Friday, July 4, 2014

Cần cảnh giác với “Siêu sâu” nhập từ Trung Quốc


(Kênh 13) – Những bài học về gián đất, ốc bươu vàng, đỉa… mà thương lái Trung Quốc tạo ra còn chưa nguội, thị trường hiện nay lại xuất hiện một loại côn trùng khá đặc biệt đó là “Siêu sâu” – super worm. Với sức sinh trưởng chóng mặt, chỉ 1 kg sâu, sau 4 tháng nhân nuôi có thể tạo ra 130kg sâu thương phẩm. Cơ quan chức năng đã từng khuyến cáo, đây là 1 loại côn trùng nguy hại tới môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng loại siêu sâu này vẫn được bày bán, nhân nuôi công khai khắp các vùng miền.


Cần cảnh giác với siêu sâu (sâu gạo) có tốc độ phát triển chóng mặt này!
Bày bán công khai
Thức ăn chủ yếu “sâu gạo” hay còn gọi là siêu sâu là những loài thực vật, nó còn ăn cả các loại thịt sống, nếu tiến hành nuôi nhốt với rùa nó có thể gặm hết cả mai rùa chỉ vỏn vẹn trong vài giờ. Với kích thước dài từ 23 cm, to chừng chân cây hương, nếu như không may loại này xổng ra ngoài môi trường tự nhiên, trong vòng 15 ngày chúng có thể to lên gấp 10 lần kích thước cũ. Nói vậy để thấy được sự tàn phá, phát triển nhanh đến khủng khiếp của loại sâu được mệnh danh là “siêu sâu” này.
Đối với dân chơi chim cảnh, cá cảnh chẳng còn lạ lẫm gì với cái tên “siêu sâu” hay “sâu gạo”. Loại sâu này bắt đầu du nhập vào Việt Nam 4 năm trở lại đây và trở thành món ăn khoái khẩu của các con vật cưng. Chẳng khó khăn gì để tiếp cận các cửa hàng bán “siêu sâu”, bởi mặt hàng này bán rất công khai. Anh Toàn, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh thức ăn cho chim cảnh (Khu vực chợ Hà Đông) cho hay: “Giá mỗi cân siêu sâu này khá cao, dao động từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng/kg, tùy thuộc theo mùa. Tuy nhiên giá cả như vậy không phải là vấn đề quá lớn đối với dân chơi chim cảnh, cá cảnh. Bởi vì chim cảnh ăn loại sâu này sẽ giúp đẹp mã, đặc biệt chim sẽ sung hơn, giọng hót cũng cải thiện hơn”.
Theo chia sẻ của những chủ cửa hàng trên địa bàn Hà Nội thì “siêu sâu” này chủ yếu được nhập từ cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Do yếu tố thời tiết nên các tỉnh phía Bắc chưa thể nuôi và nhân giống được loại sâu này. Anh Toàn cho biết: “Chính vì miền Bắc chưa tự nuôi được nên giá ở ngoài này mới đắt như vậy. Sâu chủ yếu được nhập từ cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn hoặc từ các tỉnh phía Nam chuyển ra. Điều đặc biệt việc bảo quản và chăm sóc loại sâu đặc biệt này rất đơn giản là chỉ cần cho sâu vào thùng nhựa, không đậy nắp. Hàng ngày cho cám ngô, hoặc vụn bánh mỳ là có thể sống được cả tháng. Thậm chí không cho ăn 2, 3 ngày sâu vẫn bình thường”.
Do lợi nhuận rất cao từ loại “siêu sâu” này, hiện nay trên một số trang mạng có rao bán sâu thành phẩm, sâu giống. Thậm chí còn hướng dẫn cách nuôi. Tuy vậy, sâu gạo chủ yếu được nhân nuôi ở các trang trại từ miền Trung đổ vào đến Nam Bộ: Lâm Đồng, Phú Yên, Đồng Nam, An Giang, Vĩnh Long… Hiện được một số gia đình được coi là mô hình chăn nuôi có thu nhập cao.
Trên các trang mạng phổ biến cách nuôi có đưa ra những hộ gia đình đã và đang làm ăn được nhờ nuôi sâu được như gia đình anh Nguyễn Hữu Thanh (huyện An Phú, Tỉnh An Giang) là chủ hai trang trại nuôi sâu gạo lớn ở An Giang và Kiên Giang. Xưởng của anh đã có hơn 50 khay nuôi siêu sâu. Mỗi ngày bán được 6 – 8 kg sâu, mức giá bán buôn khoảng 100.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi tháng gia đình anh Thanh cũng thu về được ngót 20 triệu đồng.
