Friday, July 4, 2014

'Cần Cả Một Thế Giới' hay trường hợp Ðỗ Thị Minh Hạnh


Ðã không ít người khóc khi được tin Ðỗ Thị Minh Hạnh được CS thả ra hôm 26 tháng 6 vừa qua. Ca Dao ở Pháp cũng khóc, chị Hương ở Houston, TX, cũng khóc, và Chương trình Văn hóa Nhân bản Lạc Việt phỏng vấn một số người ở California, cũng có người như Nguyên Dung khóc.

Mà không khóc sao được! Ta hãy nghe Ca Dao nói về trường hợp gặp Hạnh với [Nguyễn Hoàng Quốc] Hùng như thế nào: “Năm 2009, khi tiếp xúc với công nhân bên Mã Lai, tôi thấy họ tội nghiệp quá, ngây thơ quá, họ như thân nhộng phơi mình trước nỗi bất công của xã hội, giữa đàn áp của bọn chủ ác ôn. Và gặp Hạnh với Hùng. Cô cho tôi xem những tấm hình cô và Hùng lên tận Bauxit Tây Nguyên chụp về, cô kể về những buổi tối đi gặp dân oan... Sự nhiệt tình và lòng thương người của cô bé ấy đã làm tôi xấu hổ. Tôi sống an nhiên trong cái tháp ngà của mình trong khi quê hương còn bao nỗi!!! Kể từ đó, tôi quyết định ở lại với Lao Ðộng Việt.”

Thế rồi Ðỗ Thị Minh Hạnh, cô bé 25 tuổi, trở về VN lao mình vào Phong Trào Lao Ðộng Việt, làm việc với công nhân VN để tạo được một cuộc đình công thuộc hàng lớn nhất ở VN, tới 10 nghìn người ở hãng giầy Mỹ Phong, Trà Vinh, đòi được một số quyền lợi như tăng lương và cải tiến các điều kiện làm việc. Nhưng rồi Hạnh và Hùng và Ðoàn Huy Chương đã phải trả giá cho sự thành công của mình: sau khi bị bắt, Hùng đã lãnh án 9 năm tù giam, Chương và Hạnh mỗi người 7 năm.

Cả thế giới lên tiếng

Chính quyền CS tưởng đã bẻ gẫy được ý chí của Hạnh. Ra tòa, Hạnh không chỉ hiên ngang, khi tòa tuyên án, Hạnh đã cất tiếng hát và nói: “Ðể em hát cho hai anh nghe!” Vào tù, bị đưa vào sống chung với những người tù hình sự có bệnh HIV-AIDS và dù bị quản giáo xúi giục những người kia đánh Hạnh, Hạnh vẫn một lòng rộng lượng chia xẻ cơm quà cho họ, và tuy nhỏ người Hạnh vẫn tìm cách bảo bọc cho bà Mai Thị Dung, một tín đồ Hòa Hảo bất khuất. Chuyện về Hạnh, kể không hết được. Vì được những bạn tù khác thương yêu, Hạnh đã viết được một bức thư dài trên 10 trang gửi về cho ba Hạnh kể hết những chuyện gì đã xảy ra cho Hạnh. Khi Hạnh từ chối lao động cưỡng bức (bóc hột điều để phải phỏng các ngón tay), Hạnh bị chúng đánh đến điếc một bên tai. Khi Hạnh thấy có u ở ngực, các quản giáo cũng không cho Hạnh đi khám bác sĩ. Những chuyện xảy ra cho Hạnh biến người mẹ hiền lành, sợ sệt là bà Trần thị Ngọc Minh, trở thành một con hổ dữ, một con hùm mẹ quyết trốn khỏi VN để đi khắp thế giới cầu cứu cho con. Sau khi được Ba Lan cung cấp giấy tờ tỵ nạn, bà đã sang Mỹ, Canada, Úc Châu, Ðức, đến đâu bà cũng không ngần ngại ra trước Quốc Hội các nước nói lên tiếng nói bênh vực cho Chương Hùng Hạnh.

