(Baodatviet) - Việc GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với người dân và không nên xem đây như là chỉ tiêu “tuyệt đối” tính toán thành tích phát triển kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đã chia sẻ với Đất Việt qua góc nhìn của mình từ việc mổ xẻ khía cạnh thu nhập của GDP. Theo vị chuyên gia này: “Chúng ta đang có sự ngộ nhận về GDP và thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam”.
Ngộ nhận đáng tiếc
Từ khi chuyển từ hệ thống hạch toán sản xuất vật chất MPS sang hệ thống tài khoản quốc gia SNA, nhiều chỉ tiêu của Việt Nam ngày càng tương đồng với thế giới.
Tuy nhiên cũng chính sự thay đổi này khiến phát sinh một số ngộ nhận về con số GDP như chỉ tiêu “tuyệt đối” tính toán thành tích phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.
“Một số người đã nhầm lẫn coi GDP gần như là chỉ tiêu thu nhập (lẽ ra chỉ tương quan cùng chiều), nên gây nên hiểu nhầm đáng tiếc. Một số người đã mặc nhiên xem GDP bình quân đầu người như là thu nhập bình quân đầu người. Khi nói đến GDP bình quân đầu người nhiều người lập tức so sánh đến thu nhập của dân cư”, chuyên gia Bùi Trinh nói.
Thực chất về cơ bản GDP được nhìn dưới dưới ba góc độ. Thứ nhất đó là ở giác độ sử dụng cuối cùng: GDP bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước, tích lũy tài sản gộp và xuất khẩu thuần.
Thứ hai đó là dưới giác độ sản xuất: GDP = tổng giá trị sản xuất – tổng chi phí trung gian + Thuế sản phẩm – Trợ giá sản phẩm.
Còn ở giác độ thu nhập bao gồm mấy nhân tố cơ bản: Thu nhập của người lao động, thặng dư sản xuất, khấu hao tài sản cố định và thuế sản xuất – trợ cấp sản phẩm.
Theo ông Trinh, nếu nhìn ở khía cạnh thu nhập của GDP theo Hệ thống tài khoản Quốc gia: Tổng thu nhập của mỗi khu vực thể chế bao gồm thu nhập từ sản xuất + thu nhập thuần từ sở hữu + thu nhập thuần từ chuyển nhượng, thì đối với mỗi Quốc gia thì GDP cũng chỉ là chỉ tiêu sơ khởi.
Bởi vì sau đó còn một số chỉ tiêu khác như GNI (Tổng thu nhập quốc dân), NDI (thu nhập quốc dân khả dụng), để dành (saving) và tích lũy…
Thế nhưng, trên thực tế số liệu của Ngân hàng phát triển Châu Á thấy GNI chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ và luồng tiền chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài ngày càng lớn.
Trong khi đó, thu nhập của người lao động từ sản xuất (một nhân tố của GDP) được hiểu thu nhập bằng tiền và hiện vật của người lao động từ quá trình sản xuất, hiện nay hàng năm Tổng cục Thống kê không công bố chỉ tiêu này, nhưng dựa vào bảng cân đối liên ngành (input-output table) có thể ước tính thu nhập từ lao động chiếm khoảng 49% GDP.
Như vậy GDP bình quân đầu người năm 2012 khoảng 1755 USD trong đó thu nhập từ sản xuất của người lao động ước tính khoảng 860 USD đầu người.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu nhâp bình quân đầu người năm 2012 khoảng 1152 USD, điều này có nghĩa khoản thu nhập bình quân đầu người ngoài sản xuất (từ sở hữu và từ chuyển nhượng) là khoảng 292 USD; tỷ lệ giữa thu nhập từ sản xuất so với tổng thu nhập năm 2012 và 2013 khoảng 74-75%, phần còn lại là thu nhập kiếm được từ ngoài quá trình sản xuất (25-26%).
“Như vậy có thể thấy GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là hoàn toàn khác nhau; trong GDP có một phần thu nhập (thu nhập từ sản xuất) thuộc về tổng thu nhập”, chuyên gia Bùi Trinh phân tích.
Một số người đã nhầm lẫn coi GDP gần như là chỉ tiêu thu nhập (lẽ ra chỉ tương quan cùng chiều), nên gây nên hiểu nhầm đáng tiếc |
Khoảng cách ngày càng nới rộng
Trong một báo cáo mới đây, ADB đã đánh giá những tác động của tăng trưởng đối với xóa đói giảm nghèo, bất bình đẳng thu nhập và phúc lợi xã hội. ADB kết luận rằng không nên coi tốc độ tăng trưởng là chỉ số tốt nhất để đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế.
Theo ông Trinh, nếu biểu thị theo sơ đồ sẽ thấy khoảng cách giữa thu nhập bình quân đầu người từ sản xuất và tổng thu nhập bình quân đầu người ngày càng nới rộng ra.Điều này phần nào do lượng kiều hối những năm gần đây chuyển về Việt Nam khá lớn.
Theo tính toán nếu GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 1960 USD thì thu nhập bình quân đầu người từ sản xuất vào khoảng 960 USD và tổng thu nhập bình quân đầu người ước tính vào khoảng 1280 USD.
“Tuy nhiên việc tính chuyển thu nhập bình quân đầu người ra USD đôi khi chỉ mang tính ước lệ vì khi trong điều kiện lạm phát cao và tỷ giá giữa USD và Việt Nam đồng hầu như không thay đổi (thay đổi 1-2%) thì thu nhập bình quân đầu người tính theo USD tăng càng cao hơn so với tính theo giá so sánh tiền đồng”, ông Trinh phân tích.
Từ những phân tích trên cho thấy, với số liệu của Tổng cục Thông kê 2012 về thu nhập bình quân đầu khoảng 2 triệu đồng tháng thì tổng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 khoảng hơn 2,2 triệu đồng tháng.
“Đó là mức thu nhập khiêm tốn, rất khó khăn cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn tổng thu nhập bình quân đầu người trên tháng năm 2012 chỉ là 1,541 triệu đồng còn thấp hơn mức bình quân, trong khi 68% dân số là ở nông thôn. Đó là chưa kể đến tình trạng phân hóa giầu nghèo, làm cho khoảng cách thu nhập giữa 20% người nghèo nhất và 20% người giầu nhất lên tới 10 lần và đang tiếp tục tăng lên”, ông Trinh nhận định.
Mặt khác cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ giữa tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đinh từ năm 2010-2013 luôn ổn định ở mức 70 – 72% GDP, như vậy có thể thấy mức tiêu dùng bình quân đầu người của dân cư năm 2012 khoảng 1229 USD và năm 2013 khoảng 1372 USD, trong khi mức tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 1152 USD và năm 2013 ước tính khoảng 1280 USD.
Do đó ông Trinh khẳng định: “Từ những con số này có thể thấy đa số người dân không những không có để dành mà còn phải đi vay một phần để tiêu dùng! Nếu các tính toán này không có sai số thì đây là tín hiệu khá nguy hiểm, chứng tỏ việc GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với người dân”.
- Bích Ngọc
No comments:
Post a Comment