(Kênh 13) – Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân tại một số làng quê ở Hà Tĩnh phải bán lúa gạo, vay mượn tiền đóng phí, đóng quỹ. Trong số đó có cả phí nuôi vịt, quỹ phụ cấp cán bộ..
Một số địa phương còn thông qua HĐND xã ấn định mức thu đối với từng hộ, từng khẩu, từng sào ruộng, từng vật nuôi… khiến người dân không đồng tình.
Ba cấp “đè” thu
Vừa đến xóm Trà Dương, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, chúng tôi thấy rất đông người dân đang hội họp ở hội quán để nghe lãnh đạo xóm phổ biến những khoản thu của năm nay. Danh sách những hộ dân phải đóng phí được dán lên tường nhà hội quán.
Thấy chúng tôi đứng xem, bí thư xóm Trà Dương nhiệt tình chỉ cho biết danh sách bên phải do xã thu, bên trái xóm thu. Ông bí thư xóm giới thiệu các khoản thu năm 2014 của xã, có quỹ xây dựng cơ bản thu đầu khẩu 150.000 đồng là cao nhất. Những khoản thu còn lại như quỹ an ninh quốc phòng 40.000 đồng/hộ, quỹ đền ơn đáp nghĩa 15.000 đồng/lao động, quỹ chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em 5.500 đồng/lao động, quỹ thiên tai 5.500 đồng/lao động, quỹ khuyến học 5.500 đồng/khẩu, quỹ tiêm phòng thu mỗi con trâu, bò, bê, nghé 25.000 đồng, mỗi con heo 10.000 đồng. Riêng quỹ hỗ trợ phụ cấp cán bộ đoàn thể xã, xóm, ngoài thu đầu khẩu 15.000 đồng còn thu 15.000 đồng/sào.
“Việc thu quỹ ở các xã để phụ cấp cán bộ là huyện nghiêm cấm. Hiện nay nhiều địa phương thu hơi vô lý. Ví dụ gia đình tôi ở thị trấn Nghèn không nuôi chó nhưng phải nộp quỹ tiêm phòng” – Ông Nguyễn Duy Cường Trưởng Phòng tài chính huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Gia đình bà Hoa là hộ nghèo ở xóm Trà Dương. Bà Hoa kể nhà bà có bốn khẩu, làm 4 sào ruộng, năm nào cũng đóng hơn 2 triệu đồng tiền phí, tiền quỹ. Bà Hoa nhẩm sơ sơ đợt này phải nộp 750.000 đồng cho xã, hơn 200.000 đồng cho HTX nông nghiệp, hơn 400.000 đồng cho xóm. Đến đợt hai, hết vụ hè thu, xã không thu nhưng xóm và hợp tác xã lại “đè” vào khẩu và sào ruộng mà thu.
“Chồng tôi bị bệnh não, hai đứa con đang đi học, để có tiền đóng các loại phí ngoài bán lúa tôi còn phải đi vay mượn. Đến tháng chạp trong nhà không có hạt thóc để ăn” – bà Hoa nói như khóc.
Một phụ nữ ở xóm Trà Dương, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) rà danh sách xem gia đình chị phải đóng phí bao nhiêu.
