Friday, July 4, 2014

Trung Quốc cũng nhăm nhe "xoay trục" tại châu Á để đọ với Mỹ

(Dân trí) - Con đường tơ lụa, một diễn đàn an ninh khu vực và một ngân hàng hạ tầng châu Á với số vốn ban đầu 50 tỷ USD chỉ là vài kế hoạch trong khuôn khổ một chiến lược của Trung Quốc nhằm cố gắng chống lại chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ.

Các binh sĩ Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Các binh sĩ Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
 Mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc không đặt tên cho danh sách các sáng kiến ngày càng dài thêm của chính phủ hay tiết lộ mục đích chung, các chuyên gia và các nhà ngoại giao Trung Quốc cho hay Bắc Kinh dường như đang định hình cơ cấu tài chính và an ninh châu Á theo mong muốn của riêng mình.
“Trung Quốc đang cố gắng thực hiện chiến lược đối trọng của riêng mình”, Sun Zhe, giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ-Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về chính sách ngoại giao, cho hay.

Một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh chuyên theo dõi các quan hệ quốc tế của Trung Quốc nói thêm: “Điều này rõ ràng là nhằm vào Mỹ”.

Chính sách xoay trục của Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra một chiến lược nhằm tái tập trung vào các nền kinh tế năng động của châu Á trong khi Mỹ dần rút khỏi các cuộc chiến hao tiền tốn của tại Iraq và Afghansitan.

Trung Quốc coi chính sách xoay trục của Mỹ là một nỗ lực nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước này, đặc biệt khi Mỹ đang tăng cường quan hệ với các đồng minh an ninh tại châu Á như Nhật Bản và Philippines, vốn có các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Washington phủ nhận điều này.

Một phần quan trọng trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc là tăng cường sức sống cho Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), vốn ít được biết tới kể từ khi Kazakhstan đề xuất nó vào năm 1992 nhằm thúc đẩy an ninh và hòa bình.

CICA bao gồm hơn 2 chục thành viên hầu hết là các quốc gia châu Á, cùng với Nga và một số quốc gia Trung Đông. Mỹ, Nhật và Philippines không phải là các thành viên.

Trung Quốc đã đảm nhận chức chủ tịch CICA trong 3 năm tại một hội nghị ở Thượng Hải hồi tháng 5 năm nay. Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về một “định nghĩa an ninh châu Á” mới, nói rằng Trung Quốc có thể đưa ra công thức cho một bộ quy tắc ứng xử đối với an ninh khu vực và một chương trình đối tác an ninh châu Á.

Mặc dù ông Tập không đưa ra nhiều thông tin chi tiết và không nhắc trực tiếp tới các tranh chấp như ở Biển Đông nhưng ông này đã cảnh báo các quốc gia châu Á về việc tăng cường các liên minh quân sự để chống lại Mỹ, một sự ám chỉ gián tiếp tới chính sách xoay trục của Mỹ.

“Các vấn đề của châu Á phải do người châu Á giải quyết và an ninh của châu Á phải do người châu Á bảo vệ”, ông Tập nói.

Một ngân hàng để cạnh tranh?

Một sáng kiến khác của Trung Quốc là Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á, mà ông Tập lần đầu tiên đề xuất hồi tháng 10 năm ngoái trong chuyến thăm tới Đông Nam Á.

Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ hồi tuần này cho hay Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ giữ 50% cổ phần trong ngân hàng.

Các nhà ngoại giao xem ngân hàng này là đối thủ tiềm tàng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), mặc dù Trung Quốc nói rằng vai trò của nó là trợ giúp chứ không phải cạnh tranh.

Washington và Tokyo có quyền bỏ phiếu lớn nhất trong WB và ADB, hai thể chế tồn tại nhiều thập niên qua.

Trung Quốc xem ngân hàng hạ tầng là một cách để truyền đi thông điệp về các thiện chí của nước này tại châu Á, nơi các quốc gia đang phát triển cáo buộc Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong các tuyên bố chủ quyền.

“Bắc Kinh giữ một nguyên tắc chỉ đạo cơ bản trong chính sách ngoại giao khu vực là làm bạn và đối tác với các láng giềng”, ông Lâu nói.

