Friday, July 18, 2014

'Quả đắng' Đạm Ninh Bình: Công nghệ châu Âu, nhà thầu TQ?

(Baodatviet) - Sử dụng công nghệ châu Âu nhưng chọn nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu, từ khi đi vào vận hành, nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ.
Công nghệ châu Âu, tổng thầu Trung Quốc
Đi vào hoạt động từ năm 2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình có quy mô vốn gần 700 triệu USD, công suất 560.000 tấn urê/năm được kỳ vọng cung cấp phân đạm urê cho sản suất nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, thay thế phân đạm nhập khẩu, tạo sự ổn định về giá cả và nguồn cung cấp dài hạn cho ngành nông nghiệp.

Truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất thừa nhận:
 “Dây chuyền, máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất thường xảy ra các sự cố, tiêu hao định mức chưa đạt mức thiết kế”.Tuy nhiên, theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất, năm 2012, Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng và ước tính 6 tháng đầu năm tiếp tục lỗ 237 tỷ đồng.

Nhà máy đạm Ninh Bình
Nhà máy đạm Ninh Bình
Ngày 18/7, trao đổi với Đất Việt, ông Đỗ Duy Phi, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, thông tin trên chưa chính xác. Nhà máy Đạm Ninh Bình được xây dựng khi ông đang là Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất (khi đó là Tổng Công ty Hóa chất - PV). Năm 2007, Tập đoàn Hóa chất trực tiếp đàm phán và ký hợp tác với Tổng công ty thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu, Trung Quốc theo hình thức tổng thầu EPC để thực hiện dự án này.
"Năm đó Trung Quốc cho chúng ta vay 250 triệu USD. Một trong những điều kiện của họ là họ cho mình vay vốn thì nhà thầu của họ làm tổng thầu. Còn công nghệ, thiết bị chính của nhà máy toàn dùng của châu Âu, G7. Đó là các công nghệ hiện đại, như: công nghệ khí hóa than là của hãng Shell (Hà Lan), công nghệ tổng hợp Amôniắc của Đan Mạch, công nghệ tách khí CO2 và khí axit của Đức, công nghệ phân ly không khí của Pháp".
Thời điểm ký hợp đồng đã lâu nên ông Phi không thể nhớ hết các cam kết của nhà thầu Trung Quốc. Tuy nhiên, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất khẳng định, theo báo cáo khả thi nhà máy, Việt Nam lựa chọn công nghệ và trực tiếp ký hợp đồng với các hãng châu Âu, chứ nhà thầu Trung Quốc không ký.
"Các nhà máy phân đạm xây lâu rồi thì không nói, còn nhà máy mới xây từ Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau hay Đạm Ninh Bình toàn dùng thiết bị, công nghệ của châu Âu cả. Các thiết bị chính của Đạm Ninh Bình đều mua của G7, chỉ có một số thiết bị nào đó hay bị hỏng, có trục trặc là mua của Trung Quốc. Đó là chuyện bình thường thôi", ông Đỗ Duy Phi nói.
Đề cập đến thua lỗ của nhà máy Đạm Ninh Bình từ khi đi vào vận hành, ông Phi cho rằng: "Nhà máy Đạm Ninh Bình mới chạy chưa có kinh nghiệm, thời gian đầu còn hạn chế, nhưng sau anh em làm sẽ tốt hơn (?)".
Nhập phân bón Trung Quốc vì giá rẻ
Trong khi Nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng để xây dựng các nhà máy phân bón thì Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 6/2014 đạt 291 nghìn tấn với giá trị 93 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu phân bón 6 tháng đầu năm 2014 đạt gần 1,73 triệu tấn, kim ngạch nhập khẩu đạt 547 triệu USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 32,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm 46,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2014 tăng 9,2% về lượng nhưng giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Ông Đỗ Duy Phi cho rằng thực trạng phụ thuộc nguồn phân bón Trung Quốc đã kéo dài nhiều năm. Theo ông, lý do chính Việt Nam nhập khẩu nhiều phân bón Trung Quốc, dù chất lượng được đánh giá là thấp hơn của Việt Nam nhiều, là do yếu tố giá rẻ.
"Trung Quốc có chính sách thuế tương đối linh hoạt. Khi vào chính vụ, Trung Quốc đánh thuế xuất khẩu phân bón rất cao, hết vụ thì hạ tụt xuống. Tôi nhớ cách đây mấy năm, vào mùa vụ, thuế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc lên tới 135% nhưng hết vụ thì giảm đột ngột chỉ còn 10%. Rõ ràng chính sách thuế của Trung Quốc đã điều khiển thị trường, ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu phân bón của Việt Nam.
Thứ nữa, các nhà máy của Trung Quốc xây lâu đời, đã hết khấu hao nên giá thành cạnh tranh hơn so với Việt Nam. Chúng ta vừa mới xây nhà máy xong, vừa chạy nên chưa ổn định, còn phải khấu hao nên giá phân bón cao hơn", ông Phi phân tích.
Bàn về chuyện để ngành phân bón "thoát Trung", ông Đỗ Duy Phi cho rằng đây là một bài toán tổng thể rất phức tạp.
"Hàng hóa của Trung Quốc sản xuất kiểu gì mà đều rất rẻ. Có thể họ sản xuất số lượng lớn, chi phí quản lý được chia đều cho sản phẩm nên giá rẻ. Ở Việt Nam, nhà máy xây xong rồi, nếu chúng ta quản lý kỹ thuật, bảo hành, bảo dưỡng thiết bị tốt, thời gian sử dụng lâu dài, ít trục trặc, ít phải sửa chữa thì chi phí sản xuất sẽ giảm. Ngoài ra, cần bố trí nhân lực hợp lý, giảm chi phí nhân công, thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng...
Tóm lại, phải nghiên cứu tất cả các biện pháp, tối ưu hóa các quá trình, thiết bị công nghệ để giảm chi phí vận hành, khi ấy mới cạnh tranh được với hàng Trung Quốc", ông Phi nói.
Thứ Bảy, 19/07/2014 06:24
Thành Luân

No comments:

Post a Comment