Vụ lần này đã phát xuất từ một bài phóng sự thu lén của đài truyền hình có trụ sở ở Thượng Hải Dragon TV, trong đó cho thấy trong một xí nghiệp làm thịt xay, công nhân đã dùng thịt quá date, kể cả thịt bò lẫn thịt gà trộn vào xay lẫn để làm thành hamburger và các loại thịt gà chế biến. Ðiều kiện vệ sinh của xưởng cũng rất tệ. Công nhân được thấy lượm thịt rớt dưới sàn lên và thản nhiên liệng vào máy xay.
Ngay lập tức chính quyền điều tra và kể từ lúc đó đã thấy là các công nhân ở xí nghiệp này Shanghai Husi Food, tên Việt Hán là Thượng Hải Hồ Tây Thực Phẩm Công Ty đã dùng thịt quá “date” hay là thịt hư thối để làm Chicken McNuggets cho McDonald, các loại hamburger làm sẵn chỉ chờ nướng, và các loại thực phẩm chế biến khác tổng cộng hơn 5,000 hộp. Ðó là theo tin của thông tấn xã chính thức của nhà nước Bắc Kinh, Tân Hoa Xã. Một trăm tấn thịt đã bị tịch thu và hôm thứ tư thì công an bắt năm người để điều tra. Xí nghiệp này cung cấp hàng cho McDonald's, KFC, và các cửa hàng fast food khác ở Trung Quốc. Hơn thế, đây là một chi nhánh của Tập Ðoàn OSI, có trụ sở ở Aurora, Illinois.
Ngoài McDonald's và KFC, các nhà hàng fast food khác của Hoa Kỳ cũng mua hàng từ Thượng Hải Hồ Tây còn có Burger King, Starbucks, và Papa John's pizza ở Trung Quốc. Hơn thế, xí nghiệp còn cung cấp cho McDonald's Holdings ở Nhật Bản vốn công nhận là một phần năm Chicken McNuggets của họ là từ Thượng Hải Hồ Tây và từ hôm thứ hai đã ngưng bán cho đến khi tìm được nguồn cung cấp mới.
OSI ngay lập tức tuyên bố là họ “kinh sợ” trước vấn đề an toàn thực phẩm và “hết lòng xin lỗi” cho các khách hàng cũng như người tiêu thụ. Công ty cũng nói là “Ban Quản Lý công ty chúng tôi tin đây là một vụ đơn lẻ.”
Cái khổ của các công ty đại công ty fast food là họ phải trông cậy vào các công ty chế biến thực phẩm nào có thể cung cấp sản phẩm đúng tiêu chuẩn ở một số lượng lớn, thành ra rất khó đổi nguồn cung cấp quá nhanh. Một nhà tư vấn giải thích, “Một công ty lớn thường có nhiều hơn là chỉ một nguồn cung cấp, nhưng vấn đề là liệu công ty thay thế có cung cấp đủ số lượng hàng cần thiết hay không? Và đó chính là lúc mọi sự trở nên rất khó khăn.”
Các cửa hàng fast food ngoại quốc nói chung có uy tín ở Trung Quốc vì người tiêu thụ tin cậy vào họ hơn là các cửa hàng nội địa, nhưng an toàn thực phẩm là một quan ngại thường xuyên về dây chuyền cung cấp phải làm sao có khả năng để tăng năng suất nhanh chóng trong khi vẫn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Kể từ khi có vụ scandal melamine được thêm vào các baby formula cho trẻ em, người tiêu thụ lại càng trông cậy vào các công ty mà chủ nhân là ngoại quốc, tin tưởng là sẽ có kiểm phẩm tốt hơn.
Hôm thứ ba, cơ quan kiểm phẩm nhà nước ra lệnh kiểm soát tất cả tám xí nghiệp chế biến của Tập Ðoàn OSI. Cơ quan cũng ra lệnh kiểm phẩm trên tất cả những khách hàng của Thượng Hải Hồ Tây, mà nay đã bị đóng cửa. Ðiều mà tờ Financial Times chỉ ra là cho đến nay chỉ thấy có những cuộc điều tra kiểm phẩm rộng rãi đối với các chi nhánh của OSI thay vì là với toàn thể kỹ nghệ chế biến thực phẩm nói chung.
Sự việc Thượng Hải Hồ Tây thuộc một công ty ngoại quốc làm cho một số người đặt câu hỏi là phải chăng vụ này không phải chỉ đơn thuần về việc vi phạm an toàn thực phẩm. Hồ Tây là một trong những công ty cung cấp thịt lớn nhất ở Thượng Hải và phải chăng là ngẫu nhiên khi chủ nhân công ty lại là một trong những công ty lớn nhất của Hoa Kỳ về thực phẩm, Tập Ðoàn OSI. Một số quan sát viên còn đang tự hỏi phải chăng đang có một sự tương tự như những vấn đề mà một công ty ngoại quốc nổi tiếng khác “gặp nạn” ở Trung quốc.
