TP - Người trồng ớt ở Nghệ An đang phải để ớt chết khô ngoài ruộng, vì phía Trung Quốc không đến thu mua như cam kết trong hợp đồng. Giống ớt do phía Trung Quốc cung cấp cũng xuất hiện nhiều sâu bệnh hơn.
Nông dân hai xã Khánh Sơn và Nghi Kiều điêu đứng vì ớt Trung Quốc. Ảnh: P.S
Đầu vụ ớt, một số tư thương Trung Quốc đến địa phương xin cung cấp giống ớt và hứa sẽ bao tiêu sản phẩm ngay khi thu hoạch. Thấy vậy, nông dân xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn và xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đổ xô đi trồng. Đến mùa thu hoạch, tư thương chỉ mua lấy lệ hoặc mua chịu, rồi “cao chạy xa bay”.
Một người dân xóm 1, xã Khánh Sơn cho biết, nông dân bỏ ra hàng triệu đồng để mua phân bón, thuốc trừ sâu, chưa kể công chăm sóc ớt gần 6 tháng trời. Nhưng đến kỳ thu hoạch, tư thương Trung Quốc chỉ mua lấy lệ với giá rẻ, chưa đầy 6.000 đồng/kg, rồi lấy cớ ớt không đảm bảo chất lượng để “chuồn”.
Chị Nguyễn Thị Oanh, người dân xã Khánh Sơn, cho hay, bình quân 1 yến ớt tươi đem bán, tư thương Trung Quốc loại mất 9 kg với lý do “sản phẩm không đạt chất lượng”. Không ít người dân để ớt cháy khô ngoài đồng.
Ông Nguyễn Hồng Quang, một nông dân xóm 5, xã Khánh Sơn, cho biết, gia đình ông cũng như một số bà con trong vùng làm nghề trồng ớt từ xưa, nhưng chủ yếu ớt Việt Nam (giống ớt thường).
Cùng xóm ông Quang gia đình ông Hùng, ông Xuân, ông Nam còn bị tư thương Trung Quốc lợi dụng lòng tin xin mua chịu sản phẩm, rồi “cao chạy xa bay”. Xã Khánh Sơn có hàng trăm hộ dân trồng hàng chục hécta ớt giống GB17615.3-2010 do tư thương Trung Quốc cung cấp.
Giống mới nhiều sâu bệnh hơn
Giống mới nhiều sâu bệnh hơn
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, nhiều người trồng ớt ở xã Khánh Sơn phản ánh, lâu nay trồng ớt truyền thống rất ít sâu bệnh, nhưng chuyển sang trồng giống ớt có nguồn gốc Trung Quốc thì sâu bệnh rất nhiều.
Bà con dùng nhiều loại thuốc trử sâu để diệt mà sâu bệnh vẫn phát triển. Trong hợp đồng kinh tế về liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt giữa Cty TNHH Thực nghiệp Dục Dã Thượng Hải (Trung Quốc) và UBND xã Khánh Sơn ký ngày 15/3 phía tư thương Trung Quốc phải chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm ớt tươi cho nông dân.
Tại xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tư thương Trung Quốc cũng hành xử tương tự với hàng trăm hộ nông dân trồng trên 10 ha ớt GB17615.3-2010. Hàng trăm tấn ớt tươi đã được thu hoạch, nhưng tư thương Trung Quốc chỉ đến mua lấy lệ, khoảng 1,5 tấn vào đầu tháng 5 rồi từ đó đến nay chưa thấy trở lại.
Chính quyền hai xã Khánh Sơn và Nghi Kiều đã và đang liên hệ với Liên minh HTX Nghệ An (đơn vị đứng ra ký hợp đồng với tư thương Trung Quốc cung cấp giống ớt) và đại diện Cty Dục Dã Thượng Hải để tìm hướng giải quyết cho nông dân.
No comments:
Post a Comment