(Baodatviet) - "Tôi muốn nói một điều về Trung Quốc, đó là bạn phải cứng rắn với họ, bởi họ sẽ lấn tới hết mức có thể cho tới khi bị phản kháng".
Đó là phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama với tạp chi The Economist mới đây trong bối cảnh Trung Quốc đang dính vào một loạt những vụ tranh chấp chủ quyền với các quốc gia láng giềng ở khu vực Biển Đông.
"Họ không phải là người đa cảm, và họ không quan tâm đến những điều trừu tượng. Thế nên những lời kêu gọi đơn thuần cho việc tuân theo các quy tắc quốc tế là không đủ".
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc |
Đây có lẽ là bài học thấm thía ông Obama rút ra được sau những hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông và cách Mỹ ứng phó với sự leo thang gây hấn của quốc gia này. Chính phản ứng có phần mềm yếu của Mỹ trong tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc đã khiến Trung Quốc được đà liên tiếp đưa ra các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh, kèm với đó là những lời hăm dọa về kinh tế và chính sách ngoại giao có phần ngang ngược.
Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5/2014 chính là sự leo thang tiếp theo của Trung Quốc trong khu vực. Cùng với hành động này, Trung Quốc sử dụng tàu chiến, máy bay gây hấn, đe dọa các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc lại vẫn đổ lỗi gây hấn cho Việt Nam khi gửi cái gọi là “tuyên cáo lập trường” tới Liên hợp quốc và yêu cầu lưu hành đối với 193 thành viên Liên hợp quốc.
Vì sao Trung Quốc có thể vừa ăn cắp vừa la làng như vậy? Đó là vì sự lúng túng của Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích của họ ở Biển Đông như đã từng tuyên bố cũng như cam kết bảo vệ các nước đồng minh. Đáp lại những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ chỉ phản đối ở mức độ vừa phải và dừng lại ở những tuyên bố mang tính chất lo ngại, cao hơn chút nữa là dọa công khai những hình ảnh Trung Quốc "bắt nạt" láng giềng.
Ngày 28/5, tại Học viện quân sự West Point (New York), Tổng thống Obama đã giành được nhiều ủng hộ khi tuyên bố Mỹ có thể điều quân đến Biển Đông nếu đồng minh của mình tại đó bị ảnh hưởng bởi sự "hung hăng mất kiểm soát".
“Sự hung hăng mất kiểm soát trong khu vực, dù ở Ukraine, trên biển Đông hoặc bất kỳ nơi nào trên thế giới cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng đến đồng minh của chúng ta và có thể buộc quân đội của chúng ta can thiệp”, ông Obama nói.
"Chúng ta không thể làm ngơ trước những gì diễn ra ngoài lằn ranh biên giới mình", ông Obama mạnh mẽ nói.
Tuyên bố của ông Obama khi đó được coi là một tín hiệu rất tốt nhưng nhiều học giả cho rằng, giá như Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ như vậy ngay từ đầu thì có lẽ đã ngăn chặn được sự leo thang của Trung Quốc trước đó. Bởi họ tin rằng, kiềm chế được tham vọng của Trung Quốc tại các vùng biển, đặc biệt là Biển Đông thì chỉ có Mỹ mới đủ sức và có thể làm được.
Sau phát biểu của Tổng thống Obama, gần 2 tháng sau, Mỹ tiếp tục có hành động cứng rắn hơn khi ngày 10/7, Thượng viện nước này nhất trí thông qua Nghị quyết về Biển Đông yêu cầu Trung Quốc quay lại nguyên trạng trước ngày 1/5/2014. Đến ngày 15/7, Trung Quốc di dời giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Những diễn biến trên Biển Đông có lẽ đã cho Mỹ bài học thấm thía về cách ứng xử với Trung Quốc, nhất là với chiến lược "mặt dày" nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này.
An Thái
No comments:
Post a Comment