Với khu vực dược phẩm của Trung quốc, cũng như khu vực kỹ nghệ, đầy dẫy tham nhũng và thiếu kiểm phẩm, việc đại công ty GlaxoSmithKline (GSK) bị lôi ra với cáo buộc là hối lộ rộng lớn, đã là một đề tài tranh cãi giữa các chuyên gia. Dù cho những bằng cớ đưa ra mạnh đến đâu chăng nữa, một số lý luận là họ đã bị dùng làm một con vật tế thần ngoại quốc, đáng lạc hướng sự chú ý của dư luận trước những vấn đề tương tự của các nhãn hiệu “tại gia” và toàn thể ngành kỹ nghệ.
Ðiều ai cũng biết chắc là, với bản chất chính trị của tất cả các định chế nhà nước ở Trung Quốc, kể cả các văn phòng về an toàn thực phẩm và các tổ chức truyền thông, hành động chống lại một loạt các công ty lớn, nổi tiếng và đều là các công ty Hoa Kỳ, khó có thể là một chuyện tự nhiên và đơn lẻ.
Và tuy cả hai công ty đều cả quyết là những việc sai trái được tiết lộ bởi bài phóng sự là một vấn đề địa phương. Thông cáo của Hồ Tây thì nói đến một vụ riêng lẻ chứ không phải là có hệ thống, nhưng nhà chức trách thì có vẻ muốn cáo buộc hơn thế nhiều. Cũng giống như trường hợp của GSK, vốn bị cáo buộc là việc hối lộ được tổ chức bởi chính hội đồng quản trị, báo chí nhà nước nay nói là các nhà điều tra ở Thượng Hải tìm thấy một chiều hướng tương tự ở hàng lãnh đạo của Hồ Tây. Tân Hoa Xã, trích lời một viên chức về an toàn thực phẩm của Trung Quốc, nói là một số hành vi bất hợp pháp mà họ tìm thấy đã là một dàn xếp “được tổ chức” bởi Hồ Tây.
Nhưng không có một xí nghiệp nào trong số 50 xí nghiệp của OSI trên toàn thế giới bị liên lụy và tổng quản trị của tập đoàn Sheldon Lavin đã nhắc nhở là nhà chức trách Bắc Kinh đã khám xét và không thấy có vấn đề gì ở những cơ sở khác của họ.
Vụ scandal này là một vết nhơ cho OSI, vốn khởi đầu là một tiệm thịt gia đình từ hồi năm 1909 và tự hào về tiêu chuẩn cao. Trên website, công ty tuyên bố là họ có “một truyền thống sâu đậm về phẩm chất và dịch vụ” và an toàn thực phẩm và bảo đảm phẩm chất là “nguyên tắc hướng dẫn” mọi hoạt động của công ty. Cho đến nay vẫn là một công ty tư nhân, không bán cổ phần trên thị trường chứng khoán, OSI đã bắt đầu nổi lên từ thập niên 1950 khi họ được McDonald's chọn là công ty cung cấp thịt bò cho mình. OSI đã bành trướng theo chân McDonald's lên khắp thế giới.
Ông Richard Adams, một cựu chủ nhân của một nhà hàng McDonald's ở miền Nam California, nay làm chủ một công ty tư vấn cho những người muốn mở tiệm, nói là OSI theo dõi kỹ toàn thể tiến trình sản xuất ở Hoa kỳ, và ông ta không hiểu tại sao lại có thể có chuyện xảy ra như ở Trung Quốc.
Nhưng cái đó chính là một trong những nguy hiểm cho các công ty ngoại quốc làm ăn tại Trung Quốc.
Trung Quốc là một nơi mà tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh, như một chuyên gia giải thích, đang ở khoảng cuối thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20, khi như ở Hoa Kỳ chẳng hạn, sữa bán ra quá tệ khiến trẻ em bị bệnh, dẫn đến việc thành lập Cơ Quan Thực Phẩm và Dược Phẩm FDA năm 1909. Hoa Kỳ đã mất nhiều năm mới đạt được tiêu chuẩn ngày nay, mà nhiều khi vẫn còn tìm thấy những sai trái. Thành ra khi hoạt động ở Trung Quốc, các đại công ty rất dễ bị tai tiếng vì chi nhánh của mình không theo được tiêu chuẩn quốc tế mà công ty mẹ đòi hỏi.
Ấy là chưa kể còn có những lý do khác. Một số các nhà bình luận ở Trung Quốc còn nghĩ là vụ này có thể là hoàn toàn ngụy tạo nữa.
Thực hư ra sao cũng như lý do nào dẫn đến cáo buộc này, đối với các tiệm ăn ngoại quốc bị ảnh hưởng của vụ scandal mới nhất này, theo phóng viên thường trú của đài BBC ở Bắc Kinh, thì cũng ngắn hạn thôi. Một cô khách hàng mà anh phóng viên hỏi nói là cô ta phải bỏ không ăn sáng ở McDonald's nữa và tẩy chay vì sợ quá. Anh hỏi, “Thế cô tẩy chay vĩnh viễn sao?” Cô trả lời, “Không, chỉ cỡ một tháng thôi.”
07-26- 2014 11:09:15 AM
Lê Phan
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment