Friday, July 4, 2014

Khi tiểu ngạch Việt – Trung bị siết chặt

Vũ Hoàng, phóng viên RFA 2014-07-03
Hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai.AFP photo

Bộ NN&PTNT Việt Nam mới đây cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch, một số cửa khẩu có khả năng sẽ dừng hoạt động để họ chấn chỉnh các quy định.

Siết tiểu ngạch, lợi hay hại?

Thông tin về việc Trung Quốc tới đây sẽ siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn công bố vào chiều ngày 27/6 vừa qua, mặc dù theo ông Tuấn đây là việc mà Trung Quốc “trước đây từng làm nhiều lần” nhưng ngay lập tức Bộ NN&PTNT đã bàn bạc để “hạn chế rủi ro.”.Theo lãnh đạo bộ, nếu thị trường Trung Quốc bị hạn chế thì những mặt hàng Việt Nam bị ảnh hưởng nặng sẽ là cao su, thanh long, một số loại rau củ quả và những mặt hàng tươi sống.
Mặc dù, cho đến thời điểm này vẫn chưa có những số liệu chính thức về thương mại tiểu ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian gần đây, nhưng chắc chắn con số này không phải là nhỏ vì năm 2010, Bộ Công thương thống kê giá trị buôn bán tiểu ngạch lúc đó là khoảng 10 tỉ đô la chưa kể những khối lượng giao dịch không qua kê khai, trốn thuế, hàng lậu… các cửa khẩu chính yếu tập trung ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Hiện tại, chủ yếu nông sản của VN xuất sang TQ đều qua đường tiểu ngạch, vì thế, nếu một số cửa khẩu TQ dừng hoạt động, giao thương tiểu ngạch hạn chế, việc xuất khẩu nông sản của VN sẽ gặp nhiều khó khăn, hàng hóa bị dồn ứ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con nông dân. Hơn nữa, nếu hoạt động tiểu ngạch hai chiều bị chặn đứng thì nguồn thuế của Việt Nam cũng bị thất thu…
Trước động thái mới này của Trung Quốc, T.S Kinh tế Phạm Chí Dũng, cho biết quan điểm của ông:
Chúng ta đặt lại vấn đề là vì sao TQ chỉ siết tiểu ngạch mà không chính ngạch, tôi cho rằng đây là một bước thăm dò của TQ đối với sức khỏe nền kinh tế Việt Nam, cũng như là bước thăm dò khi mà TQ đưa giàn khoan HD 981 vào khu vực Biển Đông mà không phải là tàu quân sự của TQ vào khu vực Biển Đông. Đây là một bước về thăm dò kinh tế cũng như quân sự để xem sức khỏe của nội tình kinh tế Việt Nam, nội tình chính trị và quân sự Việt Nam như thế nào và phản ứng của Việt Nam ra sao.
Hàng tiểu ngạch của TQ len lỏi ở khắp các vùng miền trung nam bắc của Việt Nam và cả những vùng sâu vùng xa, trong khi đó hàng VN xuất khẩu sang TQ chỉ đến được những khu vực như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông mà không thể đi sâu vào nội địa của Trung Quốc. Đó là một bất lợi rất lớn và do đó, nếu Trung Quốc siết chặt tiểu ngạch thì đó là một bất lợi với Việt Nam.
Chúng ta đặt lại vấn đề là vì sao TQ chỉ siết tiểu ngạch mà không chính ngạch, tôi cho rằng đây là một bước thăm dò của TQ đối với sức khỏe nền kinh tế Việt Nam...
- T.S Kinh tế Phạm Chí Dũng
Theo phân tích của T.S Phạm Chí Dũng thì hàng chính ngạch của TQ sang VN mặc dù chỉ chiếm 1% tổng lượng xuất khẩu của TQ nhưng lại chiếm đến 28% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam, thậm chí với một số ngành hàng được xem là đặc biệt chiến lược của VN như dệt may, da giày thì có tới 70% nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị phải nhập từ TQ, T.S Dũng minh họa rằng một số doanh nghiệp VN than vãn công khai là nếu TQ siết chặt, không cung cấp và xuất khẩu những hàng nguyên vật liệu dệt may cho ngành dệt may gia công VN nữa thì những doanh nghiệp này chỉ có thể cầm cự được vài ba năm mà thôi và đây là một nguy cơ đối với VN.
Tại cuộc họp “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” ngày 3/7 tại Hà Nội, T.S Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định “không dễ gì Trung Quốc cắt quan hệ thương mại với VN” theo ông thì 4 lý do chính là quan hệ không chỉ ở phương diện 2 quốc gia mà còn là quan hệ kinh tế với các tập đoàn đa quốc gia đang đặt cứ điểm ở VN, trên 60% các sản phẩm điện tử linh kiện nhập khẩu từ TQ về VN là sản phẩm của Samsung, Canon…thứ hai, lợi nhuận từ việc xuất khẩu hàng sang VN của Trung Quốc mỗi năm cũng vài tỉ đô la, thứ ba, VN quan hệ với TQ trên cơ sở pháp lý rõ ràng và cuối cùng nếu TQ chơi xấu VN thì hình ảnh của TQ trên cộng đồng quốc tế càng xấu hơn.

Giải pháp nào cho VN

000_Hkg9407807-200.jpg
Lồng đèn Trung Thu Trung Quốc bày bán tại Việt Nam. AFP photo
Khi trả lời báo chí về câu hỏi khả năng một số cửa khẩu Việt – Trung có thể bị đóng cửa, bộ trưởng, chủ nhiệm VP Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện tại một số tỉnh có nêu khó khăn trong giao thương là do tăng cường kiểm soát hoạt động qua đường tiểu ngạch của TQ, còn lại các hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường. Đồng thời, ông Nên cũng khẳng định “việc Trung Quốc hạn chế xuất nhập khẩu đường tiểu ngạch sẽ có lợi cho nền sản xuất, hoạt động thương mại chính ngạch của Việt Nam.”
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngoài điểm lợi khi tiểu ngạch bị hạn chế sẽ tăng cường cho thương mại chính ngạch, thì khi hoạt động tiểu ngạch được kiểm soát chặt có thể sẽ xóa bỏ được những câu chuyện thu mua oái oăm của Trung Quốc như rễ cây hồi, râu ngô non, móng trâu bò… những kiểu thu mua tận diệt hay nâng giá thật cao, lôi cuốn người nông dân gom hàng rồi người Trung Quốc biến mất hoặc “ghìm giá” mà nhiều lần các chuyên gia phải lên tiếng:
Riêng cách mua nông sản không những làm cho Việt Nam thiệt thòi mà nhiều khi còn gây khó bằng cách là, có khi họ đưa giá lên rất cao mua ào ạt, rồi đùng một cái dừng lại không mua tiếp nữa, làm cho nông dân khi lỡ sản xuất ra rồi không làm thế nào được. Thế rồi những thủ tục khó khăn tạo ra ở biên giới, như là thanh long hiện nay đang đọng lại ở biên giới chẳng hạn, là những cách gây khó cho nông sản Việt Nam.”
Vừa rồi là lời nhận xét của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong một lần trao đổi trước đây với chúng tôi.
Bên cạnh đó, một thực tế cho thấy là nhiều hàng TQ nhập khẩu qua con đường tiểu ngạch giá rẻ thì chất lượng cũng thấp, những sản phẩm như rau xanh, cây trái đã bao lần gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam, chưa kể, một thiệt hại vô tình là buôn bán tiểu ngạch sẽ hạn chế hoặc triệt tiêu sức sáng tạo của người sản xuất nội địa khi họ ít quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa.
Vậy biện pháp nào để đối phó với tình trạng nếu hàng hóa tiểu ngạch bị hạn chế xuất nhập khẩu?
Đối với vấn đề tiểu ngạch thì các cơ quan quản lý của VN gần như không quản lý được từ trước tới nay. Tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi quá khó với Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan.
- T.S Phạm Chí Dũng
Trong lần phỏng vấn gần đây với báo Khám Phá, T.S Nguyễn Minh Phong thuộc viện nghiên cứu KT XH Hà Nội cho rằng biện pháp khả thi nhất là sớm thành lập các hiệp hội để chống lại những chính sách thu mua và những chiếc bẫy mà TQ đặt ra, đồng thời, Việt Nam cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu về bản chất những lợi hại khi làm ăn với Trung Quốc và cuối cùng là Chính phủ cần có những pháp lệnh hành chính để tránh việc thu mua của Trung Quốc gây nguy hại an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, với T.S Phạm Chí Dũng thì giải pháp cho vấn đề tiểu ngạch hiện tại lại quá đỗi khó khăn và nếu như Việt Nam thực sự muốn quản lý hiệu quả thì lẽ ra phải làm từ rất lâu rồi:
Đối với vấn đề tiểu ngạch thì các cơ quan quản lý của VN gần như không quản lý được từ trước tới nay. Tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi quá khó với Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan. Tôi ngay lúc này chưa thể hình dung ra một giải pháp an toàn và hiệu quả cao, tuy nhiên, tôi chỉ có thể nói rằng nếu nhà nước VN khôn ngoan thì họ đã biết chặn cửa khẩu tiểu ngạch từ lâu rồi, chứ không để nó chi phối và lũng đoạn cả vùng biên giới phía Bắc, đó là một vấn đề cực kỳ lớn.
Hẳn là vấn đề tiểu ngạch giao thương giữa VN và TQ còn là một câu chuyện dài, lợi có, hại có, nhưng với chính sách mở rộng thị trường mới, giảm mạnh lệ thuộc vào Trung Quốc thì chắc chắn những gì Trung Quốc đang tạo ra cho Việt Nam sẽ có ngày “gậy ông đập lưng ông.”

No comments:

Post a Comment