Người dân ở đây cho biết hộ nào đóng phí chậm sẽ bị xóm trưởng đọc lên loa phóng thanh nhắc nhở, hộ nào không chịu đóng thì lúc đi làm giấy tờ sẽ bị cán bộ gây khó. Ông Tâm, ở xóm Trà Dương, cho rằng có một số quỹ xã thu khó hiểu. Như quỹ tiêm phòng, nhà ông nuôi hai con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng, không tiêm phòng nhưng vẫn bị liệt kê vào để thu mỗi con 15.000 đồng. Hay chuyện đóng phí rải cát sỏi đường nội đồng, xóm thu 25.000 đồng/khẩu và 52.000 đồng/sào…
Ông Ngô Đức Chương, bí thư xã Quang Lộc, xác nhận ngoài các quỹ thu đúng chủ trương của Nhà nước, xã có đề ra một số quỹ đã được thông qua HĐND xã, có lên phương án về thu chi các khoản. Còn những khoản thu của xóm hay các HTX đều được họp, bàn bạc, lấy ý kiến của người dân…
Nợ 750.000 đồng phí nuôi vịt
Anh Nguyễn Danh Thịnh, xóm Phúc Sơn, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, cho biết năm nay xã có giảm thu một số quỹ so với mấy năm trước nhưng gia đình anh vẫn phải đóng đến 1,5 triệu đồng! Trong đó có những khoản thu hết sức vô lý. Chẳng hạn như quỹ bảo vệ gia súc, gia cầm ngoài thu 10.000 đồng/con còn thu 17.000 đồng/hộ, quỹ xây dựng trường chuẩn quốc gia năm nào cũng thu nhưng trường vẫn chưa đạt chuẩn, quỹ phụ cấp cán bộ xóm thu 36.000 đồng/khẩu, quỹ tang tế 4.000 đồng/khẩu…
“Mấy năm trước chúng tôi đóng nhiều lắm như phí máy cày, máy tuốt lúa, phí nuôi vịt. Năm nay quỹ bảo vệ gia súc, gia cầm thu cả những hộ không chăn nuôi” – anh Thịnh nói.
Chuyên lạ giữa thủ đô: Ôtô vào ngõ phải trả tiềnMuốn cho xe ôtô vào ngõ phải trả tiền từ 10.000 – 20.000đ/lượt, kể cả xe của người dân sinh sống trong khu dân cư. Mức phí này do một nhóm người trong khu dân cư tự đặt ra và họ cho rằng UBND phường Thanh Xuân Nam đã đồng ý.
Xem danh sách đóng phí năm 2014, chị Đặng Thị Thảo ở xóm Phúc Sơn thấy khoản nợ phí nuôi vịt 750.000 đồng của gia đình chị vẫn còn đó, chị nói với cán bộ xóm rằng khi nào xã xóa khoản nợ này thì chị mới đóng đầy đủ các khoản khác. Chị Thảo kể cách đây hai năm, người dân chăn nuôi vịt con phải nộp phí 1.000 đồng/con, vịt đẻ trứng nộp phí 2.000 đồng/con. Ban đầu gia đình chị nuôi đàn vịt sáu, bảy chục con thì còn cố đóng phí, nhưng khi nhân đàn vịt lên 600 con, khoản phí phải nộp lên đến 750.000 đồng/năm là quá lớn nên gia đình chị không đóng.
Ông Thân Văn Nam – Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc – thừa nhận, trước đây xã có thu phí nuôi vịt và phí sử dụng máy cày, máy tuốt lúa của dân. Sau khi thấy những khoản thu này không hợp lý xã đã xóa bỏ.
Ông Nam còn khoe năm nay để có tiền đối ứng xây dựng trạm xá xã, địa phương có thu 80.000 đồng/khẩu, cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn xuống cấp thì xã lập ra quỹ xây dựng trường chuẩn quốc gia, thu 80.000 đồng/khẩu.
Ngoài ra, nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi, xã buộc những hộ dân không chăn nuôi phải đóng quỹ. “Những khoản thu đều có sự nhất trí của người dân. Các anh xem, đến nay xã đã thu đạt hơn 80% thì biết người dân đồng thuận hay không” – ông Nam nói.
Tăng thêm gánh nặng cho nông dân
Ông Nguyễn Duy Cường, trưởng Phòng tài chính huyện Can Lộc, cho rằng các khoản thu, đóng quỹ ở các xã phải được họp dân và lấy ý kiến dân, không được thông qua HĐND xã để buộc dân phải đóng. Còn việc thu quỹ phụ cấp cán bộ ở xã Quang Lộc và xã Sơn Lộc là không hợp lệ vì hằng năm đã có ngân sách nhà nước chi trả. Xã nào thu nhiều quỹ quá sẽ tăng thêm gánh nặng cho nông dân.
Trả lời câu hỏi rằng huyện sẽ chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở các xã thế nào, ông Cường cho biết sẽ từng bước quản lý để giảm bớt các khoản thu phí của các xã.
No comments:
Post a Comment