Friday, July 4, 2014

Phụ thuộc Trung Quốc vì kinh tế bị các nhóm lợi ích chi phối

HÀ NỘI (NV) - Thảo luận về tự chủ kinh tế, nhiều chuyên gia tin rằng sự phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế là do kinh tế Việt Nam bị các “nhóm lợi ích” chi phối.



Dự án xây dựng cảng Vĩnh Tân ở Bình Thuận do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận có rất nhiều tai tiếng. (Hình: Thanh Niên)

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã trao gần như toàn bộ các hợp đồng EPC (NV: Engineering, Procurement and Construction contract - hợp đồng tổng thầu, loại hợp đồng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công và chạy thử rồi mới bàn giao cho chủ đầu tư) cho nhà thầu Trung Quốc: 23/24 dự án xi măng, 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoảng sản, chưa kể các dự án giao thông, chưa kể ưu tiên cho thuê rừng và đất rừng ở biên giới.

Khi bàn về tự chủ kinh tế, ông Lê Ðăng Doanh, một chuyên gia kinh tế, tiếp tục thắc mắc tại sao lại xảy ra điều đó. Thực tế vừa kể đem lại bao nhiêu lợi ích quốc gia, bao nhiêu lợi ích cho các nhòm, các cá nhân?

Ông Doanh nhấn mạnh, Trung Quốc là “thầy” về mua chuộc, đút lót. Tình trạng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc phải chăng là do bị các nhóm lợi ích chi phối quá mạnh.

Không chỉ giành được phần lớn các hợp đồng thông qua đấu thầu, các doanh nghiệp Trung Quốc còn đang dốc tiền mua lại các doanh nghiệp khác ở Việt Nam, chẳng hạn mua lại Công Ty CP của Thái Lan để nắm quyền chi phối toàn bộ thị trường thức ăn gia súc, gia cầm ở Việt Nam.

Theo thống kê của Hải Quan CSVN, năm 2012, Việt Nam nhập cảng các loại hàng hóa, nguyên liệu từ Trung Quốc có giá trị 28.8 tỉ Mỹ kim, trong khi Trung Quốc cho biết, năm 2012, lượng hàng hóa, nguyên liệu mà Trung Quốc xuất cảng sang Việt Nam trị giá 34 tỉ Mỹ kim. Chênh lệch giữa thống kê nhập cảng và xuất cảng giữa hai bên là 5,2 tỉ Mỹ kim và ông Doanh nhận xét, khoản chênh lệch lớn bất thường đó phải chăng là qua đường tiểu ngạch.

Ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Cơ Khí Việt Nam, lặp lại điều mà nhiều người từng thắc mắc, vì sao nhà thầu Trung Quốc thường xuyên không thực hiện đúng hợp đồng, chất lượng công trình và thiết bị kém, già thành công trình thường xuyên cao hơn giá dự kiến... nhưng hầu hết các dự án vẫn tiếp tục được giao cho các nhà thầu Trung Quốc và chẳng ai ngăn chặn các nhà thầu này đưa từ Trung Quốc sang những loại vật tư, phụ tùng vốn có sẵn tại Việt Nam, cũng như đưa cả lao động phổ thông sang làm việc tại các công trình mà họ là tổng thầu?

Theo ông Thụ, bởi Trung Quốc thắng thầu hầu hết các dự án ở Việt Nam nên nay, khi tổ chức đấu thầu quốc tế chỉ có các nhà thầu Trung Quốc tham gia, nhà thầu của các nước khác không muốn tham gia nữa.

Ông Thụ khẳng định, thực trạng vừa kể là do các chủ đầu tư không có lương tâm.

Ông Thụ cho biết, Hiệp Hội Doanh Nghiệp Cơ Khí Việt Nam đã gửi văn bản cho thủ tướng và chủ tịch nhà nước, đề nghị kiểm tra lại toàn bộ các dự án do Trung Quốc đang thi công dở dang để huy động doanh nghiệp Việt Nam và các nhà thầu ngoại quốc khác hoàn tất những dự án này.

Ông Doanh cho rằng, vì các nhóm lợi ích chi phối các dự án đầu tư nên đã phát sinh nhiều “sơ hở không đáng có” khiến kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông Doanh đề nghị phải minh bạch và làm rõ trách nhiệm cá nhân.

Hồi hạ tuần tháng trước, sau khi các chuyên gia kinh tế, báo giới liên tục cảnh báo kinh tế Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc. Nếu Trung Quốc gây áp lực bằng cách cắt đứt quan hệ kinh tế - thương mại, kinh tế Việt Nam sẽ suy sụp, thông tấn xã Việt Nam đã thực hiện cuộc phỏng vấn ông ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nhà nước Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn đó, ông Sang tuyên bố, không để kinh tế Việt Nam phụ thuộc Trung Quốc.

Nhân vật là chủ tịch nhà nước Việt Nam cho biết, Việt Nam theo đường lối “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ” để “bảo đảm cùng có lợi và dứt khoát không để phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào trong cả kinh tế lẫn chính trị” song nhìn nhận, “một số lĩnh vực thực hiện không đúng chủ trương này, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế” và thừa nhận nhập siêu từ Trung Quốc “càng ngày càng lớn, liên tục” và trong đó có “các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất.” (G.Ð)

07-04- 2014 4:28:30 PM

No comments:

Post a Comment