Saturday, July 26, 2014

Trung Quốc vượt mặt Mỹ mua chuộc châu Phi thế nào?



(Quan hệ quốc tế) - Thương mại Trung Quốc-châu Phi lập mức cao mới trong lịch sử khi vượt ngưỡng 200 tỉ USD trong năm 2013.

Viện Nghiên cứu Tây Á Phi thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phối hợp với Nhà Xuất bản Văn hiến Khoa học xã hội mới đây đã tổ chức buổi công bố “Sách Vàng châu Phi: Báo cáo Phát triển châu Phi 2013-2014.”
Báo cáo cho biết năm 2013, quy mô thương mại Trung Quốc-châu Phi đã vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 210,239 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, lập mức cao mới trong lịch sử. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi là 92,809 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu từ châu Phi là 117,429 tỷ USD, tăng 3,7%.
Kim ngạch nhập khẩu dầu thô từ châu Phi của Trung Quốc trong năm 2013 là 51,019 tỷ USD, chiếm 23,24% kim ngạch nhập khẩu dầu thô của nước này. Châu Phi vẫn là khu vực nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Trung Quốc.
Những con số trên cho thấy Trung Quốc đã và đang tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế với châu Phi trong bối cảnh phương Tây và Mỹ đều tham gia cuộc đua trở lại lục địa đen.
Lao động Trung Quốc ở châu Phi
Lao động Trung Quốc ở châu Phi
Lâu nay, châu Phi vốn là điểm đến của doanh nghiệp Mỹ để khai thác nguồn tài nguyên phong phú ở châu lục này. Nhưng vì nhiều lý do, mà từ thời Tổng thống George W.Bush, Mỹ dần lơ là châu Phi, nhường chỗ cho Trung Quốc.
Đầu thế kỷ 21, Trung Quốc khá thận trọng với châu Phi khi tới năm 2005 họ đầu tư chỉ khoảng 6 tỉ USD, trong đó đầu tư trực tiếp khoảng 1,5 tỉ USD. Nhưng khi Mỹ và phương Tây lơ là, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cuộc "thập tự chinh" sang châu Phi. Trong năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Văn kiện chính sách châu Phi và thành lập Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi ở Bắc Kinh.
Về hình thức, Trung Quốc tuyên truyền cho thế giới thấy rằng họ phát triển quan hệ với châu Phi theo kiểu mới: bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị, hợp tác thắng lợi về mặt kinh tế, giao lưu văn hóa. Đây là những biện pháp chính tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện giữa Trung Quốc và châu Phi ở những giai đoạn sau.
Đầu năm 2007, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào thăm 8 nước châu Phi và mở rộng hầu bao đầu tư vào châu Phi, như lập Quỹ phát triển châu Phi với 5 tỉ USD để trợ cấp những nước khó khăn, bãi bỏ thuế xuất khẩu từ 190 mặt hàng lên 440 mặt hàng xuất sang châu Phi, viện trợ 38 triệu USD cho các công trình công ích, như trường học, bệnh viện, trạm y tế phòng bệnh, thuộc chữa bệnh.
Kể từ đó, Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư vào 49 nước châu Phi và đẩy nhanh tốc độ buôn bán với các nước này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiến hành viện trợ kinh tế cho các nước châu Phi và cung cấp cho các nước này các khoản vay ưu đãi. Trung Quốc sẵn sàng xóa một số khoản nợ, khiến nhiều nước châu Phi “hàm ơn” Trung Quốc. Điều đặc biệt trong các khoản vay là Trung Quốc không đặt điều kiện như phương Tây vẫn hay làm, nhờ đó các nước châu Phi dễ tiếp cận nguồn vốn này hơn.
Các khoản cho vay này tăng lên không ngừng, từ 5 tỷ USD năm 2006, lên 10 tỷ USD năm 2009 và tận 20 tỷ USD năm 2012. Cả viện trợ, vốn cho vay và việc xóa nợ một mặt giúp châu Phi phát triển cơ sở hạ tầng, mặt khác đem lại cho Trung Quốc một “nguồn vốn chính trị” rất dồi dào ở Lục địa Đen.
Bên cạnh biện pháp kinh tế, Trung Quốc cũng tích cực sử dụng chiêu bài truyền thống đã áp dụng ở nhiều nơi (trong đó có Siberia - PV): "dùng người trị người". Hiện tại, dân số của Angola có 45% là người Trung Quốc, Tanzania có 10% là dân số Trung Quốc.
Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình tại châu Phi tới mức Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào năm 2012 đã mở hẳn trụ sở ở Kenya và phát sóng chương trình CCTV châu Phi. Năm 2006, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đã mở đài phát sóng ở Kenya, cung cấp cho 2 triệu người dân nước này 19 tiếng chương trình phát thanh mỗi ngày, với nội dung chính là tin tức về Trung Quốc và thế giới.
Quốc gia có dân số đông nhất thế giới đã tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa với châu Phi, mở tới gần 30 Học viện Khổng Tử ở mấy chục nước châu Phi để quảng bá ngôn ngữ và các giá trị văn hóa Trung Hoa.
Lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện rằng họ quan tâm châu Phi đến mức nào. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Obama, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào tới thăm châu Phi tới 7 lần. Chỉ vài tuần sau khi tiếp nhận chức Chủ tịch nước từ ông Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình cũng có chuyến công du tới 3 nước châu Phi.
Như vậy, để gây ảnh hưởng ở châu Phi và thu lợi từ quan hệ với châu lục này, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp mang tính hệ thống, bài bản, toàn diện và bền vững với tầm nhìn xa. Với những biện pháp này, Trung Quốc đã đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực giàu tài nguyên này.
Bản thân Mỹ "mất bò mới lo làm chuồng", họ chỉ bừng tỉnh sau khi bị Trung Quốc "hất cẳng" ra khỏi châu Phi một cách nhanh chóng, dễ dàng. Vậy nên, năm 2012, Ngoại trưởng Hillary Clinton (nay đã nghỉ hưu) đã có chuyến công du châu Phi kéo dài tới 11 ngày để gây dựng lại những gì đã mất vào tay Trung Quốc. Còn với Tổng thống Obama, ông mới đến châu Phi 2 lần trong 2 nhiệm kỳ của mình.
Tổng thống Obama cho biết Mỹ muốn thay đổi cách tiếp cận của nước này với châu Phi, bằng một mô hình mới không chỉ dựa trên viện trợ mà còn dựa trên thương mại và quan hệ đối tác. Thế nhưng, Mỹ đã bị Trung Quốc qua mặt để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Thậm chí, một số lãnh đạo châu Phi còn gọi Trung Quốc là "người bạn tốt", "người bạn số một", dù quan hệ với Trung Quốc không phải chỉ toàn màu hồng. Vì thế, muốn chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, hẳn Mỹ phải cần một kế sách lâu dài.
An Nhiên

No comments:

Post a Comment