Theo Bộ Nội vụ Ukraine, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 bị bắn rơi bằng tên lửa Buk gần thị trấn Torez cách biên giới Nga 50 km. Chiếc máy bay bị rơi từ độ cao hơn 10.000m. Hiện lực lượng Quân đội Ukraine và lực lượng ly khai tại miền Đông nước này đều bị nghi ngờ có liên quan đến vụ việc.
Theo phóng viên hãng AP, hệ thống phòng không Buk của Quân đội Ukraine đã xuất hiện vào sáng sớm ngày 17/7 gần nơi xảy ra vụ rơi máy bay của Malaysia Airline. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã khẳng định, quân đội nước này không tấn công bất cứ mục tiêu nào trên không trong ngày 17/7.
Trong khi đó, hãng tin RT dẫn lời Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng Aleksandr Boroday cho biết, Tự vệ Donetsk không có hệ thống phòng không có thể vươn tới độ cao hơn 10km - độ cao khi bị bắn rơi của máy bay Malaysia Airline. Hệ thống tên lửa phòng không tối tân nhất của họ là Strela-10 chỉ bắn được tới độ cao tối đa chưa đến 5km.
Nhưng trước đó phe ly khai từng khoe có sở hữu hệ thống tên lửa Buk do Nga sản xuất có khả năng làm được điều này. Gần đây nhất là hôm 16/7, một thủ lĩnh ly khai lên tiếng khẳng định đã dùng tên lửa Buk để bắn rơi một chiếc máy bay vận tải AN-26 của Quân đội Ukraine.
Trong một bài phân tích, hãng CNN thông tin,một trong những hệ thống phòng không S-200, S-300 và thậm chí là S-400 do Nga sản xuất hiện đang hoạt động trong Quân đội Ukraine có tầm bắn tới độ cao của máy bay gặp nạn.
Tên lửa phòng không tầm xa S-200 (NATO định danh SA-5), đây là loại tên lửa phòng không có tầm bắn xa nhất trong biên chế quân đội Ukraine. Lực lượng phòng không Kiev đang sử dụng biến thể S-200V có tầm bắn tới 250km, tầm cao 29km.
Được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất thế giới, S-300 có thể tiêu diệt đồng thời 24 máy bay trong vòng 200km ở độ cao 30km hoặc đánh chặn 16 tên lửa đạn đạo loại tầm ngắn - tầm trung.
Ngoài ra, hệ thống phòng không S-400 cũng có khả năng với tới độ cao trên. S-400 có thể giao chiến hiệu quả tất cả các mục tiêu trên không bao gồm máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến lược… trong khoảng cách lên đến 400 km và ở độ cao lên tới 40 km.
Tuy nhiên, khả năng thủ phạm là hệ thống S-400 là không có bởi từ khi được đưa vào trang bị trong Quân đội Nga, Moscow chưa hề xuất khẩu hệ thống này cho bất kỳ quốc gia nào.
Ngoài các nghi vấn được CNN đưa ra, hiện nay nghi vấn số một vẫn là hệ thống tên lửa phòng không Buk hay còn gọi SA-17 GRIZZLY (Buk có các biến thể Buk-M1 và Buk-M2). Hiện chưa rõ phiên bản Buk nào đã bắn hạ chiếc máy bay nói trên.
Buk-M1 (hiện có trong quân đội Ukraine) được thiết kế để tiêu diệt mọi mục tiêu đường không trong phạm vi trên 40km, tầm cao trên 20km. Ngoài ra, hệ thống tên lửa này còn có khả năng tiêu hủy nhiều loại vũ khí với độ chính xác cao trong điều kiện môi trường nhiễu tăng cường.
Đặc biệt, tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M1 có thời gian triển khai và khai hỏa cực nhanh so với các tổ hợp tương tự của các nước trên thế giới.
Chỉ mất chưa đến 30 giây, Buk-M1 đã có khả năng triển khai tác chiến và chưa đầy 5 phút sau sẽ ở trạng thái hoàn toàn sẵn sàng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào. Bên cạnh đó, Buk-M1 có khả năng tự hành và tính cơ động cao nhờ trang bị bánh xích và động cơ công suất lớn.
Hệ thống anten kiểu mạng lưới hoạt động theo pha với phương thức điều khiển chỉ huy hiện đại cho phép Buk-M1 có thể phát hiện, bám và tiêu diệt đồng thời 6-24 mục tiêu. Hệ thống quang điện tử vừa bảo đảm khả năng hoạt động ngày và đêm, vừa nâng cao khả năng chống nhiễu và sống sót cao cho Buk-M1.
Toàn bộ vũ khí của tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M1 đều được trang bị các hệ thống tính toán kỹ thuật số tối tân. Nó cho phép giảm thiểu thời gian tính toán, xử lý dữ liệu và lựa chọn những mục tiêu nguy hiểm nhất để bắt và bám tự động. 10-12 giây sau khi phát hiện mục tiêu, Buk-M1 có thể khai hỏa bắn từng quả hoặc bắn loạt để tiêu diệt đối phương.
(Trong ảnh: Hệ thống Buk của Nga)
Thứ Sáu, 18/07/2014 12:32
No comments:
Post a Comment