Trung Quốc cũng đề xuất các sáng kiến thương mại và tài chính với Trung Á, ủng hộ các nỗ lực nhằm phục hồi Con đường Tơ lụa, từng là con đường huyết mạch giúp thông thương giữa châu Á và Địa Trung Hải.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn đang thúc đẩy các thỏa thuận thương mại khác nhau trong khu vực, nhưng không nằm trong các cuộc đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một khối gồm 12 quốc gia trong có 2 nền kinh tế lớn nhất của khối là Mỹ và Nhật Bản.

Mỹ theo dõi chặt chẽ

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc kể từ khi nước này bắt đầu cải cách kinh tế 3 thập niên trước phần lớn đi theo đường hướng của ông Đặng Tiểu Bình là “giấu mình, chờ thời”.

Hồi đầu năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phác thảo chính sách ngoại giao quyết đoán hơn của Trung Quốc đối với khu vực tại cuộc họp báo thường niên và trong một bài báo.

“Chúng ta phải chấp nhận vai trò của một nước lớn có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế”, ông Vương nói.

Hồi tuần này, khi được hỏi rằng liệu Trung Quốc có đang thực hiện chính sách xoay trục của riêng mình, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay Trung Quốc đang theo đuổi chính sách láng giềng tốt.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Obama nói rằng Washington đang theo dõi cách thức tiếp cận của ông Tập Cận Bình đối với châu Á.

“Chúng tôi chú ý tới tuyên bố của ông Tập tại hội nghị CICA về châu Á dành cho người châu Á, ngân hàng hạ tầng châu Á và sự chỉ trích ngày càng gia tăng đối với các liên minh của Mỹ”, quan chức Mỹ giấu tên nói.

“Điều đó làm nảy sinh các câu hỏi nghiêm túc rằng tầm nhìn của Mỹ và Trung Quốc có hoàn toàn tương thích với nhau hay không”, quan chức trên nói.

Một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho hay Washington không được đảm bảo rằng ngân hàng hạ tầng có thể áp dụng cách thức quan lý và các tiêu chuẩn khác của các thể chế như WB và ADB. Ông này cho hay chính quyền Mỹ không nhận thấy một thực thể như vậy có đóng góp gì cho khu vực và rằng Washington cần làm rõ điểm này với các đồng minh châu Á.

Còn Bộ trưởng tài chính Trung Quốc cho hay, mặc dù Mỹ và Nhật Bản không phải là thành viên nhưng các nước này được hoan nghênh tham gia ngân hàng.

Giới chức Trung Quốc và Mỹ sẽ có cơ hội thảo luận vấn đề ngân hàng và nhiều chủ đề khác tại Đối thoại kinh tế và chiến lược thường niên Mỹ-Trung ở Bắc Kinh vào ngày 9-10/7 tới.

Khơi lại các lễ kỷ niệm bị lãng quên để "ve vãn" láng giềng

Trung Quốc gần đây đã nhắc lại các lễ kỷ niệm bị lãng quên để “lấy lòng” các láng giềng châu Á.

Gần đây nhất, ông Tập Cận Bình đã mời các láng giềng Ấn Độ và Myanmar tham gia lễ kỷ niệm việc ký kết các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, vốn phần lớn bị lãng quên.

Ông Tập đã nhắc tới nhà văn Ấn Độ từng đoạt giải Nobel Rabindranath Tagore trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 60 năm ký kết 5 nguyên tắc cơ bản về tồn tại hòa bình, một cam kết hòa bình từ thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar.

Ông Tập đã “ve vãn” Ấn Độ dù nước này từng đón tiếp lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Dalai Lama và có tranh chấp biên giới kéo dài với Trung Quốc.

Tuy nhiên, thông điệp hòa bình của Trung Quốc gây hoài nghi đối với những quốc gia mà Bắc Kinh đang ve vãn.

“Trung Quốc từ lâu đã thực hiện vào một chính sách ngoại giao thân thiện trong khu vực, nhưng thách thức cho Trung Quốc là nhiều quốc gia láng giềng có thể mường tượng ra bộ mặt thật của Bắc Kinh ở phía sau”, Matthew Goodman, cố vấn cấp cao về kinh tế châu Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và an ninh tại Washington (CSIS), nhận định.
Thứ Sáu, 04/07/2014 - 17:48
An Bình
Tổng hợp

No comments:

Post a Comment