Friday, July 4, 2014

Trung Quốc khó dụ dỗ Hàn chống Nhật

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hàn Quốc với con bài Triều Tiên nhằm lôi kéo nước này cùng đối phó với chính sách nới lỏng quân sự mới đây của Nhật Bản. Tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng mục tiêu của Trung Quốc khó thành công.


TCB-3672-1404468187.jpg
Ông Tập Cận Bình được chào đón nồng nhiệt tại Hàn. Ảnh: AAP
"Ông Tập Cận Bình không thể bỏ qua cơ hội để quan hệ của Hàn Quốc và Nhật Bản trở nên tồi tệ hết mức có thể",  Chun Yungwoo, cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Hàn  Lee Myung-bak nói với Wall Street Journal.
Ông Tập coi việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mới đây diễn giải lại Hiến pháp, cho phép quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài, là cơ hội hiếm có nhằm thuyết phục Hàn Quốc chống lại Nhật.
Đến thăm Hàn Quốc, ông Tập Cận Bình mang theo sự chia sẻ sâu sắc về mối nguy tiềm ẩn từ Nhật Bản khi cả Trung và Hàn đều ám ảnh hậu quả trước và sau Thế chiến thứ hai vì bị Nhật chiếm đóng.
"Quan điểm của chúng tôi là cần có những thảo luận về Hiến pháp của Nhật, xua tan mối quan ngại của các nước láng giềng xuất phát từ quá khứ và hướng tới hòa bình, ổn định ở khu vực", Japantimes dẫn lời  phát ngôn viên ngoại giao Hàn Quốc  Noh Kwang-il nói trong cuộc họp báo.
Với sự can dự tranh chấp lãnh thổ ở khắp châu Á, có vẻ như Chủ tịch Trung Quốc muốn các đồng mình của Mỹ ở châu Á bối rối để củng cố lập luận về cấu trúc an ninh mới trong khu vực của mình, với vai trò thống trị của Trung Quốc. Mối quan hệ lạnh nhạt giữa Hàn và Nhật càng làm cho ông Tập thấy mong muốn của mình có triển vọng.
"Trung Quốc đang kéo Hàn khỏi Nhật và Mỹ càng xa càng tốt", ông Chung nói.
Kim-8016-1404469923-9058-1404482172.jpg
Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên được Trung Quốc đem ra làm con bài mặc cả với Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Mồi nhử
Việc Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc trước nước đồng minh truyền thống Triều Tiên được giới quan sát đánh giá là một sự kiện "chưa từng có". Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel nói với Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện rằng chuyến thăm của ông Tập là một dấu mốc lạ thường.
Trước chuyến thăm, nhiều nhà bình luận cho rằng tham vọng hạt nhân của Triều Tiên sẽ là chủ đề chính trong họp bàn giữa ông Tập và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Theo nhà báo Foster Klug của AP,  Hàn Quốc muốn Trung Quốc gây nhiều áp lực hơn nữa nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và khôi phục đàm phán sáu bên, với mục đích ngăn tái diễn chiến tranh ở bán đảo này.
Tuy nhiên,  các nhà phân tích không cho rằng Bắc Kinh sẽ đánh cược ở mức độ đáng kể.
"Điều đó đi ngược lại mẫu ngoại giao truyền thống của Trung Quốc. Ông Tập có thể sẽ thúc giục việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ở giới hạn chung, hơn là chỉ trích trực tiếp Triều Tiên", Kim Joon-hyung, giáo sư chính trị tại Đại học Quốc tế  Handong, Hàn Quốc, nhận định.
Một lý do nữa khiến Trung Quốc hy vọng Hàn tránh xa Nhật, là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm qua tuyên bố sẽ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt với Triều Tiên, đổi lại việc Triều Tiên cam kết điều tra công dân Nhật bị bắt cóc những năm 1970 và 1980.  Tokyo sẽ xóa lệnh cấm đi lại giữa hai nước, bỏ hạn chế về số tiền có thể gửi hoặc mang tới Triều Tiên mà không cần báo nhà chức trách, đồng thời cho phép tàu Triều Tiên cập cảng Nhật Bản vì mục đích nhân đạo.