Và kết quả thì như ta đã thấy, theo blog của Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn: “Ðược biết hồ sơ Ðỗ Thị Minh Hạnh được nêu ra trong quá trình thương thuyết gia nhập Hiệp Ðịnh Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Ðỗ Thị Minh Hạnh được biết tới như một nhà đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người công nhân tại Việt Nam. Cô bị bắt năm 2010, khi đó mới 25 tuổi, với cáo buộc ‘xúi giục’ công nhân của một công ty giày da tỉnh Trà Vinh tổ chức đình công. Cô bị xử 7 năm tù giam với tội danh ‘phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân’ theo điều 89 Bộ luật Hình sự, vì đã rải truyền đơn kích động công nhân biểu tình, đình công.

“Ðây là một điều đáng mỉa mai, vì Ðảng CSVN - đại diện trung thành cho lợi ích của giai cấp lao động - là người người bắt giữ Ðỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Ðoàn Huy Chương. Trong khi chính phủ Hoa Kỳ, đại diện cho chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản bóc lột người lao động, lại là người can thiệp để Việt Nam phải trả tự do cho Hạnh và đòi hỏi một hệ thống công đoàn thực sự độc lập và thực sự vì quyền lợi của người công nhân được thiết lập ở Việt Nam.

“Trong 4 năm bị giam cầm, Hạnh vẫn tiếp tục đấu tranh phản kháng sự áp bức bóc lột sức lao động của các tù nhân từ công an trại giam. Vì lý do này cô đã bị đối xử tàn tệ, bị đánh đập và chuyển trại ra miền Bắc - xa gia đình, rất khó khăn cho việc thăm nuôi. Sức khỏe của Hạnh cũng suy yếu nhiều, dù năm nay cô mới 29 tuổi.

“Hai tuần trước đã có tin Hạnh sẽ được trả tự do, nhưng cuối cùng điều đó đã không thành sự thật vì Hạnh từ chối ký giấy tờ cơ quan công an ép cô ký. Chúng tôi mong rằng lần này Hạnh sẽ được trả tự do thực sự, và xin gửi lời chúc mừng tới Hạnh và gia đình!

“Không còn là tin đồn nữa. Khi chính một nữ cựu tù nhân lương tâm còn trong vòng quản chế như Phạm Thanh Nghiên nghẹn ngào cho tôi biết, và chính anh Ðỗ Ty - cha của Hạnh - xác nhận qua điện thoại, thì mọi ngờ vực đều tan biến.

“Chiều muộn ngày 27 tháng 6, 2014, Ðỗ Thị Minh Hạnh - cánh chim báo bão những năm về trước đã làm cộng đồng dân chủ trong nước và hải ngoại tràn ngập một niềm vui khó tả: cô vừa được tự do!

“Hạnh đang trên đường về nhà!”

“Hầu tương tự như trường hợp của “người tù xuyên thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu, những tin tức đầu tiên về việc Minh Hạnh có thể được “cho về” đã xuất hiện cách thời điểm trả tự do khoảng một tháng. Và trong khoảng thời gian một tháng ấy, “họ cố ép tôi ký bản nhận tội, nhưng tôi nói rõ với họ là tôi không ký vì tôi không có tội gì hết!” - tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu thản nhiên thuật lại và còn ngâm nga bài thơ “Con Bò Kéo Xe” của ông.

“Cách đây chưa đầy một tuần, những thông tin từ gia đình Ðỗ Thị Minh Hạnh và người mẹ vận động không mệt mỏi cho cô như đã cảnh báo về ý đồ ‘giấy nhận tội’. Lẽ đương nhiên, ai cũng hiểu đó là quán tính của một chính thể chưa thể quen với quán tính bắt buộc phải thừa nhận sai lầm khi bắt người, nhất là khi người đó lại chỉ đấu tranh cho quyền lợi của công nhân Việt Nam chứ chẳng hề nhắm tới động cơ lật đổ chế độ hiện hành.

“Vào buổi sơ khai của phong trào đấu tranh công nhân, hành động chính quyền bắt ba người tranh đấu Ðỗ Thị Minh Hạnh, Ðoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cũng tràn sắt máu nguyên thủy. Không một ai được thanh minh, cũng chưa từng có một dấu hiệu thỏa hiệp nào của Nhà nước Việt Nam với nhu cầu công đoàn độc lập quá sức bức bối.”

