Friday, July 4, 2014

Giàn khoan Trung Quốc “khoan” luôn cả ngành du lịch Việt Nam

Khách sạn Crown Plaza (Đà Nẵng) mất 20% lượng khách sau khi xảy ra sự kiện Biển Đông. Ảnh: Internet

Khách sạn Crown Plaza (Đà Nẵng) mất 20% lượng khách sau khi xảy ra sự kiện Biển Đông. Ảnh: Internet
Những căng thẳng trên biển Đông kéo theo các ảnh hưởng về kinh tế, trong đó doanh thu từ ngành du lịch sụt giảm là một trong những thiệt hại có thể thấy ngay. Quan trọng hơn, mỗi du khách hủy tour đến Việt Nam sẽ kéo theo những lời truyền miệng, thay đổi cái nhìn của du khách quốc tế về một điểm đến an bình như Việt Nam bấy lâu nay cố gắng xây dựng. 
Khi năm 2013 kết thúc, giới phân tích thị trường đã đánh giá năm 2014 sẽ là một năm sáng sủa cho ngành du lịch Việt Nam. Những chỉ số thống kê về lượng khách đến, tỉ lệ đặt phòng khách sạn, chi dùng du khách... đều tăng so với năm trước. Mọi chuyện tốt đẹp cho đến khi những căng thẳng được chính quyền Trung Quốc "kéo" theo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 
Sáng 2.7, công ty chuyên điều tra thị trường Grant Thornton Việt Nam công bố khảo sát ngành du lịch khách sạn năm 2014. Theo đó, kể từ khi biển Đông "dậy sóng", có ít nhất 15.000 phòng khách sạn bị hủy bởi những lo ngại về tình hình căng thẳng. Con số này chẳng là gì nếu biết rằng đây mới chỉ là khảo sát trên 18 khách sạn 4-5 sao. Toàn quốc hiện có 686 khách sạn từ 3-5 sao. 
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam, là người am hiểu sâu sắc nền kinh tế Việt Nam.
"Những vụ gây rối tại Bình Dương và Hà Tĩnh làm du khách, đặc biệt là khách Trung Quốc, e ngại khi đến Việt Nam nhưng đó chưa phải là lý do chính." Ông này nói, "Thực tế du khách không mấy ai đến những nơi xảy ra các vụ gây rối. Sự tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc đối với những người sống ở lục địa và Hongkong khiến họ e ngại khi đến Việt Nam". 
Chỉ trong vòng 2 tháng, khách sạn Crown Plaza (Đà Nẵng), nơi có sòng bạc và lượng khách chủ yếu đến từ Trung Quốc, đã sụt giảm 20% lượng du khách. 
Như phân tích của ông Kenneth Atkinson, yếu tố chính trị tác động rất mạnh và ngay tức thì đến các chỉ số thống kê kinh tế. Chính quyền Trung Quốc không ngừng dùng mọi biện pháp để tuyên truyền sai lệch về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quốc tế. Đối với người dân trong nước họ vẽ lên một tình hình bất ổn để tạo tâm lý e ngại khi muốn đến Việt Nam.  
Mạnh dạn hơn nữa trong việc sử dụng các bằng chứng, minh bạch thông tin và cả biện pháp pháp lý trước quốc tế lúc này chính là cách để Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo và còn để bảo vệ chính nền kinh tế của mình. Bởi, nói như trùm tuyên truyền của phát xít Đức - Paul Josepp Gobbels, sự dối trá được lập đi lập lại nhiều lần sẽ khiến người ta tin là sự thật. 
                 Trung Bảo

No comments:

Post a Comment