Tuy vậy những chủ đại lý tại Hà Nội muốn có nguồn, duy nhất chỉ có thể nhập từ cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn. Anh Nguyễn Quang Thắng, chủ một đại lý thức ăn cho chim, cá cảnh (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi phải lên cửa khẩu để nhập siêu sâu này về bán. Nhưng bây giờ nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn các con buôn từ cửa khẩu về tận Hà Nội đổ cho các đại lý”. May mắn chúng tôi có dịp được tiếp xúc với đầu buôn từ cửa khẩu Tân Thanh chuyên chở hàng về đổ cho các đại lý ở Hà Nội.
Anh Trần Viết Hòa chia sẻ không một chút cảnh giác: “Sâu này bọn em nhập từ Trung Quốc về, loại này cũng dễ bảo quản nên không lo bị ế hàng. Sau khi nhận được đơn đặt hàng của các đại lý ở Hà Nội em sẽ đánh một chuyến xuống để đổ. Mỗi chuyến dao động khoảng 1 tạ đến 1,5 tạ”. Theo anh Hòa siêu sâu này phát triển mạnh vào tiết xuân, từ tháng 2 đến tháng 4. Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sâu. Những lúc đó các cơ sở bên Trung Quốc sẽ sản xuất rất cầm chừng. Khi hàng khan hiếm giá sâu sẽ được đẩy lên khá cao, thậm chí gấp đôi giá thông thường.
Giá bán tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cho mỗi cân sâu gạo dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Khi về đến Hà Nội giá sẽ được đẩy lên khoảng 300.000 đến 350.000 đồng/kg. Anh Hòa cho biết thêm: “Nếu đúng giá thật chúng tôi mua bên Trung Quốc chỉ khoảng 50.000 đến 70.000 đồng/kg. Nếu cần số lượng lớn chúng tôi phải hẹn đặt bên kia trước khoảng 1 tuần, thậm chí cả tháng trời”.
Không cho ăn 2 – 3 ngày sâu vẫn bình thường
Đừng để “siêu sâu” trở thành đại dịch
Theo thông tin từ cơ quan chức năng cho đến hôm nay “siêu sâu” hay còn gọi là super worm chưa có tên trong danh mục vật nuôi nông nghiệp tại Việt Nam. Đơn giản bởi chúng có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Việc nuôi, phóng thích loại “siêu sâu” này chắc chắn là hành vi vi phạm pháp luật. Để tránh tình trạng tái diễn đại dịch như ốc bươu vàng, rất nhiều chi cục bảo vệ thực vật các tỉnh (đặc biệt các tỉnh phía nam) đã đưa ra khuyến cáo cấm nhân nuôi, phóng thích sâu gạo.
Điều đặc biệt, khi những khuyến cáo của cơ quan chức năng đã đưa ra từ khá lâu nhưng những người đang trực tiếp thu mua, bảo quản hay nuôi thậm chí cũng không hề hay biết. Anh Trần Viết Hòa (chuyên thu mua sâu gạo từ Lạng Sơn về đổ cho các đại lý tại Hà Nội) cho hay, chưa hề nghe thông tin là cấm thu mua, nuôi, phóng thích loại sâu này. Anh Hòa nói: “Nếu biết Nhà nước cấm thì tôi chẳng dại gì mà làm nghề này. Thiếu gì nghề kiếm tiền mà phải làm nghề vi phạm pháp luật?”.
Nghiêm cấm việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích Super worm
Công văn số 617/BVTV-KD ngày 24/4/2014 của Cục bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo:
-Sâu Super worm là loại côn trùng ăn tạp, phàm ăn, chưa có tên trong danh sách vật nuôi nông nghiệp và có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Vì vậy việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Super worm là hành vi vi phạm pháp luật.
-Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm túc các tổ chức, cá nhân có hành vi nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Super worm (Zaphobas morio). Quy định xử phạt các hành vi này theo Nghị định 114/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt các hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Hơn nữa, những trang mạng, diễn đàn như agriviet.com, arowana.com… các thành viên cũng tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin siêu sâu bị cấm lưu hành. Các thành viên này phản ứng khá tiêu cực trước những khuyến cáo của các chi cục bảo vệ thực vật của các tỉnh đưa ra.
Một thành viên có tên Nông Dân Cần Cù bức xúc: “Tôi vô cùng bất ngờ trước thông tin có khuyến cáo cấm loài sâu này. Thực chất loài sâu này không có hại gì tới môi trường, cây trồng cả. Đã rất nhiều bà con nông dân giầu lên trông thấy nhờ nuôi sâu gạo, họ đã đầu tư cả chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu để nuôi thành công loài sâu này. Không thể cấm được”.
Đối với những người trực tiếp bán super worm (siêu sâu) khi được hỏi thường không hiểu rõ về tên gọi từng loại sâu. Nhiều cửa hàng cho rằng mình chỉ bán loại sâu rồng (sâu cho cá rồng), sâu chim… chứ thực không bán super worm. Tuy vậy, các chủ cửa hàng bán sâu đang nhầm lẫn tên gọi, và chỉ gọi chung chung các loại sâu trên thị trường bằng cái tên sâu gạo.
Trên một khía cạnh khác, các chủ cơ sở bán super worm khi được hỏi thường mập mờ về tên gọi từng loại sâu. Không ít cơ sở phủ nhận rằng hoàn toàn không hề bán super worm mà chỉ bán… sâu rồng (sâu dùng làm thức ăn cho cá rồng), sâu nuôi chim… Tuy nhiên, đây là sự nhầm lẫn trong tên gọi, đặc biệt là những người chưa phân biệt được thường gọi chung chung các loại sâu trên thị trường bằng tên… sâu gạo.
Siêu sâu được dân chơi chim rất ưa chuộng
Ở Việt Nam, “sâu nuôi chim” được chia làm 3 loại là: super worm (còn có tên khác là sâu gạo, siêu sâu – PV), meal worm hay mini worm. Điểm chung của 3 loại trên là chúng đều rất phàm ăn. Tuy nhiên, kích cỡ, đặc điếm sinh trưởng và giá cả phân phối chúng trên thị trường có nhiều nét khác nhau. Việc không biết hoặc nhầm lẫn loại sâu bị cấm super worm vô tình đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều…
Chia sẻ với truyền thông ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục bảo vệ Thực vật) cho biết:
Sâu gạo tiếng Anh gọi là superworm (Siêu sâu). Sâu này ăn rất nhiều thứ, với kiểu ăn tạp giống ốc bươu vàng. Việc nhân nuôi tự phát, phát triển mạnh ở khu vực Nam Bộ, riêng miền Bắc chúng tôi chưa thống kê được cụ thể các cơ sở nhân nuôi.
Sâu gạo là loại sinh sống tự nhiên ở Nam và Trung Mỹ, như thể nó không thể là con vật nuôi nhân tạo. Nó được người ta bắt về nuôi nên không thể nói là nó không tồn tại ngoài môi trường tự nhiên và không ẩn tàng nguy hại được”.
Ông Hà nói thêm, cấm thì không phải bây giờ mới cấm, trong pháp lệnh nghiêm cấm vật nuôi có điều khoản là cấm phát tán các giống ngoại lai không có trong danh mục được cấp phép. Việc nhân nuôi như một số nơi hiện nay đều mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ và trái quy định. Để tránh thiệt hại có thể có cho môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đối với những vật nuôi gây hại tiềm ẩn, chưa được cơ quan Nhà nước cấp phép thì người dân không nên tự ý nhân nuôi.
Trước mắt chúng tôi mới tuyên truyền. Nếu người dân muốn nuôi phải lên đăng ký với cơ quan chức năng, lực lượng chức năng sẽ khảo nghiệm mức độ loại này với môi trường như thế nào. Sau khi nghiên cứu mới xem xét đưa vào danh sách vật nuôi hay không rồi mới cấp phép”.

No comments:

Post a Comment