Theo GS Carlyle A. Thayer, Trung Quốc đã rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam và để ngăn chặn những động thái tương tự trong tương lai, cần thiết có bàn tay của ASEAN
Ngày 26-7, Trường ĐH Luật TP HCM phối hợp Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”. Tham gia hội thảo có 50 học giả và 300 khách mời từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.
Không thể lý giải nổi
Dưới góc độ pháp luật quốc tế, các học giả cho rằng hành vi này của Trung Quốc là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 và Thỏa thuận về nguyên tắc 6 điểm giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011. Hành vi đó cũng ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế; đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới; làm tổn hại tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước.
GS Carlyle A. Thayer (bìa trái) trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cùng ngày, tại hội thảo quốc tế về tranh chấp tại biển Đông do Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức, câu hỏi khiến tất cả đại biểu tham gia không khỏi băn khoăn là tại sao Trung Quốc đột ngột đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam trong khi Việt Nam không hề có bất cứ hành động khiêu khích nào? Không những thế, trước đó quan hệ giữa hai nước đang khá tích cực.
GS Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, dành nhiều thời gian phân tích về điều này nhưng vẫn không thể lý giải nổi quyết định bất chấp tất cả chân lý và luật pháp quốc tế từ phía Trung Quốc. Điều này không chỉ làm xói mòn niềm tin của Việt Nam mà còn khiến cả quốc tế quan ngại và phản đối. Vị chuyên gia am hiểu các vấn đề về biển Đông này cho rằng có thể đó tiếp tục là một hành động “tự giẫm vào chân mình” của Trung Quốc, như cách giải thích của giới học giả Mỹ đối với những hành động nói không đi đối với làm của Trung Quốc khi luôn tuyên bố muốn xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng quốc tế nhưng hành động thì ngược lại.
Có những ảnh hưởng
Theo GS Carlyle A. Thayer, Trung Quốc đã rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam và để ngăn chặn những động thái tương tự của Trung Quốc trong tương lai, rất cần có bàn tay của ASEAN. “ASEAN phải nhanh chóng có được Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Muốn đạt được điều đó, điều cần thiết nhất là các thành viên ASEAN phải dẹp bỏ tất cả các bất đồng để đi tới đồng thuận” - GS Carlyle A. Thayer nhận định.
Từ việc Philippines kiện Trung Quốc trước đây, GS Carlyle A. Thayer nói: “Việt Nam rút ra bài học gì từ việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Những chứng cứ của Philippines đều bị Trung Quốc bác bỏ. Vậy Việt Nam cần phải làm gì, đi những bước đi gì trong quá trình chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc”.
Nhiều đại biểu của cả 2 cuộc hội thảo đều cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ, tài liệu thuyết phục đủ mạnh trước tòa án quốc tế, chuẩn bị đầy đủ lý lẽ để không chỉ giải thích cho cộng đồng quốc tế mà còn cho người dân Trung Quốc hiểu rõ vấn đề. Việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế tất nhiên sẽ có những ảnh hưởng về kinh tế, chính trị nên Việt Nam cần chuẩn bị nguồn lực thật kỹ, đây là vấn đề rất quan trọng.
Vận dụng nguyên tắc “đất thống trị biển”
Theo nhiều học giả, Việt Nam cần nghiên cứu để tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước 1982 về hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam cần vận dụng nguyên tắc “đất thống trị biển” để chứng minh cho luận điểm và các tuyên bố của mình đối với các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông theo Công ước 1982.
Thứ Bảy, 22:55 26/07/2014
Phan Anh - Thu Hằng
Theo NLĐO
No comments:
Post a Comment