Tuesday, August 5, 2014

6 điều cần biết về dịch Ebola

(TBKTSG Online) - Dịch virus Ebola được ghi nhận là đang hoành hành ở Tây Phi và chưa có dấu hiệu chậm lại. Thống kê mới nhất từ WHO cho biết đã có hơn 1.323 người mắc bệnh và 729 người tử vong, các con số lớn nhất trong lịch sử bệnh dịch này.
Một số quốc gia như Sierra Leone đã ở mức độ lây nhiễm cộng đồng và chính quyền buộc phải đưa cảnh sát hay quân đội vào cuộc nhằm ổn định tình hình khi cần thiết.
Mặt khác truyền thông cũng đang khai thác các khía cạnh gây sợ hãi về căn bệnh này một cách quá mức.
Đây là một số vấn đề cơ bản bạn cần biết về Ebola:
1. Ebola không biến đổi nhanh như một số virus khác
Virus Ebola được phát hiện lần đầu tiên năm 1976 và đến nay vẫn không thay đổi mấy. Các nhà khoa học cho rằng virus sẽ không biến đổi nhiều so với phiên bản đã được phát hiện lần đầu tiên.
Một số loại virus có thể biến đổi nhanh chóng mỗi năm, gồm các loại virus cúm và virus liên quan đến SARS. Trong các trường hợp này, các chuyên gia dịch tễ và y tế công cộng luôn phải trông chừng các chủng virus mới sẽ gây bùng nổ những đợt dịch bệnh mới. Tuy nhiên, với Ebola thì vấn đề này không đáng lo ngại. “Hành vi” của chúng không bất thường so với những gì người ta đã biết về loại virus này, theo Michael Osterholm, chuyên gia an toàn sinh học, giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh lây nhiễm và chính sách tại Đại học Minesota, Mỹ.
Điều đó có nghĩa là dịch bệnh đang bùng phát hiện nay không phải là do chính bản thân virus, mà bởi vì tình trạng môi trường của virus đã không được kiểm soát.
2. Ebola chỉ lây lan qua tiếp xúc gần
Không nên quá lo ngại rằng một người sẽ lây nhiễm Ebola cho người khác chỉ bằng cách đi chung máy bay hoặc ở cùng một nơi công cộng. Virua Ebola không lây nhiễm qua không khí như virus cúm hay trong các loại bệnh lây qua hô hấp khác.
Ebola lây nhiễm qua tiếp xúc với dịch cơ thể (mồ hôi, dịch nôn ói, dịch tiêu chảy, máu, nước tiểu, hay tinh dịch) của bệnh nhân nhiễm Ebola – còn sống hay đã tử vong. Đó là do Ebola có thể còn sống trên bề mặt ít nhất là trong nhiều ngày, nên người ta có thể bị lây nhiễm nếu chạm vào giường hay các vật dụng hàng ngày có dính dịch cơ thể và sau đó, bằng những cách như cầm nắm thức ăn, đưa virus vào người.
3. Người mang Ebola nói chung không bị nhiễm bệnh cho đến khi họ mắc bệnh
Điều này có nghĩa là thông thường các dấu hiệu nhiễm bệnh là các triệu chứng bệnh - như sốt, đau nhức, hay tiêu chảy. Các dấu hiệu sớm hơn có thể khó nhận biết, tuy nhiên, người mắc bệnh có thể có các triệu chứng tương tự mắc cúm hay tiêu chảy (một số triệu chứng phổ biến của Ebola như xuất huyết qua niêm mạc, lại không xuất hiện sớm cho tới khi đã vào giai đoạn bệnh nặng hoặc thậm chí đôi khi không xuất hiện).
4. Người mắc Ebola có thể được cứu sống
Dịch Ebola hiện nay có tỷ lệ cứu sống là 40%, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới. Điều trị và chăm sóc tốt có thể cứu sống người đã mắc bệnh.
Có năm loại virus Ebola, loại đang gây ra dịch bệnh (Zaire Ebolavirus) có tỷ lệ sống sót chung khoảng 30% từ khi virus này được phát hiện năm 1976 đến nay.
5. Dịch bệnh diễn biến xấu do xảy ra ở các khu vực có hạ tầng y tế yếu kém
Các nước trung tâm của dịch bệnh hiện nay: Guinea, Liberia, Sierra Leone – đều là những nước nghèo nhất thế giới. Cả ba nước đềy có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn cả Haiti. Chi phí cho y tế rất thấp, khoảng từ 40-100 đô la mỗi người trong một năm. Với cơ sở hạ tầng về y tế yếu như vậy, không ngạc nhiên là chính các nhân viên y tế ở những khu vực này cũng không hiểu rõ và sợ hãi tình trạng dịch bệnh.
Do đó, hiện khu vực đang chiến đấu với dịch bệnh lại là các tổ chức phi chính phủ như tổ chức Bác sĩ không biên giới. Nhóm này đang cảnh báo là quá tải với công việc và không được hỗ trợ đầy đủ, rất thiếu các nguồn lực. Các cơ quan y tế chính quyền và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực rất khó khăn để kiểm soát dịch bệnh.
Yếu tố khác là khiến dịch bệnh càng trở nên nguy hiểm là đây là lần đầu tiên dịch bùng phát ở khu vực này, do đó công tác cảnh báo và tuyên truyền chống dịch rất khó khăn.
6. Ebola có thể gây dịch ở bất cứ quốc gia nào, nhưng điều đó không có nghĩa là thảm họa
Tỷ lệ cao người di chuyển qua các nước hiện nay có thể khiến bệnh lây lan xuyên quốc gia từ một cá thể đến bất cứ một nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sắp có đại dịch bùng nổ tại nơi đó. Điều quan trọng là đường lây lan của virus được nhanh chóng theo dõi và hệ thống y tế công cộng được chuẩn bị như thế nào để đối phó với nó.
Ví dụ, ở Trung Đông hàng trăm ca virus MERS đang gây chết người, hai người mang virus này đến Mỹ vào tháng 5, nhưng họ không lây cho ai khác, và dịch không lây lan ra ở đó.
Theo vox.com

No comments:

Post a Comment