Friday, July 4, 2014

Tổng Bí thư: “Ngư dân còn bám biển là Tổ quốc còn chủ quyền“

VOV.VN -Tổng Bí thư nêu rõ, cùng với phát triển kinh tế và đời sống, Phú Quý phải làm tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Ngày 3/7, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Thuận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra thăm huyện đảo Phú Quý. Đây là lần đầu tiên, Tổng Bí thư ra thăm cán bộ, nhân dân và chiến sĩ ở huyện đảo này. Cùng đi với Tổng Bí thư có lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành của Trung ương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Cùng với phát triển kinh tế và đời sống, huyện đảo phải làm tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà các gia đình liệt sĩ ở xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý
Huyện đảo Phú Quý nằm ở vị trí tiền tiêu đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo và nhiệm vụ an ninh – quốc phòng. Huyện đảo có 3 xã với hơn 27 nghìn người. Kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, tập trung đầu tư, phát triển cả về năng lực khai thác, chế biến, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hoạt động kinh tế biển của ngư dân gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tại xã Tam Thanh, trung tâm giao lưu kinh tế trọng điểm của huyện, cán bộ và nhân dân vui mừng chào đón nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng tới thăm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trao đổi trực tiếp với cán bộ, nhân dân về việc tổ chức và hoạt động ngư nghiệp; về ngư trường, dịch vụ, chế biến, tiêu thụ hải sản; về việc học hành, cung cấp nước ngọt, điện; về cách thức sinh hoạt đảng khi có những đảng viên bám biển dài ngày…
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với cán bộ, nhân dân xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý
Ngư dân Huỳnh Triển, 69 tuổi, bộc bạch về những khó khăn khi khai thác, đánh bắt nhất là ở ngư trường khu vực quần đảo Hoàng Sa sau khi phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngư dân Huỳnh Triển đề nghị Chính phủ cho vay dài hạn hay bằng cách nào đó để để dân sắm tàu lớn, máy lớn bám biển dài ngày và để người dân tiếp tục khai thác đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Tổng Bí thư rất vui khi được biết ngư dân Tam Thanh đã tham gia nghiệp đoàn nghề cá và tổ chức các tổ đoàn kết khi khai thác xa bờ. Bà con đã được sử dụng điện với giá như trong đất liền. Xã đã phổ cập trung học cơ sở và có 2 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chia sẻ những khó khăn mà cán bộ và nhân dân xã Tam Thanh nói riêng, huyện Phú Quý nói chung đang gặp phải do ở xa đất liền, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khó khăn về ngư trường đánh bắt...
Tổng Bí thư mong rằng xã Tam Thanh nói riêng và huyện Phú Quý cần tiếp tục phát huy thế mạnh vươn khơi, bám biển, trong đó nhấn mạnh: “Đánh bắt xa bờ là chủ trương chiến lược. Muốn đánh bắt xa bờ tốt phải có phương tiện tốt, tổ chức công việc tốt, tổ chức hợp tác liên doanh, có nghiệp đoàn, có chế biến, có dịch vụ đi kèm, tổ chức tốt thì mới làm được. Đánh bắt xa bờ phải kết hợp với bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ ngư trường của chúng ta”.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương và dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Làm việc với cán bộ chủ chốt của huyện Phú Quý, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị huyện cùng với việc đánh bắt phải phát triển nuôi trồng thủy hải sản đề kết hợp, bổ sung cho nhau, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động. Huyện đảo từng bước khai thác điều kiện tự nhiên và thế mạnh tại chỗ để trồng trọt, chăn nuôi những cây, con phù hợp, từng bước có thể tự túc được những nhu cầu thiết yếu, không phụ thuộc hoàn toàn vào đất liền. Lâu dài trên đảo phải có hồ chứa nước ngọt; phải trồng cây, trồng rừng để duy trì nguồn nước ngầm; quan tâm tới phát triển giáo dục và y tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị huyện đảo phải làm tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng tại một vị trí chiến lược của hệ thống phòng thủ ven biển phía Nam nước ta.
Tổng Bí thư cũng đề nghị Đảng bộ huyện Phú Quý tập trung làm tốt  công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính quyền tốt, thủ tục hành chính thông thoáng, chống cho được tham ô, nhũng nhiễu, lãng phí
Thăm các lực lượng vũ trang của huyện đảo Phú Quý, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và chúc mừng những thành tích trong công tác, lao động và sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Tổng Bí thư lưu ý dự báo thời gian tới tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp vì vậy lực lượng vũ trang trên đảo không được phép chủ quan, không một phút lơ là, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu. Cùng với việc phát huy truyền thống anh hùng, các đơn vị công an, bộ đội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp nhịp nhàng, dự báo và nắm chắc tình hình để đề ra các phương án đối phó, tuyệt đối không được để bị động, bất ngờ cả ở trong nội địa và ngoài biển khơi, bảo vệ ngư dân, ngư trường.
Tổng Bí thư chúc cán bộ, nhân dân và chiến sĩ huyện đảo Phú Quốc cùng nhau đoàn kết, chung sức xây dựng đảo phát triển bền vững, giàu mạnh hơn nữa, đúng như tên gọi của đảo là đảo Phú Quý.
Chiều nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Nam- một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất, chế biến thủy sản và nông sản tại thành phố Phan Thiết. Tổng Bí thư và các thành viên đoàn công tác đã thăm dây chuyền và tìm hiểu một mô hình sản xuất theo hướng chuyên sâu, theo chuỗi liên kết giữa nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu.
Các sản phẩm của Công ty như thủy sản, nấm mèo, bánh tráng, yến sào đã vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu. Không chỉ tập trung vào sản xuất, Công ty còn chú ý tới công tác xã hội, chăm lo đời sống của người lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Trước đó, chiều 2/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bình Thuận; thăm di tích trường Dục Thanh. Tổng Bí thư xúc động khi  xem những hiện vật, nghe những câu chuyện về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phan Thiết, Bình Thuận.
Năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Bác Hồ lúc 20 tuổi) đã dừng chân dạy học tại đây, truyền thụ tới học sinh không chỉ kiến thức mà còn khơi dậy lòng yêu nước, yêu con người trong thanh niên. Tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn để sau đó ra nước ngoài tiếp tục bôn ba tìm đường cứu nước./.
Vũ Duy/VOV

No comments:

Post a Comment