Bên cạnh con bài Triều Tiên, Trung Quốc còn muốn sử dụng mối hợp tác kinh tế mạnh mẽ với Hàn Quốc nhằm lôi kéo nước này.
"Trung Quốc có thể tận dụng quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Hàn Quốc và chuyển đổi sang các nhân tố và ảnh hưởng chính trị",  Gong Keyi, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc, nói.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn, kim ngạch hai chiều năm ngoái đạt hơn 270 tỷ USD, bằng 40 lần thương mại của Trung Quốc với Triều Tiên.
Trong cuộc gặp cấp cao hôm qua, ông Tập và bà Park cho biết hai bên cũng đang hướng tới hoàn thành thỏa thuận về tự do thương mại song phương (FTA) vào cuối năm nay.
kim2-6232-1404482172.jpg
Với sự hiện diện của gần 30.000 lính Mỹ tại Hàn Quốc, Seoul vẫn coi mối liên minh với Mỹ là sự đảm bảo an ninh cho mình. Ảnh: Businessinsider
Hàn Quốc không dễ mắc bẫy
Phát biểu hôm nay tại Đại học quốc gia Seoul của Hàn Quốc, ông Tập Cận Bình gợi lại quá khứ đau thương của Hàn và Trung khi xảy ra chiến tranh với Nhật Bản ở nửa đầu thế kỷ 20.
Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên AFP, ông Tập hầu như không đề cập gì đến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong bài nói chuyện, không nói đến sự cần thiết phải phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và sự cần thiết giải quyết các căng thẳng và tồn tại thông qua đối thoại.
Trong tuyên bố hôm qua cùng Tổng thống Hàn Quốc Park sau hội đàm cấp cao, ông Tập cũng chỉ làm mới đôi chút quan điểm về tái khẳng định "phản đối mạnh mẽ" việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.  Trước đó, Seoul hy vọng hai bên sẽ ra tuyên bố chung mang cảnh báo rõ ràng tới Triều Tiên về tham vọng hạt nhân.
Nói với các phóng viên sau đó, bà Park tự tuyên bố nghiêm khắc hơn rằng, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí dùng mọi biện pháp có thể để khiến Triều Tiên từ bỏ bom nguyên tử. Ông Tập thì nhấn mạnh đến thỏa thuận khôi phục lại đàm phán sáu bên.
"Hàn Quốc sẽ càng khó khăn hơn khi đề cập tới những vấn đề  chính trị nhạy cảm, như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và những ý tưởng của Tập Cận Bình về châu Á",  Moon Chung-in, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học  Yonsei ở Seoul nói đến tình cảnh của Tổng thống Hàn Quốc Park.
Ông cho rằng việc bà Park xử lý như thế nào khái niệm mới của ông Tập về cấu trúc an ninh ở châu Á do Trung Quốc dẫn dắt và đưa Mỹ ra bên lề, là điều không dễ dàng.
Trong khi đó, ông Chun Yungwoo tự tin rằng, mặc dù có  quan điểm cứng rắn đối với Nhật nhưng bà Park sẽ không rơi vào sự quyến rũ nguy hiểm của ông Tập. Bà biết rằng mục đích của Trung Quốc là chia rẽ Mỹ, nhân tố đảm bảo anh ninh cho Seoul, nơi có gần 30.000 lính Mỹ đóng quân.
Giáo sư  John Delury, một nhà hán học tại Đại học Yonsei nói, cách tiếp cận của Trung Quốc với Hàn rất khác với cách họ làm ở nơi khác trong khu vực. "Cách cư xử hung hăng và thù địch với các nước láng giềng của Trung Quốc thực sự không thể có tác dụng ở Đông Bắc Á".
Ông Delury cũng cho rằng, Trung Quốc và Hàn thể hiện thiện chí bắt tay với nhau cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc có tác động phức tạp hơn ở khu vực, nếu nhìn vào tranh chấp của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines.
"Điều mọi người quan tâm là mối quan hệ Trung - Hàn có ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn hay không. Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn có liên minh quân sự. Vì thế dù Trung Quốc có cố làm thân tới mức nào, thì quan hệ đó vẫn đứng sau quan hệ Mỹ - Hàn", Gong Keyi nhấn mạnh.
Khánh Lynh

No comments:

Post a Comment