quả hỏng được chuyển từ sân bay Nội Bài về để đổi hàng mới. Tem nhãn vẫn ghi xuất xứ Việt Nam, nhưng thực tế số hoa quả được đổ ra từ những thùng hàng chi chít chữ Trung Quốc.

"Tất cả 80% là hàng Trung Quốc, trừ quả sấu, quả nhãn là hàng Việt Nam, quả mận là hàng Trung Quốc", ông Dũng cho biết.

Giải thích cho việc hàng Trung Quốc ghi trên nhãn là hàng Việt Nam, ông Dũng cho biết, phải làm vậy thì khách hàng mới mua nhiều. Với kiểu đội lốt hàng Việt Nam như vậy, mỗi ngày, cơ sở của ông Dũng tiêu thụ từ 500 - 600 kg hoa quả tươi các loại thông qua các gian hàng tại sân bay Nội Bài.

Điều đáng nói, cơ sở của ông Dũng chỉ là một trong những cơ sở cung cấp hoa qua tươi cho các cửa hàng ở sân bay Nội Bài. Ở những gian hàng khác, PV cũng đã phát hiện những khay trái cây tương tự như ở cơ sở của ông Dũng. Và không ai dám chắc những trái cây đó thực sự có xuất xứ từ Việt Nam hay không.

Việc tráo đổi xuất xứ hoa quả tươi trước khi mang ra bán tại sân bay Nội Bài được thực hiện dễ dàng như thế nào? Doanh nghiệp kinh doanh ở sân bay Nội Bài có biết việc gian dối này hay không? Trách nhiệm của họ ra sao khi để người tiêu dùng của mình vị lừa dối như vậy? 
 HỒNG ANH 
Nguồn VTV

No comments:

Post a Comment