Khác hẳn với giờ đây...

“Giờ đây, gần 1,000 cuộc đình công của công nhân diễn ra hàng năm tại nhiều vùng ở Việt Nam đã đủ chứng minh cho tính ‘ưu việt’ đến thế nào của Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam - một cơ quan công quyền nhưng trung gian để trực tiếp hưởng 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp và cũng ăn vào công sức lao động của công nhân, một tổ chức “đại diện cho quyền lợi của công nhân” song đã chưa từng chấp nhận bất kỳ một cuộc đình công nào trên toàn quốc, ngược hẳn với mối giao hảo chung chịu của họ với giới chủ doanh nghiệp.

“Giờ đây và khác hẳn với thời kỳ làn sóng công nhân tranh đấu bị đàn áp, chính thể cầm quyền ở Việt Nam đang phải dần chấp nhận đòi hỏi về định chế công đoàn độc lập do người Mỹ và phương Tây đặt lên bàn đàm phán Hiệp định TPP. Không phải vô cớ mà cũng vào tháng 6 này, hơn 150 dân biểu Quốc Hội Mỹ đã đồng gửi thư kiến nghị cho đại diện thương mại Hoa Kỳ về ‘không TPP nếu không có công đoàn độc lập’ và ‘Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Ðỗ Thị Minh Hạnh’.

“Cũng không phải vô cớ mà kịch bản cánh chim báo bão Ðỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do vô điều kiện không chỉ là niềm vui bất ngờ của cô và gia đình, mà còn khiến bật lên một tia hy vọng lớn lao hơn nhiều: đã có tín hiệu về một khả năng nào đó tổ chức công đoàn độc lập được chính quyền ‘thí điểm’ ở Việt Nam trong vài năm tới.

“Hãy khóc...”

“Nếu có thể nhớ lại, hãy nên so sánh những bước chân của Hạnh bần thần ra khỏi phòng giam với không khí òa vỡ của đám đông vào tháng 8, 2013, khi nữ sinh áo trắng Phương Uyên đột ngột được phóng thích ngay tại tòa Long An. Ðể sau tháng 8 ấy là một sự chuyển mùa dân chủ ở Việt Nam, nơi mà tiếng chim hót dân sự đã không còn bị vùi dập quá tàn nhẫn.

“Cánh chim báo bão Minh Hạnh hẳn cũng như vậy thôi. Phía trước không chỉ là bầu trời tự do với riêng cô, mà một chân trời mới đang hé rạng cho các tổ chức xã hội dân sự ở đất nước đầy cam go này, nơi mà mới đây 16 tổ chức dân sự đã tiếp bước Hạnh để ra một tuyên bố về sự cần kíp xây dựng tổ chức công đoàn độc lập cho 5 triệu công nhân Việt Nam.

“Hạnh hãy khóc đi, những giọt nước mắt xiết bao ơn nghĩa với Người Mẹ và Dân Tộc...”

Và cuối cùng, để kết, chúng tôi xin cho in lại như một thứ phụ lục bản Thông Cáo Báo Chí của Lao Ðộng Việt tổng kết tất cả những nỗ lực của người Việt hải ngoại trong thời gian Ðỗ Thị Minh Hạnh bị cầm tù, để thấy rằng chúng ta là một cộng đồng thật đoàn kết khi chúng ta có những gương sáng như Ðỗ Thị Minh Hạnh và Chương Hùng soi con đường đi tới của tuổi trẻ Việt Nam.

Ghi chú:

“Cần Cả Một Thế Giới” lấy ý từ câu “It takes a village to educate a child” (Cần cả một làng để dạy cho một em nhỏ), là một câu châm ngôn của người Trung Nam Mỹ. Ở đây, chúng tôi xin mượn hình ảnh này để nói rộng ra.

07-03- 2014 4:19:30 PM
 Tâm Việt
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=191088&zoneid=271#.U7bU5JRdXKg

No comments:

Post a Comment